(Tổ Quốc) - Âm nhạc truyền thống của Việt Nam không chỉ chứa đựng giá trị nghệ thuật, nét đặc sắc riêng mà còn rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên làm thế nào để lựa chọn trong số đó một tác phẩm tiêu biểu có thể trở thành thương hiệu quốc gia là một bài toán. Bàn thêm về chủ đề này, báo điện tử Tổ Quốc đã cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian (NNC) Nguyễn Quang Long.
PV: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, một trong những vấn đề được đặt ra là làm thế nào để "Đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia". Vậy với vai trò nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, ông có suy nghĩ gì về việc "Đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia" nói chung và đưa âm nhạc dân gian trở thành thương hiệu quốc gia nói riêng?
NNC Nguyễn Quang Long: Tôi cho rằng chủ trương lấy sản phẩm văn hóa thành thương hiệu quốc gia là đúng và cần thiết cho không chỉ Việt Nam mà với nhiều đất nước, dân tộc và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bởi chúng ta đang ở xu thế thế giới hội nhập và hiện nay đang là "kỷ nguyên số" với cuộc cách mạng 4.0. Trong xu thế này gần như xóa bỏ mọi ranh giới, địa giới hành chính. Với thế giới hội nhập cũng cần liên tục phải giao lưu, kết nối năm châu bốn bể.
Để đi giao lưu, trước hết việc nhận diện thương hiệu quốc gia là tối quan trọng. Nhận diện mình trong thế giới, để biết mình là ai, mình ở đâu, mình như thế nào.
Nhìn ra thế giới, một số quốc gia có thể họ có chiến lược riêng, hơn nữa tự thân bản sắc nghệ thuật của họ đã có, chẳng hạn như Trung Quốc. Hay như Hàn Quốc, chúng ta có thể nhìn thấy rõ chiến lược về phát triển văn hóa - văn hóa đại chúng của họ. Cụ thể như trong lĩnh vực âm nhạc, đi đâu chúng ta nghe thấy và cái hay là hễ nghe nó sẽ biết đấy là văn hóa đại chúng của Hàn Quốc. Nhìn sâu hơn trường hợp Hàn Quốc sẽ thấy âm nhạc đại chúng của họ là sự giao lưu giữa phương Tây và mang đặc điểm riêng của Hàn Quốc. Có thể nói họ đã chọn con đường đúng, hướng đi đúng và đó là thành công của nước này khi xây dựng thương hiệu văn hóa như vậy.
Với đất nước Trung Quốc, chúng ta cũng nhìn thấy rất rõ nét văn hóa truyền thống. Hay đất nước Lào, cứ nhắc đến là chúng ta nghĩ ngay đến điệu hát Lăm tơi và điệu múa Lăng Vông… Đấy là một thuận lợi của đất nước Lào.
PV: Nếu xây dựng thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực âm nhạc dân gian thì chúng ta có khó khăn và thuận lợi gì?
NNC Nguyễn Quang Long: Chúng ta vừa có thuận lợi vừa có khó khăn. Thuận lợi là chúng ta có rất nhiều thể loại âm nhạc và cái nào cũng đặc sắc. Đồng thời chúng ta có vùng địa lý đa dạng 3 miền Bắc, Trung, Nam với 54 tộc người anh em. Do đó bản sắc chúng ta vô cùng phong phú. Nhưng như vậy chúng ta chọn cái gì đại diện cho Việt Nam lại là một câu chuyện, một bài toán.
Ví dụ như mấy chục năm trước khi giao lưu nước ngoài chúng ta rất tự hào với những cây đàn tre trúc như đàn T'rưng chẳng hạn… Dù nó rất độc đáo nhưng thực ra nó có đại diện cho bản sắc Việt Nam hay không lại là một vấn đề. Câu chuyện xây dựng thương hiệu văn hóa của Việt Nam rất quan trọng nhưng là bài toán đối với những nhà xây dựng chiến lược văn hóa nước nhà.
Nhìn vào lịch sử văn hóa và đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam thì thấy nhu cầu về âm nhạc của chúng ta thiên về âm nhạc có lời. Ai cũng rất quen với câu "Việt Nam là đất nước của thơ ca". Điều đó khẳng định âm nhạc không lời không phải là phổ biến mặc dù chúng ta vẫn có Nhã nhạc cung đình Huế là di sản được thế giới công nhận, có nhạc lễ 3 miền… nhưng cái nôi và ra đời sớm nhất vẫn là nhạc có lời.
Từ đó tôi cho rằng,chúng ta nên nhận diện cái phổ quát. Chẳng hạn với tộc người Kinh là đa số, ở miền Bắc có Chèo, có dân ca đồng bằng Bắc Bộ, có Hát văn, Ca trù; miền Trung có ca Huế, có Tuồng, Bài chòi; miền Nam lại có đờn ca tài tử, vọng cổ, dân ca Nam Bộ… điều này cho thấy rất phong phú nhưng chọn cái gì thì cũng không phải đơn giản.
PV: Là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, ông có thể đưa ra một vài gợi ý trong số âm nhạc truyền thống kể trên để có thể trở thành thương hiệu quốc gia?
NNC Nguyễn Quang Long: Cái này còn cần phải cân nhắc và bàn bạc của nhiều cơ quan ban ngành và các nhà nghiên cứu. Nhưng thôi cứ tạm nghĩ thì theo tôi nên chọn dân ca xuất phát ở đồng bằng châu thổ Bắc Bộ bởi nó mang tính đặc trưng và là cái lõi của giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam chúng ta. Chúng ta không nên quá dàn trải, chỉ cần chọn một bài dân ca đại diện nhất trong số dân ca vùng đồng bằng bắc Bộ cho thương hiệu âm nhạc dân gian.
Còn chính sách thì tôi cho rằng chúng ta phải phát triển đồng đều. Nghị quyết TW 5 khóa 8 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và các Nghị quyết ra đời sau đó nữa rất quan trọng về chiến lược văn hóa, đó là đã phát huy tác dụng đối với thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật mang yếu tố đậm đà bản sắc dân tộc.
Chúng ta đã có nhiều di sản phục hồi, nếu không có Nghị quyết kể trên thì tôi nghĩ ca trù, và nhiều loại hình ca hát dân gian khác như hát xoan, hát xẩm… có phần mai một. Từ các quan điểm được nêu rõ trong các nghị quyết, ngành văn hóa thực hiện hóa các nghị quyết, biến các nghị quyết vào đời sống, vào hoạt động ngành.
PV: Vừa bảo tồn, phát huy, phát triển và trao truyền âm nhạc truyền thống cho thế hệ sau cũng là điều chúng ta trăn trở, ông có chia sẻ thêm gì để chúng ta làm tốt hơn việc này không?
NNC Nguyễn Quang Long: Tôi thấy chúng ta cần chú trọng, quan tâm hơn những thể loại âm nhạc truyền thống phổ biến mang tính chất đại diện cả một vùng, như chèo, tuồng, bài chòi, cải lương ở các vùng Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh đó, theo quan sát của tôi thì tâm nghệ sĩ của âm nhạc truyền thống "chưa được an" với trăn trở về bài toán của thị trường. Họ phải đấu tranh để tồn tại với nghề hay không gắn bó với nghề nữa. Chúng ta nên có những chính sách thích hợp để nghệ sĩ yên tâm cống hiến.
Bên cạnh đó chúng ta nên đầu tư trọng điểm, nguồn kinh phí do nhà nước cấp. Ví dụ Chèo thì tập trung chủ yếu phát triển vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng, với trọng tâm là Thái Bình, Bài Chòi lấy trọng tâm ở Bình Định hoặc Quảng Nam, Tuồng lấy trọng tâm ở Bình Định hoặc Đà Nẵng… Tôi nghĩ cần quy hoạch lại phù hợp hơn.
Còn một mảng nữa là mảng nghệ thuật truyền thống nhưng ở khía cạnh dân gian, cần quan tâm hơn các hoạt động các nhóm, các CLB, nhóm chèo, xẩm, ca trù, tuồng... ở các địa phương có nghệ thuật truyền thống với nghệ nhân tinh và giới trẻ.
Thách thức của thời đại cũng là vấn đề, người trẻ chưa quan tâm nhiều đến âm nhạc truyền thống, trong khi nghệ thuật đại chúng, âm nhạc đại chúng gần như đã chiếm lĩnh toàn bộ miếng bánh thị phần của thưởng thức nghệ thuật. Vậy làm thế nào để cho giới trẻ quan tâm đến âm nhạc truyền thống cũng là một vấn đề cần lưu tâm.
Tôi cho rằng phải bắt đầu từ việc giáo dục. Giáo dục không nhất thiết phải gò bó vào một cái gì đó quá cứng nhắc mà cần thật thoải mái, nhưng phải nằm trong quy định của các bộ môn học. Giống như khi tôi sang Paris (Pháp) vào bảo tàng Louver, tôi thấy các em học lịch sử, cứ thỉnh thoảng có một tốp ngồi vòng tròn xung quanh một ông giáo để kể những câu chuyện lịch sử, đấy cũng là giáo dục. Các em ở địa phương nào có nghệ thuật truyền thống nào thì cho các em làm quen bằng các tiết học ngoại khóa truyền thống đó. Ví dụ các em ở Bắc Ninh thì buộc phải học quan họ. Và học như thế nào thì ngành Văn hóa và Giáo dục cùng nghiên cứu để cho thật hấp dẫn và phù hợp với các em.
Bên cạnh đó giáo dục âm nhạc cũng quan tâm đến âm nhạc truyền thống. Vì âm nhạc truyền thống phải nằm trong giáo trình giống như là việc mình đào tạo các môn kỹ năng để các em biết được giá trị của nó. Rồi khi các em lớn lên, dù khám phá điều mới lạ nhưng không quên giá trị truyền thống. Hoặc khi khám phá cái mới lạ rồi thời điểm nào đó nhìn lại và nhận ra, à âm nhạc truyền thống chúng ta rất là thú vị. Giống như bây giờ các bạn trẻ thoải mái đi khai phá các giá trị của Rap hay những mới lạ nào đó nhưng nếu tìm hiểu kỹ âm nhạc cổ truyền có hết những yếu tố rất tương đồng với những điều đó. Vấn đề là nó nằm ở đâu và tại sao nó lại ở đó, tại sao có sự tương đồng thì phải chỉ cho các em biết.
Chúng tôi đã từng có trải nghiệm thực tế khi biểu diễn hát Xẩm dịp tết ở Pháp, khá đông sinh viên đến xem và tò mò đặt câu hỏi. Tôi nghĩ nếu giới trẻ có điều kiện tiếp xúc nhiều thì nhiều bạn trẻ sẽ không từ chối nghệ thuật truyền thống đâu. Và nếu họ thích với tâm thế thưởng thức nghệ thuật thì sẽ là cách bảo tồn thiết thực nhất.
PV: Câu chuyện thưởng thức nghệ thuật của thế hệ trẻ, những giá trị truyền thống và hiện đại cũng là điều cần bàn, vậy theo ông có thể dung hòa hay làm thế nào để thế hệ trẻ thấy nghệ thuật truyền thống hấp dẫn?
NNC Nguyễn Quang Long:Với âm nhạc dân gian dù là truyền thống nhưng chúng ta nên chọn những giá trị vẫn còn phù hợp với thời đại, bổ sung thêm đề tài hiện đại, phương thức biểu diễn hiện đại, sáng tạo ra những giá trị mới nhưng nó phù hợp với truyền thống, tránh những đề tài mang tính giáo điều, cổ động tung hô một cách khiên cưỡng…
Chẳng hạn giá trị truyền thống đã có từ xa xưa nhưng vẫn phù hợp với thời điểm này có rất nhiều, như "bèo dạt mây trôi" có cả trăm năm trước đó, tuy nhiên bây giờ vẫn tồn tại được. Hay như "Dạ cổ hoài lang" của cụ Cao Văn Lầu cũng ra đời cách đây trăm năm cho đến giờ vẫn được yêu thích.
Hai tác phẩm tôi vừa nhắc đến một ở miền Bắc và một ở miền Nam, hai tác phẩm này có đặc điểm, vừa mang tính trữ tình, hơi hướng nội tâm, giai điệu đẹp, thể hiện nỗi nhớ nhung da diết của người vợ với người chồng mà mình yêu tha thiết nhưng đang ở một phương xa.
Dân tộc chúng ta từ thủa khai thiên lập địa đến giờ luôn luôn phải đứng trước các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và trong âm nhạc truyền thống cũng có những thể loại được ra đời nằm trong nhạc quân ngũ. Nhưng trong lời ca nhạc này không có những từ như: gươm, chiến đấu hay giết quân thù… chỉ có tình yêu với quê hương, tình yêu với vùng đất với con người, sự nhớ nhung của người vợ với người chồng … đấy là cái rất nhân văn của người Việt thể hiện trong âm nhạc. Đó cũng là đặc điểm nổi bật của âm nhạc truyền thống dân tộc chúng ta. Đây cũng là một gợi ý góp phần cho quá trình nhận diện và tôn vinh giá trị âm nhạc truyền thống dân tộc trở thành thương hiệu mang bản sắc Việt Nam.
Cảm ơn ông!.