(Tổ Quốc) - Từ sau khi được công nhận xếp hạng “Di tích cấp Quốc gia”, đã gần 10 năm nay làng cổ Phước Tích vẫn chưa thể phát huy tiềm năng vốn có để thu hút khách du lịch.
Làng cổ đìu hiu
Làng cổ Phước Tích là một trong những ngôi làng cổ Việt Nam được đánh giá có “vẻ đẹp cổ kính” với những giá trị di sản vật thể vô giá. Thế nhưng từ sau khi được công nhận xếp hạng “Di tích cấp quốc gia”, đã gần 10 năm nay làng cổ Phước Tích vẫn chưa thể phát huy tiềm năng vốn có để thu hút khách du lịch.
Từ TP. Huế men theo con đường QL1A về hướng Bắc khoảng chừng 45km du khách có thể đến thăm ngôi làng cổ Phước Tích tại xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Nằm bên con sông Ô Lâu hiền hòa, làng Phước Tích đẹp như một bức tranh cổ của làng quê Việt Nam với cây đa, bến nước, sân đình…
Đường vào điểm tham quan, du lịch làng cổ Phước Tích. Ảnh: Lê Chung |
Theo tìm hiểu được biết, ngôi làng này được thành lập vào năm 1470. Với lịch sử hơn 500 năm hình thành và phát triển, đến nay Phước Tích vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị di sản vật thể vô giá. Trước hết phải kể đến quần thể di tích kiến trúc dân gian độc đáo gồm 27 ngôi nhà rường cổ và 10 nhà thờ họ, phái cổ được chạm khắc những họa tiết, hoa văn tinh xảo. Ngoài ra Phước Tích còn có hàng chục các đình, chùa, miếu... tất cả mang đậm nét tín ngưỡng của người dân xứ Huế cũng như miền Trung.
Nhắc đến Phước Tích cũng phải nhắc đến nghề làm gốm nổi tiếng với những sản phẩm độc đáo được làm hoàn toàn bằng tay và đun bằng củi trong các lò sấp, lò ngửa. Các sản phẩm gốm của Phước Tích thường mang nét riêng, khác lạ không giống bất kỳ địa phương nào. Từng có thời gian, các sản phẩm gốm nơi này còn được lựa chọn để tiến vua. Người dân Phước Tích đến nay vẫn lưu truyền hai câu thơ: “Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế/ Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân” là để ca ngợi về nghề gốm truyền thống của làng.
Với những giá trị đặc trưng của mình, năm 2009, làng Phước Tích là ngôi làng cổ thứ hai được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia sau làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Đây là điểm đến được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Thế nhưng thực tế thì suốt nhiều năm qua Phước Tích vẫn đìu hiu vắng khách, có chăng chỉ sống dậy được một vài ngày ở mỗi kỳ Festival với chương trình “Hương xưa làng cổ”. “Bài toán” làm thế nào để thu hút khách du lịch đến với Phước Tích lâu nay vẫn chưa thể tìm ra lời giải và là niềm trăn trở của không ít người.
Những ngôi nhà rường cổ là nét đặc trưng của làng cổ Phước Tích. Ảnh: Lê Chung |
Anh Lương Thanh Hiền, người dân làng Phước Tích, cũng là người tâm huyết với việc phát triển du lịch tại địa phương chia sẻ, Phước Tích thực sự là điểm đến tuyệt vời cho những ai muốn tìm về với thiên nhiên. Hầu hết các du khách từng tìm đến tham quan, trải nghiệm Phước Tích đều đánh giá rất cao giá trị của ngôi làng cổ này. Tuy nhiên, họ cũng rất ngạc nhiên bởi việc phát triển du lịch ở đây vẫn khá “èo uột”, chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có.
“Phước Tích lâu nay như bị lãng quên và chỉ sống dậy khi có Festival, một điểm đến như thế này mà không phát quy được quả là một điều thật sự đáng tiếc không chỉ với địa phương mà còn cả với du khách”, anh Hiền nói.
Nói về việc làng cổ Phước Tích đã gần 10 năm từ lúc được công nhận Di tích Quốc gia đến nay vẫn không thu hút được du khách, ông Nguyễn Hồng Thắng – Giám đốc BQL làng cổ Phước Tích cũng thừa nhận điều này. Theo ông Thắng, đây cũng là điều mà BQL cũng như người dân địa phương hết sức trăn trở và là bài toán nan giải của chính quyền các cấp. Nếu cứ tiếp tục để như vậy thì thực sự lãng phí cho du lịch của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Bức tranh cổ cần thêm những… “sắc màu”
Ban quản lý làng cổ Phước Tích cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến lượng khách đến tham quan Phước Tích không nhiều. Trong đó phải kể đến trở ngại về mặt địa lý. Khoảng cách từ TP. Huế đến làng cổ hơn 45km tạo sự kìm hãm cho nhiều người không muốn đến đây.
Trải nghiệm làm gốm ở làng cổ Phước Tích chưa phát huy được hiệu quả vì khách đến thăm quá "èo uột". Ảnh: Lê Chung |
“Nếu như Phước Tích nằm ở một địa điểm nào đó cách thành phố một khoảng cách ngắn thì sẽ khác vì sự đi lại thuận tiện. Giờ khách muốn đến với Phước Tích họ sẽ phải trải qua một chặn đường dài với sự mệt mỏi thì còn thú vị gì nữa”, ông Thắng phân tích.
Ông Thắng cũng cho biết thêm dù vậy thì đó chưa phải là tất cả. Việc chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc sắc để níu chân du khách về và ở lại Phước Tích mới là nguyên nhân chính khiến du lịch tại đây vẫn chưa thể phát triển. Hiện tại, đến với Phước Tích du khách chỉ có thể đi dạo quanh làng, rồi sau đó quay lại với lò gốm cũ để cùng trải nghiệm làm nghề với người dân. Tuy nhiên, sự trải nghiệm công việc làm gốm cũng không còn hấp dẫn là bao khi chính làng nghề nổi tiếng này cũng đang bên bờ vực lụi tàn.
Ông Lê Trọng Diễn, chủ nhân ngôi nhà rường cổ, nơi lưu giữ nhiều mẫu gốm cổ của làng Phước Tích cho biết du khách đến làng Phước Tích đều rất muốn trải nghiệm công việc làm gốm. Thế nhưng số lượng khách quá ít nên mô hình này dường như chưa phát huy được giá trị. “Giờ cả làng chỉ còn mỗi một người làm gốm, nhiều người đã bỏ nghề đi làm nghề khác. Du khách nếu muốn xem tìm hiểu gốm thì chỉ còn đến nhà của tôi”, ông Diễn trăn trở.
Thực tế, việc làng cổ Phước Tích không có được một sản phẩm du lịch đặc sắc đã được chính quyền địa phương nhìn nhận từ lâu. Thế nhưng làm thế nào để tạo ra được một sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo ra được “sắc màu” mới cho bức tranh làng cổ Phước Tích xem ra vẫn là câu hỏi khó. Mới đây, trong buổi đối thoại trực tuyến “Festival và Du lịch Huế”, câu hỏi giải pháp nào để phát triển du lịch tại làng cổ Phước Tích cũng nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Ông Lê Trọng Diễn giới thiệu về bộ sưu tập gốm cổ của làng, địa điểm hiếm hoi còn được nhiều người quan tâm. Ảnh: Lê Chung |
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay, tiềm năng du lịch ở làng cổ Phước Tích khá lớn nhưng khai thác còn hạn chế, dịch vụ đi kèm chưa hấp dẫn; hoạt động lưu trú homestay chưa phát triển và có chất lượng như mong muốn; các sản phẩm truyền thống địa phương chưa có được sự đầu tư khai thác.
Để xây dựng điểm đến làng cổ Phước Tích, nên chăng thời gian tới địa phương cần kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực liên kết với một số hộ gia đình phát triển hoạt động lưu trú homestay gắn với du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm.
Các sản phẩm du lịch tại đây cũng cần được quan tâm đầu tư hơn như: tham quan nhà cổ, sinh hoạt cộng đồng, trò chơi dân gian, nghề gốm,… gắn với phát triển các làng nghề truyền thống lân cận và liên kết với khu nghỉ dưỡng Alba Thanh Tân nhằm tạo sự kết nối liên hoàn về du lịch, tăng thêm sự đa dạng và hấp dẫn tại điểm đến của làng cổ Phước Tích.
Thế nhưng đó mới chỉ là giải pháp đưa ra. Từ giải pháp đến với thực tế và hiệu quả mang lại như thế nào thì có lẽ người dân làng Phước Tích còn phải đợi thêm một thời gian nữa. Hy vọng, “bài toán” này sẽ sớm được tỉnh Thừa Thiên – Huế tìm ra lời giải để địa phương không lãng phí một điểm đến du lịch đầy tiềm năng của mình.
Lê Chung