(Tổ Quốc) - Cuối tháng 4/2021, sân khấu Lệ Ngọc sẽ cho ra mắt vở Làm vua. Vở kịch lấy không gian lịch sử của triều đại nhà Đinh - nhà nước Đại Cồ Việt, do Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng dựng nên sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, cách đây hơn 1.050 năm.
Làm vua (kịch bản: TS Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: Lê Quý Dương) là "chuyện ngoài chính sử". Chủ đề tư tưởng của tác phẩm là đức hy sinh to lớn của một vị quân vương trước những trách nhiệm lớn lao đối với đất nước và nhân dân. Làm vua phải biết đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.
Từ chủ đề xuyên suốt đó, trên nền câu chuyện của tác giả Đăng Chương, đạo diễn được mệnh danh "phù thủy" sân khấu Lê Quý Dương đã viết lại toàn bộ câu chuyện thành một kịch bản sâu sắc về mặt nội dung, độc đáo về mặt hình thức thể hiện, hiện đại nhưng đậm chất sử thi trong việc xây dựng hành động, tổ chức xung đột, định hình tính cách và ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật.
Làm vua kể về mối quan hệ giữa vua Đinh Tiên Hoàng, Chính cung Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Xung quanh mối quan hệ ấy, mỗi nhân vật đều thể hiện phẩm chất của mình. Đó là đức hy sinh to lớn của một vị quân vương trước những trách nhiệm lớn lao đối với đất nước và nhân dân. Làm vua phải biết đặt lợi ích của tổ quốc và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là Hoàng hậu Dương Vân Nga hiền lương, thục đức. Đó là tướng quân Lê Hoàn vì sự ổn định của giang sơn mà quên đi tình riêng.
Câu chuyện lịch sử khốc liệt của triều đại nhà Đinh với mối tình tay ba giữa Đinh Tiên Hoàng Đế, Hoàng Hậu Dương Vân Nga và Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn đã được soi chiếu, mổ xẻ và phân tích lại bằng một tư duy dàn dựng và phong cách diễn xuất hoàn toàn mới. Cả ba nhân vật chính này đã dũng cảm hy sinh và vượt lên trên tình riêng của mình để trọn vẹn tấm lòng và trách nhiệm trước những vận mệnh lớn lao của giang sơn xã tắc, muôn dân trăm họ và nền chính thống non trẻ của nhà nước Đại Cồ Việt.
Theo đạo diễn Lê Quý Dương, vở diễn Làm vua là bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam không chịu ách áp bức nô lệ từ phương Bắc, bất khuất hiên ngang đứng lên, thống nhất giang sơn, khẳng định chủ quyền, mở ra triều đại phong kiến tập quyền đầu tiên của dân tộc. Khi nhận dàn dựng vở Làm vua của tác giả Đăng Chương, điều khiến đạo diễn Lê Quý Dương tâm đắc chính là từ giai thoại tình cảm giữa vua Đinh Tiên Hoàng, chính cung Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đã được tác giả Đăng Chương khéo léo đặt ra một vấn đề rất mới cho xã hội hiện đại.
Làm vua được dàn dựng trên một hình thức sân khấu kết hợp chặt chẽ giữa tính huyền thoại sử thi với kỹ thuật và ngôn ngữ dàn dựng hiện đại. Trang trí sân khấu do chính đạo diễn thiết kế là không gian hoàng cung Đinh Tiên Hoàng và Cung Dương Vân Nga với chiếc Ngai vàng là trung tâm. Các khối tượng đá như dấu ấn còn sót lại của triều đại nhà Đinh cách đây hơn 1050 năm sẽ được xử lý năng động và biến hóa để tạo nên các bối cảnh khác nhau.
Sân khấu được thiết kế đơn giản nhưng đầy ẩn dụ. 10 tượng đá như những ước lệ về các nhân vật của vở diễn. Khán giả thưởng thức Làm vua như quay ngược lại thời gian, chứng kiến những nhân vật thoát ra từ những khối tượng đá đó, để kể lại câu chuyện lịch sử huyền thoại của cuộc đời họ với những thông điệp còn giá trị với cuộc sống hôm nay. Đó là nỗi trăn trở, những câu hỏi của một vị vua ở trên ngôi cao mà vẫn luôn canh cánh nỗi cô đơn. Đó là không biết những thứ mình đang có có phải thực sự là của mình hay không, không biết có phải mình đang tước đoạt từ ai đó hay không, mình có lỗi với ai không, thậm chí là có lỗi với chính bản thân mình hay không, những câu hỏi mà đi hết cả cuộc đời vẫn không có lời giải?!
Vào vai vua Đinh Tiên Hoàng, nghệ sĩ Văn Hải chia sẻ: "Tôi đắm đuối và suy tư về nhân vật Đinh Tiên Hoàng tới từng hơi thở, lời nói, hành động và cử chỉ. Nhiều đêm không ngủ được. Đạo diễn chỉnh từng từ trong thoại. Đạo diễn và bản thân tôi đòi hỏi phải làm sao đi đến tận cùng của cảm xúc của nhân vật. Tôi muốn khắc họa nhân vật Đinh Tiên Hoàng thật vĩ đại như chính công lao của ông với lịch sử dân tộc, nhưng cũng rất đời thường, rất mộc mạc. Đó là tính cách của một lương dân trong một vị Hoàng Đế và ngược lại. Tôi thích cách đạo diễn viết lại kịch bản, tổ chức lại xung đột, xây dựng thêm các hình tượng nhân vật mới như Quan Thái Giám, Ngô Nhật Khánh, mở rộng và phát triển số phận cho các nhân vật như Phất Kim, Dương Thị Lụa, Hầu gái. Những điều đó làm cho toàn bộ hành động kịch trở thành một vòng xoáy khốc liệt, trong đó, mối tình giữa Đinh Tiên Hoàng, Dương Vân Nga và Lê Hoàn là tâm điểm. Đó không còn là chuyện tình tay ba ủy mị. Đó là mối tình tay ba đậm đặc tính thời đại hôm nay với trách nhiệm của những vị quân vương đối với đất nước và nhân dân của mình".
Vào vai Hoàng hậu Dương Vân Nga, NSND Lệ Ngọc cho biết, Hoàng hậu là người đàn bà đầy nghị lực đã đau đớn hy sinh mối tình đầu ngây thơ, trong trắng của nàng thôn nữ năm xưa, bên nương dâu xanh ngát, khi gặp dũng tướng Lê Hoàn. Bà đã đứng lên, suy nghĩ và hành động giữa triều đình với sự đoan chính, ngay thẳng, chân tình của một Chính Cung Hoàng Hậu. NSND Lệ Ngọc cho biết: "Điều khó nhất khi vào vai Hoàng Hậu Dương Vân Nga là đạo diễn đòi hỏi phải diễn ra được tâm hồn và cảm xúc của hai người trong một thân xác. Dương Vân Nga là một cô thôn nữ yêu hồn nhiên và say đắm Lê Hoàn năm xưa và Dương Vân Nga là một Chính Cung Hoàng Hậu yêu cháy bỏng và tâm phục Đinh Tiên Hoàng Đế hôm nay. Hai tâm hồn và cảm xúc này luôn giằng co, tranh đấu với nhau. Xung đột nội tâm đặt nhân vật của tôi phải đi trên sợi dây oan nghiệt và tàn khốc của định mệnh từ đầu vở đến cuối vở, không được ngã về bên này và cũng không thể ngã về bên kia. Diễn trên ranh giới ấy là một thách thức rất lớn cho diễn viên nhưng vô cùng thú vị".
Vở diễn quy tụ ê kíp sáng tạo nổi tiếng như NSƯT, nhạc sĩ Mạnh Tiến - Giám đốc âm nhạc, diễn họa phối cảnh 3D - họa sĩ Điệp Nguyễn, họa sĩ Khánh Art đảm nhận việc thực hiện toàn bộ bối cảnh...
Có thể nói, đây là vở diễn được Sân khấu Lệ Ngọc đầu tư lớn nhất từ trước tới nay với mong muốn có một vở kịch sử thi và chính luận thật sự quy mô. Dù là kịch lịch sử, nhưng Làm vua đã thoát được vai chỉ là minh họa nguyên bản lịch sử song vẫn giữ được giá trị cốt lõi, vừa mang tính đương đại, nêu lên nhiều bài học quý giá cho các thế hệ hôm nay.
Vở diễn sẽ chính thức được giới thiệu tại rạp Đại Nam từ ngày 27 đến 29/4 và từ ngày 2- 4/5 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội./.