Lễ đón nhận Bằng ghi danh Thực hành Then là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Thực hiện: Bảo Trung - Trần Thành | 04/09/2022
(Tổ Quốc) - Tối 3/9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ đón Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ.
Cùng dự lễ Đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO cho di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam còn có: ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên T.Ư Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cùng lãnh đạo ban, bộ, ngành trung ương. Tham dự còn có ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cùng các đại diện một số cơ quan ngoại giao.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Bằng ghi danh 'Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam' vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.
Trước đó, ngày 12/12/2019 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogotá, thủ đô nước Cộng hòa Colombia, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, bằng tài năng, nỗ lực và cả máu xương, đã sáng tạo, bồi đắp và trao truyền cho con cháu tài sản qúy báu này; nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương các cấp ủy, chính quyền và nhân dân 11 tỉnh có di sản Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, đặc biệt là các nghệ nhân đã có nhiều nỗ lực, chung sức đồng lòng thực hành, truyền dạy, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quý giá và độc đáo để di sản ngày càng có sức sống bền vững, lan tỏa sâu rộng như ngày hôm nay.
Chủ tịch nước cũng trân trọng cảm ơn UNESCO, các Tổ chức quốc tế, các quốc gia bè bạn đã dành cho Việt Nam sự hợp tác, sự giúp đỡ quý báu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; và đặc biệt là ủng hộ, vinh danh di sản rất đặc sắc này của Việt Nam, của nhân loại. Chủ tịch nước nêu rõ, đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đối với các bậc tiền nhân, tổ tiên người Việt và cả trước cộng đồng quốc tế, với nền văn minh nhân loại.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nói rằng, sau hai năm lỡ hẹn vì COVID-19, lễ đón nhận bằng ghi danh di sản lần này là dịp tôn vinh di sản Then, là dịp để ghi nhận công lao đóng góp của cộng đồng và nghệ nhân đã tích cực tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart chia sẻ lí do ghi danh di sản: Then là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then (Ông Then, Bà Then) dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới... thông qua điệu hát và chơi đàn tính. Di sản Then gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. “Đây là sự ghi danh xứng đáng. UNESCO ghi nhận sự cam kết của Việt Nam và nghệ nhân bảo tồn và phát huy di sản Then”, ông Christian Manhart nói.
Lễ đón bằng di sản Then do UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức, có sự tham gia của lãnh đạo và nghệ nhân 11 tỉnh có di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Hàng nghìn người dân cũng đổ về Quảng trường Nguyễn Tất Thành chứng kiến khoảnh khắc bằng ghi danh di sản Then được trao tới tay cộng đồng thực hành ở 11 tỉnh phía Bắc.
Sân khấu lễ đón nhận bằng ghi danh di sản Then được dựng ngay dưới chân tượng đài Bác Hồ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Mở đầu chương trình, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang kết hợp biểu diễn cho màn ra mắt ấn tượng của nghệ nhân thực hành nghi lễ Then đến từ 11 tỉnh Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai.
Tại phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogotá, thủ đô nước Cộng hòa Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ đón nhận di sản được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động văn hóa của tỉnh Tuyên Quang, trong đó Lễ hội Thành Tuyên-lễ hội Trung thu đặc sắc, riêng có, đã được sách kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là “Lễ hội có nhiều mô hình đèn trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam”.
Hát Then vừa là một loại hình văn nghệ dân gian, vừa là một biểu hiện của tín ngưỡng dân gian. Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía bắc của Tổ quốc. Một trong những điểm đặc sắc của Then là ngôn ngữ ẩn chứa chiều sâu văn hóa.
Nội dung các khúc hát then - một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, răn dạy đạo lý làm người, ca ngợi làng bản, quê hương...
Giai điệu Then sâu lắng, có sức truyền cảm, lay động lòng người, âm thanh đàn Tính - nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then mượt mà, rạo rực, tạo nên hồn dân ca, dân vũ đặc sắc. Với những giá trị nghệ thuật độc đáo của mình, Then đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.