Lần đầu tiên tổ chức liên hoan trình diễn nghi lễ và trò chơi kéo co tại Việt Nam
Thực hiện: Nam Nguyễn | 18/11/2023
(Tổ Quốc) - Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, từ ngày 17 đến 18-11 tại di tích quốc gia đặc biệt đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) diễn ra các hoạt động trình diễn nghi lễ, trò chơi kéo co của các cộng đồng kéo co của Việt Nam và quốc tế.
Kỷ niệm tròn 5 năm Nghi lễ và trò chơi Kéo co được tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, sáng ngày 18/11, tại Đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội), 7 cộng đồng kéo co Việt Nam và Hội Kéo co Hàn Quốc đã thực hành trình diễn di sản kéo co.
Đây là lần đầu tiên Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và quận Long Biên tổ chức sự kiện này nhằm tăng cường kết nối và trao đổi giữa các cộng đồng thực hành Di sản Nghi lễ và trò chơi kéo co tại Việt Nam và các quốc gia có di sản được UNESCO ghi danh.
Trò kéo co ngồi là di sản đặc sắc diễn ra tại Lễ hội đền Trấn Vũ vào ngày 3-3 Âm lịch hằng năm.
Trong ảnh, hai đội kéo co của đền Trấn Vũ trình diễn trò kéo co ngồi. Dây song được luồn qua một cột gỗ lim lớn, người chơi ngồi chân co, chân duỗi và xen kẽ nhau để có được lực kéo tốt nhất.
Ông Ngô Quang Khải, đại diện cộng đồng kéo co ngồi đền Trấn Vũ, Long Biên, Hà Nội, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản, đặc biệt là việc tuyên truyền cho thế hệ trẻ về truyền thống quê hương. Hàng năm, có khoảng 12.000 học sinh đến tham quan đền và tìm hiểu về kéo co ngồi. Chính quyền địa phương rất quan tâm và hiện đang hỗ trợ xây dựng nhà truyền thống để trình chiếu những hình ảnh và phim tài liệu giới thiệu di sản.”
Người dân cổ vũ cho các đội tham gia.
Trình diễn trò kéo mỏ của thôn Ngải Khê, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.
Vật dụng kéo mỏ là hai cây tre dài từ 6-7m, số đốt được tính từ gốc lên ngọn là Sinh-lão-bệnh-tử, đốt cuối cùng phải đúng chữ sinh.
Sau đó, dân làng sẽ mang nung hai đầu ngọn tre, uốn mềm thành mỏ và móc vào nhau, rồi dùng lạt mềm buộc thật chặt làm vật dụng kéo.
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: “Chung một sợi dây" là thông điệp tuyệt vời mà tất cả các cộng đồng kéo co đều cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của nó. Sợi dây là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, là sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, là sự nối dài của những cánh tay, sự tiếp sức từ cộng đồng này đến cộng đồng khác"
Trò kéo co ở thôn Hữu Chấp (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) sử dụng hai cây tre to, vót phần vỏ làm dụng cụ kéo.
Mỗi lần tổ chức có 3 đợt kéo. Trong hai đợt đầu tiên, đội đằng Tây và đằng Đông đều giành chiến thắng.
Ở loạt kéo cuối cùng, người dân và du khách có thể tham gia kéo cho đội mình yêu thích để phân định thắng thua.
Phần trình diễn của Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc) với dây kéo được bện bằng rơm.
Trong ảnh, đại diện lãnh đạo UBND quận Long Biên, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nhân dân và du khách cùng tham gia kéo co.
Tại lễ hội kéo co ở Hàn Quốc, dây kéo có thể dài tới 200m, nặng tới 40 tấn và tất cả mọi người có mặt đều có thể tham gia kéo co, tạo sự gắn kết cộng đồng.
Sau phần trình diễn tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, Hội Kéo co Gijisi đã tặng lại dây kéo co cho đền Trấn Vũ như một món quà giao lưu văn hóa độc đáo.