(Tổ Quốc) - Ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn là nội dung hết sức quan trọng bởi đây là dịp để Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát, tiến hành đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: "Cử tri rất quan tâm đến nội dung lấy phiếu tín nhiệm". Ảnh: Hà Giang
-Tại kỳ họp Quốc hội lần này, một nội dung đáng chú ý là Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đây là lần thứ 3 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và cũng là lần lấy phiếu đánh giá tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ khóa XIV. Ông quan tâm đến nội dung này như thế nào, thưa ông?
+ Cử tri rất quan tâm đến nội dung lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp thứ 6 này. Khác với quy định lần đầu, lúc đó theo Nghị quyết 35 của Quốc hội thì mỗi năm Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu phê chuẩn một lần.
Tuy nhiên, sau đó Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 85 và theo Nghị quyết này, mỗi một nhiệm kỳ chỉ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm một lần vào kỳ họp của giữa nhiệm kỳ. Vì thế, đây là nội dung hết sức quan trọng bởi đúng như Nghị quyết quy định, đây là dịp để Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát, tiến hành đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Vì thế mà lần lấy phiếu tín nhiệm này, cử tri, người dân rất quan tâm.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, chúng ta đã có những kinh nghiệm rất tốt về việc lấy phiếu tín nhiệm nên tại kỳ thứ 6 chắc chắn nội dung này sẽ được tiến hành một cách dân chủ, kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ phản ánh đúng tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như việc chấp hành pháp luật của các lĩnh vực, các ngành có liên quan đến các chức danh mà do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Và một điều rất đáng quan tâm nữa, đó là Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 đã thông qua một văn bản rất quan trọng, đó là quy định về nêu gương của cán bộ đảng viên, mà trước hết là của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Các nội dung nêu gương này cũng tạo ra sự đồng bộ đối với công tác cán bộ trong hệ thống chính trị của chúng ta, tạo sự thống nhất, thông suốt từ bên Đảng, bên Nhà nước, các cơ quan dân cử về đánh giá cán bộ và việc sử dụng, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt cán bộ.
-Phiên chất vấn tại Quốc hội lần này cũng có điểm đặc biệt, đó là Quốc hội không chọn các bộ trưởng, trưởng ngành cụ thể cho phiên chất vấn mà tiến hành chất vấn tổng thể về việc thực hiện lời hứa sau chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay. Ông có cho rằng, sự đặc biệt này sẽ tăng cường mức tranh luận hơn so với các kỳ chất vấn trước đây?
+Chất vấn là một hoạt động giám sát của Quốc hội mà cử tri cũng rất quan tâm. Chúng ta cũng đã có nhiều hình thức chất vấn, trong đó có chất vấn bằng văn bản, chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể. Và những phiên họp gần đây, Quốc hội đã đổi mới theo hướng hỏi ngắn và trả lời ngay. Sự thay đổi này đã tạo ra không khí mới, tạo ra tinh thần, trách nhiệm mới trong việc trả lời chất vấn và thực hiện các lời hứa sau chất vấn.
Tại kỳ họp thứ 6 lần này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn tổng thể. Tôi nghĩ rằng, đây sẽ là dịp để Quốc hội và các đại biểu Quốc hội nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, quát hơn việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ở tất cả các lĩnh vực, các ngành.
Từ đánh giá tổng thể này có thể cũng sẽ có những đánh giá trực tiếp đối với các vị trí, đối với các ngành mà Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội quan tâm.
-Luật Phòng chống tham nhũng cũng sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp bắt đầu từ ngày 22/10 tới đây. Vậy ông kỳ vọng gì vào việc đạo luật này khi được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa?
+ Việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng lần này theo hướng quy định bổ sung và quy định cụ thể hơn một số nội dung như: việc kê khai và công khai tài sản thu nhập của một số chức danh; cơ chế về thu hồi tài sản do tham nhũng mà có; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà có liên quan…
Những quy định này chắc chắn sẽ tạo ra hành lang pháp lý, cơ chế mới để chúng ta đấu tranh có hiệu quả hơn đối với tệ nạn về tham nhũng này.
-Xin cảm ơn ông!