(Tổ Quốc) - Ngày 13/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức họp báo, thông tin về Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng chủ trị Họp báo.
Các hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 21-28/4 tại thành phố Việt Trì, góp phần tích cực động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Đây cũng sẽ là ngày hội chung của dân tộc; nhân dân trong, ngoài nước thắp hương lễ Tổ, tham gia vào các hoạt động văn hóa hấp dẫn, đặc sắc, thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước, các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.
Tại cuộc họp báo, Ban Tổ chức thông tin cho biết: Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam gồm 5 sự kiện, hoạt động chính: Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hội nghị - Hội thảo “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch” và Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam.
Phát biểu tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Lê Thị Thu Hiền cho biết, ngoài các hoạt động được tổ chức xuyên suốt Tuần lễ có hoạt động đáng chú nhân dịp kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Với vai trò quốc gia thành viên có trách nhiệm và tích cực trong việc tăng cường thúc đẩy sự phát triển của Công ước 2023, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
"Việc tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Kế hoạch triển khai các hoạt động của Thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 của Việt Nam, sẽ góp phần tăng cường phối hợp với UNESCO và các cơ quan/tổ chức cũng như các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy việc thực hiện Công ước, nâng cao năng lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; tăng cường phối hợp với UNESCO, các tổ chức trực thuộc và các quốc gia thành viên của Công ước trong việc thúc đẩy triển khai Công ước, và đặc biệt là đảm bảo thực hiện hiệu quả nghĩa vụ của Quốc gia Thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của Việt Nam" - bà Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tuần lễ là dịp nhằm thiết thực giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam; đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể và hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được UNESCO ghi danh.
Bên cạnh 5 sự kiện phối hợp với Bộ VHTTDL, tỉnh Phú Thọ còn chủ trì, tổ chức 20 sự kiện văn hoá, du lịch, quan trọng, cùng với đó là chuỗi các hoạt động văn hoá, du lịch, thương mại trong dịp Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hoá, du lịch đất Tổ.
"Thông qua chuỗi hoạt động văn hoá, du lịch, tỉnh Phú Thọ mong muốn giúp du khách được trải nghiệm nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa vùng đất Tổ", ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho biết.
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, tại Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức một chuỗi các sự kiện để thu hút du lịch, trong đó tỉnh đã phối hợp với các đơn vị của Bộ VHTTDL để thực hiện Lễ khai mạc, Liên hoan các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, hiện đã có không gian để các nghệ nhân trình diễn.
Ông Nguyễn Đắc Thủy cũng cho biết thêm: "Do Tuần lễ trùng với dịp nghỉ lễ dài, tỉnh Phú Thọ đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch phòng chống an ninh, dịch bệnh, môi trường, chuẩn bị đón lượng khách lớn sau 3 năm khi hết dịch. Với nhu cầu văn hóa du lịch của người dân lớn, tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị sẵn sàng cho du lịch, du khách cả nước về với đất Tổ, trải nghiệm. Dự kiến dịp này tỉnh Phú Thọ sẽ đón khoảng 8 triệu lượt khách".
Tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo các đơn vị dịch vụ thương mại, du lịch, lưu trú chuẩn bị tốt nhất để đón du khách, kiều bào về đất Tổ, trải nghiệm các giá trị văn hoá. Địa phương đã mời các hộ kinh doanh ký cam kết không ảnh hưởng đến hình ảnh của lễ hội, đảm bảo các dịch vụ niêm yết giá theo quy định, khắc phục những bất cập xảy ra trong những năm qua, để lễ hội diễn ra văn minh, mẫu mực.
Chia sẻ tại Họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng chia sẻ: "Năm nay Lễ hội đền Hùng dự kiến sẽ nhộn nhịp hơn, tỉnh Phú Thọ có một số nỗi lo về cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ, lưu trú ăn uống, riêng về an ninh trật tự cố gắng không để xảy ra hành vi phản cảm, nhất là không xảy ra hành vi tăng giá, nếu phát hiện thông báo ngay cho cơ quan chức năng để chấn chỉnh ngay".
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết: "Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam là ngày hội chung của dân tộc, Nhân dân cả nước ngoài thắp hương lễ Tổ, còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa hấp dẫn, đặc sắc, thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước. Đây là sự kiện có tầm quan trọng và ý nghĩa, qua sự kiện, Bộ VHTTDL khẳng định việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, kinh tế, du lịch, đồng thời mong muốn các địa phương tiếp tục có các phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản, để di sản thực sự là nguồn lực phát triển kinh tế, du lịch".
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đồng thời khẳng định, sự chung tay của Bộ VHTTDL cùng với UBND tỉnh Phú Thọ sẽ hứa hẹn đem đến một sự kiện văn hóa đặc sắc, an toàn, văn minh, tôn vinh di sản văn hóa của cha ông./.