• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làng rắn Lệ Mật đứng trước nguy cơ mai một

Pháp luật 11/02/2019 07:04

(Tổ Quốc) - Làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, Long Biên - Hà Nội) nổi tiếng về săn bắt, chăn nuôi và chế biến đặc sản thịt rắn.  Nghề bắt và nuôi rắn đã có từ hàng nghìn năm ở ngôi làng này. Vậy nhưng, hiện nay Lệ Mật đang đứng trước nguy cơ mất nghề, khi người làng cứ lần lượt bỏ nghiệp rắn.

Làng rắn Lệ Mật đứng trước nguy cơ mai một  - Ảnh 1.

Đình làng Lệ Mật, nơi thờ vị Thành hoàng làng và cũng là ông tổ của nghề

Nghề truyền thống từ nghìn đời

Từ xa xưa, trong kho tàng văn hóa ẩm thực của đất Hà Thành vốn đã nước tiếng khắp miền bởi những cốm làng Vòng, chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì…trong số ấy, không thể không nhắc đến Lệ Mật với nghề truyền thống săn bắt, chăn nuôi và chế biến ẩm thực từ rắn. Lệ Mật cũng là một trong những ngôi làng có lịch sử lâu đời của đất Thăng Long xưa, nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội.

Nếu hỏi người Lệ Mật nghề nuôi rắn có từ bao giờ, thì chẳng ai có thể trả lời được, bởi chỉ biết rằng cứ đời này, qua đời khác, người làng cứ "cha truyền, con nối" với cái nghề độc đáo này.

Bao đời qua, ở Lệ Mật vẫn tương truyền câu chuyện về ông tổ nghề của mình. Theo đó vào thời nhà Lý, công chúa con vua Lý Nhân Tông đang dạo chơi trên sông Thiên Đức chợt sóng gió nổi lên, thủy quái xuất hiện, bắt công chúa. Nhà vua thương con, cử nhiều tướng tài đi diệt thủy quái nhưng không ai làm được. Có chàng trai họ Hoàng sống ở làng Trù Mật võ nghệ cao cường lại có tài bơi lội xin vua cho đi. Cuộc chiến đấu sôi sục cả lòng sông, với sự mưu trí, dũng cảm, chàng trai đã diệt được thủy quái. Nhà vua ban thưởng cho chàng trai họ Hoàng quan tước, vàng bạc nhưng chàng không nhận chỉ xin về lập ấp ở phía Tây thành Thăng Long, biến nơi hoang vu thành 13 làng trại trù phú. Sau khi "khai làng lập ấp", chàng quay về củng cố làng cũ. Sau này, chàng mất, dân làng lập đình thờ chàng, suy tôn là Thành hoàng. Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt rắn, nuôi rắn và nghề rắn cũng bắt nguồn từ đó.

Ban đầu, người lệ Mật chỉ nuôi rắn để làm thuốc, rồi thì theo đà phát triển của kinh tế thị trường, người làng bắt đầu chuyển sang kinh doanh nhà hàng chuyên ẩm thực về rắn. Thịt rắn vốn được coi là một vị thuốc, vì thế, các món ăn được chế biến từ rắn nhanh chóng được thực khách xa gần biết đến và ưa chuộng. Nghề rắn của Lệ Mật cũng trở nên nhộn nhịp và phồn thịnh dần lên theo thời gian. Suốt một thời gian dài, nghề bắt và nuôi rắn đã trở thành nghề chính của nhiều gia đình trong làng. Cũng từ nghề này, mà nhiều gia đình trong làng Lệ Mật phất lên được, có của ăn, của để. Thương hiệu rắn Lệ Mật hay làng rắn Lệ Mật đã vang xa khắp trong nam, ngoài bắc. Khách các nơi tìm về Lệ Mật, khách du lịch nước ngoài cũng tìm về đây để xem, để thưởng thức ẩm thực từ rắn.

Làng rắn Lệ Mật đứng trước nguy cơ mai một  - Ảnh 2.

Các sản phẩm rượu rắn của Lệ Mật

Bỏ nghề vì không đủ điều kiện phát triển

Có những thời điểm, mỗi ngày Lệ Mật đón hàng trăm nghìn du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, mua sắm và ăn uống…Nhờ rắn mà biết bao người Lệ Mật trở thành tỷ phú. Làng Lệ Mật cổ xưa giờ cũng "thay da đổi thịt" thành phố xá hiện đại, với những căn nhà khang trang, biệt thự mọc lên san sát…Thế nhưng, niềm vui của người làng nghề cùng sự tấp nập ấy, giờ đã trả thành dĩ vãng.

Những ngày cuối năm, thời tiết Hà Nội khá lạnh, chúng tôi tìm về Lệ Mật, những tưởng mùa này, các thực khách sẽ kéo tới đây rất đông, bởi mùa lạnh là thời điểm lý tưởng để thưởng thức những món ngon từ thịt rắn. Vậy nhưng, thực tế lại trái với suy nghĩ và hình dung của chúng tôi. Cả dãy phố Việt Hưng (làng Lệ Mật) trước đây vốn rất nhiều nhà hàng về đặc sản rắn, nhưng nay chỉ còn lại lác đác và theo chia sẻ của người dân thì khách giờ cũng thưa vắng, chứ không còn đông đúc như xưa.

Vào sâu trong làng, hỏi thăm vào những gia đình nuôi rắn, chúng tôi nhận được những cái lắc đầu. Những người mà chúng tôi hỏi thăm đều cho biết, hiện nay trong làng gần như không còn hộ nào chăn nuôi nữa cả, người làng gần như bỏ nghề hết. Chỉ có những nhà nào kinh doanh nhà hàng thì có nuôi nhốt một ít, nhưng chủ yếu cũng là nhập từ nơi khác về nhốt để phục vụ kinh doanh chứ không chăn nuôi thực sự như trước đây.

Về vấn đề này, anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của HTX làng nghề Lệ Mật cho biết, hiện tại hiệp hội có 35 thành viên, những tất cả đều hoạt động nhỏ lẻ và mang tính cầm cự, làm vì yêu nghề chứ chưa thực sự hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế lớn. Nhiều hộ dân rất muốn phát triển và theo nghề nhưng không có quỹ đất. Nhiều gia đình chỉ có 80m2 mà vừa ở, vừa nuôi rắn thì không thể phát triển được. Do đó, nhiều người làng đã phải bỏ nghề.

Cái khó và cái thiếu hiện nay của những người làm nghề ở Lệ Mật chính là quỹ đất để phát triển chăn nuôi. Muốn phát triển, muốn có thu nhập từ nghề thì phải đầu tư phát triển chăn nuôi và kết hợp với việc làm thuốc, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ và du lịch…. "Mong các cấp chính quyền quan tâm đến làng nghề, tạo điều kiện cấp cho làng nghề một khu đất để người dân có thể phát triển và tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống của quê hương", anh Tuấn nói.

Cũng theo anh Tuấn, HTX làng nghề Lệ Mật cũng đã xây dựng đề án phát triển trong thời gian tới. Cụ thể sẽ quy hoạch một khu chăn nuôi riêng biệt cho các hội viên, khu trưng bày sản phẩm, giới thiệu về các mặt hàng (thuốc, rượu và thủ công mỹ nghệ từ rắn), khu ẩm thực, chế biến và biểu diễn..."Chúng tôi đang hướng đến việc phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Hy vọng rằng trong tương lai sớm, ước muốn của các hội viên nói riêng và của làng nghề Lệ Mật nói chung sẽ trở thành hiện thực".

Chị Hương, một trong số những hội viên của HTX làng nghề Lệ Mật chia sẻ, hiện tại, nếu chỉ trông vào mỗi việc nuôi rắn đơn thuần thì không có thu nhập. Bởi thời gian nuôi rắn lâu, mà diện tích đất eo hẹp, nuôi số lượng ít thì sau khi trừ hết các chí phí thì không có lãi.

"Lệ Mật đã có thời kỳ rất hưng thịnh với nghề truyền thống độc đáo này, nhưng nay lại đang đứng trước nguy cơ mai một, bởi người làng rủ nhau bỏ nghề. Người ta bỏ không phải vì không yêu và không muốn phát triển mà là không có đủ điều kiện để phát triển. Mong rằng thời gian tới, làng nghề sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố, của quận…để người Lệ Mật có thể vừa làm giàu, vừa giữ gìn nghề truyền thống của quê hương", chị Hương mong muốn.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của HTX làng nghề Lệ Mật trổ tài bắt rắn hổ mang

Bài, ảnh: Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ