(Tổ Quốc) - Ngày 25, 26 tháng Chạp, người Mông bắt đầu nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết. Khi đó, họ niêm phong tất cả các công cụ sản xuất lại. Đây được coi là một trong những nét đẹp văn hóa riêng có của đồng bào Mông tỉnh Hà Giang.
Ở Hà Giang dân tộc Mông chiếm đa số, cư trú ở tất cả các huyện, Tp trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Ở Hà Giang dân tộc Mông chiếm đa số, cư trú ở tất cả các huyện, Tp trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trong đó tập trung đông nhất ở huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Phong tục tập quán của người Mông rất đặc sắc, đặc biệt là các lễ, tết tiêu biểu chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc Mông, là một lễ hội lớn được người Mông coi trọng.
Họ chuẩn bị cho những ngày Tết rất cẩn thận và chu đáo, đặc biệt là ngày 30 Tết (điều này không khác gì người Việt (Kinh) và các tộc khác. Đây không chỉ là dịp được nghỉ ngơi, ăn uống thỏa thích mà còn là dịp cho gia đình gặp gỡ những người đi xa trở về, người sống người chết gặp nhau, con cháu làm lễ cúng kính tổ tiên, chào mừng ngày âm dương giao hòa với mong muốn được mọi sự bình an, tốt đẹp.
Nhìn chung, đối với người Mông, ngày Tết là ngày rất quan trọng, ngày mà họ có thể làm trọn nghĩa vụ với dòng tộc, với thành viên gia đình, với tổ tiên và tất cả các vị thần khác được vọng thờ. Tùy từng gia đình, từng dòng họ mà mỗi nơi chọn ngày chủ để ăn Tết (trước, sau hoặc chính 30 Tết). Mọi người nô nức chuẩn bị giấy xanh, đỏ, giấy bản; gà trống, trứng gà, ngô, rượu, nước, thậm chí mổ lợn, bò, dê… để làm cỗ cúng Tết. Cúng đêm 30 Tết rất long trọng.
Thực hiện lễ xin âm dương trước khi vào lễ cúng.
Theo quan niệm của đồng bào Mông trước khi nghỉ Tết phải thu cất những công cụ, nông cụ sản xuất tập trung về gần bàn thờ để chuẩn bị cho lễ cúng Tổ tiên và cúng cho các nông cụ, công cụ sản xuất được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Cối xay ngô tháo ra, quẩy tấu, khèn, cuốc, dao, cối giã bánh dày… dán một tờ giấy bản lên rồi làm lễ với gà, bánh, ngô và rượu. Lời khấn:
"Cầu mong thần linh ban cho gia đình luôn gặp may mắn ấm no hạnh phúc
Cầu cho các thành viên trong gia đình khỏe mạnh không gặp tai ương, ốm đau bệnh tật.
Cầu cho cây cối, mùa màng tươi tốt…"
Lấy lông gà buộc thành nhúm rồi nhúng vào tiết gà...
...dán lên bàn thờ.
Với đồng bào Mông, gà trống là con vật thiêng. Bà con coi gà trống như cầu nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh, là con vật chỉ đường, dẫn lối khi họ về với thế giới tổ tiên. Coi gà trống là con vật quan trọng không chỉ báo hiệu điều lành, dữ, đối với đồng bào Mông, nó còn là con vật để đoán định tương lai vào dịp Tết.
Đồng bào Mông bắt một con gà trống có bộ lông màu đỏ đẹp, đặt cúng trước bàn thờ, sau đó đem cắt tiết, rồi thả trong nhà. Họ sẽ quan sát xem đầu của con gà quay về hướng nào để đoán định công việc làm ăn trong năm ấy có phát đạt hay không: "Nếu lúc giẫy chết, con gà quay đầu về bức tường là nơi thờ ma nhà, hoặc phía buồng chủ nhà, năm đó gia đình sẽ làm ăn phát đạt.
Nhưng nếu con gà mà quay ra cửa, năm đó, gia đình sẽ gặp khó khăn và hao tốn tiền của. Gặp trường hợp đấy, chủ nhà phải bắt con gà khác cúng lại. Nếu vẫn có biểu hiện như trước vẫn phải cúng thêm lần nữa để hóa giải. Nếu cúng thêm lần nữa mà có kết quả như thế họ phải mời thầy cúng đến để giải.
Dán giấy lên các công cụ sản xuất.
Khi đồng bào Mông mổ gà cúng thần linh và tổ tiên, lấy lông gà buộc thành nhúm rồi nhúng vào tiết gà, dán lên bàn thờ. Mỗi năm, vào dịp Tết, lông gà trên bàn thờ lại được thay một lần. Họ tin rằng, điều đó sẽ mang may mắn đến với gia đình mình trong năm mới.
Thực hiện nghi thức dán giấy lên các công cụ sản xuất.
Anh Đào Văn Sà, dân tộc Mông tỉnh Hà Giang cho biết, phong tục dán giấy trong ngày 30 Tết nhằm gọi 3 đời tổ tiên và cũng để mời anh em, bạn bè đến ăn Tết chung vui cùng gia đinh. Trong đêm giao thừa, tiếng gà gáy lần đầu tiên, người Mông thay miếng vải đỏ trước cửa nhằm xua đuổi tà ma, ủng hộ cái tốt cái lành, cho con cái học giỏi, thu được nhiều thóc gạo, nhiều gà lợn… Trong năm mới, nâm cỗ năm mới của người Mông Hà Giang không thể thiếu rượu ngô, thắng cố, gà, thịt lợn, bánh treo, bánh dày. Nhà nào có điều kiện mổ 2 đến 3 con lợn trước để làm thịt lợn treo gác bếp.
Mặc dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng người Mông Hà Giang vẫn gìn giữ được những nét đẹp trong ngày Tết truyền thống của dân tộc mình. Và nghi lễ cúng công cụ sản xuất cũng được đồng bào gìn giữ, duy trì như một niềm gửi gắm, mong đợi những điều tốt lành trong năm mới.
Đây là phong tục, tập quán tốt đẹp, chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc Mông và các dân tộc khác đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng và của các dân tộc Việt Nam nói chung. Các hoạt động tín ngưỡng chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống, mang tính giáo dục cao và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cần tiếp tục được giữ gìn và phát huy.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Trong thời gian qua, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai tốt công tác bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông cụ thể như: Xây dựng kế hoạch và văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố về xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU của Tỉnh ủy về việc bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, Ngành còn tổ chức phục dựng và mở lớp truyền dạy dân ca, bí quyết thực hành di sản "Lễ hội Gầu tào" dân tộc Mông, thôn Suối Đồng, Thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên...
Trong thời gian tới, Ngành sẽ tăng cường công tuyên truyền về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở ngành và các huyện, thành phố trong việc bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng dân tộc Mông; Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê Chuyên đề Di sản văn hóa phi vật thể về Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng của Dân tộc Mông,… ông Nguyễn Hồng Hải cho biết.