(Tổ Quốc) - Lễ hội Cơm mới của người Tày Khao là phong tục diễn ra vào ngày Mão đầu tiên của tháng 9 âm lịch hằng năm ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
- 25.10.2023 Phát lộc "Hạt vàng đất Mẫu" đền Đông Cuông nét văn hoá tâm linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu thượng ngàn
- 24.10.2023 Khai mạc Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn lần thứ IV tại Văn Yên
- 16.10.2023 Văn Yên sẽ tổ chức Festival tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn và Lễ hội cơm mới đền Đông Cuông năm 2023
- 02.02.2023 Lễ rước Mẫu qua sông trong lễ hội đền Đông Cuông
- 02.02.2023 Lễ hội đền Đông Cuông, Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
Theo truyền thống của người Tày Khao, Lễ hội Cơm mới vào ngày Mão tháng Chín âm lịch hàng năm. Lễ Cơm mới - một nghi lễ nông nghiệp truyền thống mang đậm bản sắc của người Tày Khao. Lễ hội Cơm mới mang ý nghĩa tổng kết một năm lao động, sản xuất, là dịp để những người con quê hương và du khách thập phương bày tỏ lòng tri ân với Mẫu Thượng Ngàn, các vị thần linh và tổ tiên đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng 9 âm lịch mang ý nghĩa tổng kết một năm lao động, sản xuất, tạ ơn đất trời, thần linh, Thánh Mẫu Thượng ngàn và tổ tiên đã ban phước lành cho một năm mưa thuận gió hòa. Đồng thời là dịp để những người dân gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và giáo dục con cháu duy trì, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày Khao. Lễ hội Cơm mới được tổ chức tại khuôn viên Di tích lịch sử quốc gia Đền Đông Cuông, thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Đây là ngôi đền thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn và các vị anh hùng người dân tộc thiểu số trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thời Trần.
Mở đầu Lễ hội Cơm mới là nghi lễ mổ trâu đen tế Mẫu và hiến sinh cho trời đất vào lúc 0h ngày Mão tháng Chín. Sau đó thịt trâu được chế biến làm 36 mâm cỗ đem vào trong đền cúng tế, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc và quân lính các triều đại đã hy sinh trong trận thủy chiến chống quân Nguyên Mông bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh các sản vật của một năm cấy trồng, chăn nuôi, Cốm nếp được coi là sản vật mang hương vị tinh túy của đất trời, ngon nhất của mùa vụ được dâng lên tạ ơn Mẫu Thượng ngàn, Ngọc hoàng và các đấng thần linh, thể hiện sự biết ơn của người dân đối với đất trời đã cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời cầu khẩn cho mưa thuận gió hoà, Quốc thái dân an.
Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, Lễ hội Cơm mới Đền Đông Cuông còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa. Những mâm lễ dâng Mẫu được làm từ các sản phẩm nông nghiệp như lúa nếp, măng, ngô, vịt, lúa, gạo...Mõi mâm cỗ đều thể hiện lòng thành kính qua cách trang trí đẹp mắt, cầu kì. Trước ngày lễ hội các dân tộc xã Đông Cuông kì công chuẩn bị để dâng lên Mẫu Thượng ngàn trong Lễ Cơm mới. Bên cánh đó còn có các hoạt động dân gian, thể thao truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao như bắt vịt, kéo co, bịt mắt đánh chiêng...
Chị Hà Thị Hoa dân cư khu thôn Gốc Quân chia sẻ: "Hằng năm mỗi dịp Lễ hội cơm mới khu dân cư khu chúng tôi vinh dự được làm mâm cốm dâng mẫu. Mâm cốm được chúng tôi chuẩn bị trong một ngày bằng lúa nếp vừa chín tới do bà con trong khu trồng. Mâm cỗ thể hiện lòng thành kính, biết ơn Mẫu đã ban phước một năm mùa màng tươi tốt".
Lễ hội Cơm mới Đền Đông Cuông mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày Khao ấn tượng và thu hút du khách trong và ngoài nước. Lễ hội truyền thống đền Đông Cuông giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng nói chung và người Tày Khao nói riêng. Bản sắc văn hóa trong Lễ hội đền Đông Cuông đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính, một sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh độc đáo được tổ chức thường niên, mang thương hiệu riêng của huyện Văn Yên và tỉnh Yên Bái.