(Tổ Quốc) - Ngày 10/12, 60 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thụ, nằm trong số 300 tác phẩm được Tập đoàn Thái Bình Dương mua lại từ một nhà sưu tập nghệ thuật Thái Lan đã được trưng bày tại Hà Nội trong triển lãm mang tên "Nguyễn Thụ- Hiện thực và trữ tình".
Họa sĩ Nguyễn Thụ là một trong 15 học viên khóa 1 (1957-1962) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giảng viên của trường và giữ cương vị hiệu trưởng từ năm 1985 đến năm 1991.
Bức tranh lụa của Nguyễn Thụ được giới thiệu tại Triển lãm
Nguyễn Thụ bén duyên tranh lụa ngay từ những ngày đầu đến với hội họa bởi ông tìm thấy trong tranh lụa sự nhẹ nhàng, lãng mạn, gần gũi như chính con người mình. Đặc tính mềm, mỏng, trong của lụa đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự trau chuốt trong quá trình làm việc. Nguyễn Thụ là một trong số ít họa sĩ dành cả cuộc đời để vẽ tranh lụa và ghi dấu ấn sâu sắc với thể loại này.
Tranh của ông cô đọng về ý, tinh lược về hình, lúc nhấn, lúc thả, đẹp dịu dàng, nên thơ, trong trẻo… như một cuộc dạo chơi lãng đãng giữa thiên nhiên, đất trời. Tranh lụa Nguyễn Thụ khác biệt không chỉ bởi vẻ đẹp thơ mộng mà còn ở tính khái quát, cô đọng của các hình tượng nghệ thuật.
Nhà nghiên cứu, họa sỹ Phan Cẩm Thượng chia sẻ: Họa sĩ Nguyễn Thụ đặc biệt nặng lòng với đồng bào dân tộc Tày, Thái và vùng núi phía Bắc. Con người, cảnh vật miền sơn cước trở thành đề tài xuyên suốt các sáng tác của người họa sĩ tài hoa này, với vẻ đẹp trữ tình, thấm đẫm chất núi rừng, đầy chất thơ, uyển chuyển
Tranh của Nguyễn Thụ là cảm xúc trước cái đẹp, sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Ông là tác giả của nhiều bức ký họa xuất sắc trong nghệ thuật ký họa Việt Nam. Cũng từ những bức ký họa ấy đã xuất hiện nhiều tác phẩm để đời. Những ký họa của ông sống động đến mức có thể coi như dấu ấn của sáng tạo tác phẩm, như các bức tranh lụa: Mưa, Ghé qua bản, Bên bếp lửa, Dệt vải… hay các bức tranh khắc gỗ như Về Bản, Đi tuần tra, Suối Lê Nin…
Tác phẩm hội họa của Nguyễn Thụ vừa hiện thực và trữ tình. Sự nhạy bén trước cái đẹp giúp ông nhìn nhận sự vật một cách bao dung, tràn đầy thi vị nhưng vẫn mang đậm hơi thở cuộc sống. Trong dòng chảy mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Thụ tạo nên một phong cách độc đáo, mang bút pháp và phong vị riêng với nhiều tác phẩm có giá trị, được lưu giữ tại nhiều bảo tàng trong và ngoài nước.
Tranh Mẹ-Con của Nguyễn Thụ
Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Khánh Chương, rất nhiều tác phẩm hội họa của họa sĩ Nguyễn Thụ được các nhà sưu tập nước ngoài tìm kiếm vì thế, cuộc trở về này sẽ giúp cho người xem một cái nhìn toàn diện về sự nghiệp sáng tác của ông.
Ông Phan Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương- đơn vị sưu tầm những bức tranh từ nước ngoài trở về chia sẻ: "Trong số gần 1.000 tác phẩm hội họa mà chúng tôi đang lưu giữ, bảo quản, có gần 500 tác phẩm được mua lại từ nhà sưu tập nước ngoài để đưa về trưng bày tại Việt Nam. Trong số đó, có một số tác phẩm thuộc hai bộ tứ "Trí - Lân - Vân - Cẩn" và "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái", và của một số họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Trọng Hợp, Dương Hướng Minh, Mai Văn Hiến, Mai Văn Nam, Tôn Đức Lượng, Văn Giáo, Văn Bình, Nguyễn Văn Thiện, Phan Thông, Thái Hà, Quang Phòng… và các họa sĩ kháng chiến như Nguyễn Thụ, Mai Long… Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: Phong cảnh, Trừu tượng của Nguyễn Gia Trí, Tiên cưỡi Rồng, Điệu múa cổ của Nguyễn Tư Nghiêm, Chân dung Kiều Chinh của Dương Bích Liên, Chùa Thầy của Nguyễn Sáng, Chân dung Lâm cà phê của Bùi Xuân Phái, Tình Mẫu tử của Lê Phổ, Gia đình Hươu của Trần Phúc Duyên, Phong cảnh mưa của Nguyễn Thụ… Ngoài mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, thông qua việc sưu tầm và đưa vào trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, chúng tôi cũng hy vọng có thể xây được cầu nối để giao lưu văn hoá, gắn kết đầu tư, từ đó, thông qua đầu tư để lan tỏa văn hóa Việt".
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết 20/12, tại Hà Nội./.