(Tổ Quốc) - Để chủ động trong chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 (cơn bão rất mạnh dự kiến sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Trung và Nam Trung Bộ), Thủ tướng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương tại thành phố Đà Nẵng.
- 27.10.2020 Quảng Trị dự kiến sơ tán gần 18.000 dân để tránh bão số 9
- 27.10.2020 Bão số 9: 20 giờ tối nay, Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà
- 27.10.2020 Người dân Đà Nẵng hối hả ứng phó bão số 9
- 27.10.2020 Bão số 9 giật cấp 17 đi vào vùng biển Đà Nẵng đến Phú Yên
- 26.10.2020 Ứng phó bão số 9: Đà Nẵng sẽ cấm người và phương tiện ra đường từ chiều tối 27/10
Ngày 27/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 9 tại thành phố Đà Nẵng.
Thành phần Ban Chỉ đạo tiền phương gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ NN&PTNN - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban; Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, TN&MT, GTVT, Công Thương, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 9 một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ NN&PTNN chủ trì, phối họp với UBND TP Đà Nẵng và các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị hậu cần, bố trí trang thiết bị, phương tiện, thông tin liên lạc bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống. Ban Chỉ đạo tiền phương tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Trước đó, ngày 26/10, Bộ Quốc phòng có công văn gửi các cơ quan, đơn vị về việc triển khai ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 9. Công văn có một số nội dung như: Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhất là Quân khu 4, Quân khu 5 quán triệt, thực hiện nghiêm túc Công điện số 1470 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động theo dõi nắm chắc diễn biến của bão. Kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ".
Tập trung bảo đảm an toàn cho người, phương tiện trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, nhất là cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú. Rà soát phương án, chủ động sơ tán người, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm. Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể, các đơn vị có phương án phòng chống hiệu quả, giảm thiểu hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 9 gây ra.
Bộ Quốc phòng thành lập 2 đoàn do Thủ trưởng Bộ tổng Tham mưu và Thủ trưởng Tổng cục Chính trị làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ 9h ngày 27/10. Giao Cục Cứu hộ - Cứu nạn theo dõi đôn đốc, tổng hợp báo cáo Thủ trưởng Bộ tổng Tham mưu, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng theo quy định.
Cùng ngày, Bộ Tổng Tham mưu có điện gửi Tổng cục Chính trị; các Tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng và Tổng cục II; Các Bộ Tư lệnh Quân khu 4, 5, Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Quân chủng: Hải quân, Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh Binh chủng: Thông tin liên lạc, Đặc công, Hóa học, Pháo binh, Tăng - Thiết giáp; Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 yêu cầu các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên cập nhật, nắm chắc diễn biến bão số 9, mưa lũ do hoàn lưu sau bão, tuyệt đối không chủ quan. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch, phương án.
Chủ động bố trí lực lượng phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho bộ đội, kho tàng, doanh trại và vũ khí, trang bị; sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động giúp nhân dân ứng phó mưa lũ, sạt lở đất…
Bộ Tư lệnh Quân khu 4, 5 chỉ đạo các đơn vị tăng cường cập nhật với diễn biến bão, mưa lũ sau bão, phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân nhất là các khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven sông, suối, ngoài bãi sông, hạ du các hồ đập xung yếu.
Chủ động tham mưu, phối hợp triển khai công tác ứng phó theo "phương châm 4 tại chỗ"; giúp chính quyền các địa phương chằng chống nhà cửa, kịp thời sơ tán nhân dân ở khu vực nguy cơ đến nơi an toàn. Sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất và các sự cố đê, kè, hồ đập có thể xảy ra, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Chú ý bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện khi làm nhiệm vụ.
Ngay sau bão, chủ động điều động lực lượng, phương tiện khẩn trương tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục cơ sở hạ tầng, sửa chữa nhà cửa, trường học; vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, góp phần ổn định đời sống và sản xuất…/.