(Tổ Quốc) -Với 51 Đại biểu Quốc hội đăng ký đóng góp ý kiến cho Báo cáo Giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy sáng 30/10, thảo luận đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, xây dựng.
Vụ, phòng tăng nhờ núp bóng quy định
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Nam Định, đưa ra một thực trạng, các cơ quan thông qua văn bản pháp luật chỉ đạo về mặt chuyên môn để hình thành một bộ máy.
Lấy ví dụ về Nghị định 55 năm 2011 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, dựa vào quy định này, các đơn vị thành lập vụ pháp chế, tổ chức pháp chế ở các Bộ, địa phương.
“Việc này đã dẫn tới tăng 291 tổ chức với hơn 5.100 biên chế. Hay Văn phòng điều phối nông thôn. Tôi không nói việc này là sai nhưng đã gián tiếp tăng đầu mối, tăng biên chế” – bà Hoa nói.
Đại biểu Quốc hội đoàn Nam Định Mai Thị Phương Hoa. |
Đồng thời đưa thêm dẫn chứng về việc thành lập các phòng trong vụ chuyên môn, tổng cục có cục, vụ, trong cục vụ có phòng ban, chi cục.
“Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã quán triệt rõ ràng, không tổ chức thêm cục, vụ…, trong trường hợp cần thiết mới xin ý kiến Nhưng hiện mới có 2/22 Bộ không có phòng trong vụ. Hiện số cục, vụ đã giảm nhưng vẫn còn tới 681 phòng. Có vụ lên tới 7 phòng và như vậy, chúng ta đã biến cái cá biệt, đặc thù thành phổ biến”- bà Hoa phân tích.
Ngoài ra, bà Hoa cho biết thêm, một số vụ được giải thể nhưng một số nơi lại đẩy lên thành cục và lại có phòng vụ trong cục.
“Việc này góp phần dẫn tới việc lãnh đạo nhiều hơn công chức, do thiếu cương quyết, còn nể nang trong việc ra quyết định. Tôi cho rằng, bộ nào trình Chính phủ phê duyệt về thành lập cơ quan trong bộ thì nên để vai trò của Bộ Nội vụ cao hơn, tham gia phối hợp để giữ nghiêm kỷ luật, không để các bộ tự trình” – bà Hoa nói.
Về tinh giản biên chế, những kết quả đạt được còn khiêm tốn, nhóm công chức mới giảm được hơn 3.000 người, còn nhóm viên chức cung cấp dịch vụ công lại tăng lên trên 2 triệu người. “Đây là nhóm cần giảm nhưng lại tăng rất nhanh”- bà Hoa cho biết.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Hồng Vân, Phú Yên, thì cho biết, việc kỷ luật hiện nay chưa nghiêm, dư luận cho rằng, hiện đang “xử nặng trên nhẹ dưới”. Ủy ban Kiểm tra các cấp nêu ra những sai phạm là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng nhưng về mặt nhà nước thì lại chưa xem xét mức độ nghiêm trọng là như thế nào. Hay việc cho thôi chức vụ thì đó chưa phải là kỷ luật hành chính.
Đại biểu này cũng nêu, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn quy trình, vượt quá. Đâu đó vẫn còn hiệu tượng cho phạt để tồn tại. “Tôi cho rằng cần có giải pháp mạnh hơn, cần xử lý người bổ nhiệm và người được bổ nhiệm để nâng cao đội ngũ cán bộ công chức”- Đại biểu Vân nói.
Trung ương làm được thì tỉnh, huyện, xã làm được
Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương, cho rằng, quy định pháp luật ở đây "vẫn còn kẽ hở".
“Chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng hình thành một số chức danh không có trong quy định như "hàm Vụ trưởng", "hàm Vụ phó". Hoặc quy định các Bộ không có quá 4 Thứ trưởng nhưng thực tế đều nhiều hơn, có bộ đến 9 thứ trưởng...”- Đại biểu dẫn chứng.
Và đại biểu này bình luận thêm, khi trung ương làm được, tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được; tỉnh làm được thì xã, phường, huyện làm được… từ đó cấp phó tăng nhanh, không chỉ trong cơ quan Nhà nước, mà còn cơ quan Đảng, đoàn thể.
“Thực tế có phòng ban chỉ toàn lãnh đạo mà không có nhân viên, nhưng thời gian dài không ai bị nhắc nhở, phê bình”- ông Phương nêu và cho rằng, việc cần làm ngay lúc này là "tinh giản cấp phó".
Còn Đại biểu Tô Văn Tám, Kon Tum, thì cho rằng, đội ngũ cán bộ, công chức nhiều nơi không ứng xử, hành xử theo các quy định của pháp luật. Việc này không chỉ suy thoái phẩm chất đạo đức mà nhìn vào văn hóa nói chung và văn hóa pháp lý là lạm chuẩn.
“Phải nâng tầm văn hóa pháp lý cho công chức, viên chức, nó là độ sâu sắc, chia sẻ với đối tượng phục vụ: cán bộ là công bộc của dân”- Đại biểu Tám chia sẻ.
Thái Linh