(Tổ Quốc) - Làng hương Quảng Phú Cầu là làng nghề làm hương truyền thống nổi tiếng. Với hơn 100 năm hình thành và phát triển, đây là làng hương duy nhất ở Hà Nội còn giữ được nghề truyền thống. Ngày nay, làng hương còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Độc đáo làng hương cổ
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Nam, làng tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) đang trở thành điểm đến du lịch độc đáo của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Hiện tại, nghề làm hương có mặt ở 5 thôn: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu và Đạo Tú, nhằm phục vụ cho nhu cầu hương của người tiêu dùng ở các vùng lân cận.
Khác với loại hình làng nghề sản xuất theo mùa vụ, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu sản xuất quanh năm, thời điểm tất bật nhất là sau rằm tháng 7 âm lịch đến Tết nguyên đán. Những ngày này, khắp các làng trên, xóm dưới, nhà nào cũng tất bật gia tăng sản xuất để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Từ đầu làng Cầu Bầu, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị thoăn thoắt chẻ vầu, vót tăm, nhuộm phẩm, se hương. Mỗi công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận của người thợ lành nghề.
Trước đây, công đoạn se hương theo cách làm truyền thống khá công phu, đòi hỏi người thợ khéo tay, tỉ mỉ thì nay với việc áp dụng công nghệ máy móc hiện đại rút ngắn quá trình sản xuất, tăng năng suất lao động. Hương sau khi se xong sẽ được phơi đủ nắng để chống mốc, bền màu.
Là sản phẩm mang yếu tố tâm linh, người dân chọn lọc kỹ lưỡng từ nguyên liệu đến các công đoạn sản xuất. Hiện nay, nguyên liệu của tăm hương hoàn toàn từ thảo mộc phong phú như trầm, tùng, trắc, bạch chỉ, hoắc hương, quế chi, nhựa cây trám, củ, rễ cây hương bài… Từ mùi hương đặc trưng của các loại thảo mộc cùng bí quyết pha trộn riêng biệt, tỉ mỉ qua từng công đoạn, hương của làng nghề Quảng Phú Cầu giữ được hương thơm, bền màu, đẹp mắt.
Nếu như trước đây, hương Quảng Phú Cầu chỉ được sản xuất phục vụ trong huyện và một vài tỉnh xung quanh, thì đến nay, hương của làng đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc… và nhận được đánh giá rất cao.
“Nghề này thì không quá khó và vất vả, cũng không cần quá khéo tay. Điều cần nhất chính là sự ủng hộ của thời tiết, chỉ nắng thì mới phơi được chân hương, chứ không nắng là chịu”. ông Thành (60 tuổi), vừa bó hương vừa nói.
Đến nay, tuy lớp người trẻ đã chọn con đường khác, chọn những ngành nghề khác hiện đại hơn, ổn định hơn, nhưng nghề làm chân hương vẫn đóng vai trò to lớn trong việc ổn định kinh tế cũng như làm niềm tự hào to lớn của người dân khi nhắc tới làng nghề hương Quảng Phú Cầu.
Xây dựng “thương hiệu" du lịch làng nghề
Không chỉ là làng nghề giàu truyền thống, nhằm kích cầu du lịch ngoại thành Hà Nội, người dân làng nghề đã sáng tạo những mô hình du lịch rất riêng, thẩm mỹ cao để thu hút du khách.
Đến thăm làng hương Quảng Phú Cầu, đây là cơ hội để bạn tìm hiểu về nghề sản xuất tăm hương truyền thống và chụp thật nhiều bức ảnh check-in độc đáo.
Hương Quảng Phú Cầu là loại hương màu vàng và đỏ - màu sắc may mắn của phương Đông nên rất đẹp và nổi bật. Chính vì vậy, trong nhiều năm liền, làng hương Hà Nội này là nơi được các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước chọn lựa để chụp ảnh và không ít các tác phẩm về làng hương này đoạt nhiều giải thưởng lớn.
Vì khung cảnh quá đỗi đẹp mắt và độc đáo mà làng hương Quảng Phú Cầu trở thành làng nghề truyền thống ở Hà Nội thu hút đông đảo nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Đến đây, du khách sẽ được dịp dạo khắp các thôn làng để ngắm những “đóa hương" to lớn và chụp thật nhiều ảnh đẹp.
Người dân làng hương đã thiết kế những tiểu cảnh độc đáo được làm từ tăm hương, thu hút đông đông du khách chụp ảnh. Như tại nhà ông Nguyễn Văn Long, những bó tăm hương được nhuộm nhiều màu và xếp phơi theo những hình bắt mắt như cây thông Noel, lá cờ, bản đồ... với mục đích để khách đến tham quan và check-in. Ngày cận Tết, du khách ra vào nườm nượp, mỗi lượt vào chụp ảnh khách trả phí 50 nghìn đồng, đem lại thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày cho gia đình ông Long.
Để sáng tạo mô hình, người dân lựa chọn những bó tăm hương đều màu nhất, được bó với kích thước lớn, đầu chụm vào nhau, chân xòe ra khoe màu sắc rực rỡ như những đóa hoa đang nở. Tận dụng các khoảng sân rộng như sân nhà, sân đình, người làng phơi những bó hương thơm dưới ánh nắng vàng rực tạo nên khung cảnh nên thơ, trữ tình. Nét đẹp riêng có của làng tăm hương Quảng Phú Cầu tạo khoảnh khắc cho các nhiếp ảnh gia sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Trong đó, bức ảnh làng hương Quảng Phú Cầu được chụp bởi nhiếp ảnh gia Azim Khan Ronnie lọt danh sách những bức ảnh ấn tượng giải thưởng Môi trường quốc tế năm 2021; Tác phẩm “Phơi nhang” của nhiếp ảnh gia Nông Thanh Toàn đạt giải thưởng cao nhất cuộc thi ảnh quốc tế “Màu đỏ” năm 2020; Tác phẩm “Ngày nắng” của nhiếp ảnh gia - nhà báo Trần Việt Văn từng đạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế.
“Một làng hương Quảng Phú Cầu đẹp như tranh” là ấn tượng của nhiều du khách khi đến với xã Quảng Phú Cầu. Mục tiêu đưa sản phẩm địa phương trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, hiện Hợp tác xã Quảng Phú Cầu đã và đang xây dựng “thương hiệu” làng nghề, đăng ký chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với 3 sản phẩm: Hương nén, hương nụ, hương vòng nhằm quảng bá nghề truyền thống đến với đông đảo du khách gần, xa.
Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất, cùng với bảo tồn nghề hương, chính quyền và nhân dân địa phương xác định phát triển du lịch làng nghề nhằm góp phần quảng bá cho sản phẩm hương Quảng Phú Cầu, đồng thời tăng thêm thu nhập cho người dân.
Cũng theo ông Nhất, vấn đề cần quan tâm hiện nay là bảo vệ môi trường, đem lại sự phát triển bền vững cho làng nghề cũng như cho đời sống người dân./.