(Tổ Quốc)- Chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi trong khuôn khổ Lễ hội Làng nghề văn hóa ẩm thực giò, chả Ước Lễ, đồng thời tổ chức lễ rước sản phẩm giò chả, bánh chưng, bánh dầy, bày tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Làng nghề độc đáo
Ước lễ là một làng cổ được biết đến với nghề truyền thống làm giò, chả nổi tiếng khắp cả nước. Nghề làm giò, chả của làng có cách đây khoảng 500 năm. Sự khác biệt của làng nghề giò, chả Ước Lễ chính là không có một công thức chung nào trong gia vị chế biến, mỗi nhà có những nét riêng, sáng tạo riêng. Sản phẩm của làng Ước Lễ rất đa dạng, phong phú, từ giò lụa, giò bò, giò xào, giò bì, đến chả quế, chả rán… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là giò lụa và chả quế.
Nếm hương vị của giò chả Ước Lễ dù chỉ một lần cũng khó mà quên được. Vị ngầy ngậy của thịt quyện với mùi chan chát đặc trưng của lá chuối đọng lại trên lưỡi một hương vị đặc biệt khó tả. Đem băn khoăn về bí quyết tạo nên đặc trưng của giò chả nơi này hỏi nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, chúng tôi ngạc nhiên biết rằng, bí quyết chính là...không có gì. Cũng chính từ nguyên liệu chủ yếu là thịt lợn mà thôi, nhưng có lẽ chính nhờ cái tài, mà hơn hết là cái tâm của người làm nghề đã tạo nên thương hiệu của giò chả nơi đây...
Người con làng Ước Lễ, nghệ nhân Nguyễn Đức Bình cho biết: “Giò chả Ước Lễ kén về nguyên liệu đầu vào vì người Ước Lễ tinh tế. Chúng tôi được dạy nhìn tế bào thịt lợn, tế bào thịt nào sống, tế bào thịt nào chết và dạy nhau về công thức pha chế lấy cân bằng âm dương. Phần thịt đỏ người ta tính là phần dương và phần thịt bạc là phần âm. Người ta phải biết cân đối về âm dương thì mới tạo ra thành phẩm giòn, dẻo, đẹp và ngon được".
Ông Bình cho biết thêm, trước đây, ông Bình cũng phải tự tìm hiểu và học các cụ cao niên xưa về bí quyết làm giò dai, để được lâu. Sau thời gian tìm tòi, ông đã tìm ra nguyên nhân vì sao ngày xưa dùng mật mía cho vào giò, đó là bởi trong mật mía có chút vôi ăn trầu, đây là bí quyết làm giò dai, bền và ngon.
Lễ rước giò chả Ước Lễ
Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, muốn có giò, chả ngon bắt buộc thớ thịt phải tươi. Thịt để làm giò lụa ngon nhất là loại thịt mông, còn tươi, nóng. Trong quá trình xay, phải nhìn vào sự đổi màu của thịt để cho gia vị mới tạo nên miếng giò ngon mà chỉ người Ước Lễ mới biết được.
Ngày trước, giã giò bằng tay, người làng lưu giữ bí quyết giã thịt sao cho dẻo quánh đến mức không dính chày mới được. Hiện nay, người dân đã chuyển sang xay thịt bằng máy, sức lao động được giải phóng nhưng vẫn giữ cách làm truyền thống là gói giò bằng lá chuối để giò thơm ngon, dậy mùi đặc trưng. Nguyên lý xay bằng máy là trong máy phát nhiệt không được lớn hơn nhiệt độ trong cơ thể con lợn thì giò chả mới ngon. Bên cạnh đó, thành phần ngũ vị cũng quan trọng, nước mắm, mật, đường, gia vị, muối cân bằng ngũ vị mới ra sản phẩm tốt được... Chính sự công phu trên đã tạo ra những khoanh giò ngon mang sắc hồng phớt nhẹ, xuất hiện lỗ lăn tăn tròn nhỏ, khi dùng dao cắt bị xít, dính mặt giò, khó thái.
Tôn vinh văn hóa ẩm thực
Ông Nguyễn Anh Minh - Chủ tịch UBND xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội, đại diện Ban tổ chức lễ hội Làng nghề văn hóa ẩm thực giò, chả Ước Lễ cho biết, lễ hội Làng nghề văn hóa ẩm thực giò, chả Ước Lễ gồm các hoạt động: Giới thiệu không gian văn hóa làng nghề giò, chả Ước Lễ; giới thiệu sản phẩm và quy trình thực hành tạo nên những sản phẩm ẩm thực giò, chả Ước Lễ. Đặc biệt, Lễ hội đã tái hiện quy trình giã giò truyền thống bằng cối đá; làm và đắp ống chả thảo quế nặng 180kg để quảng bá, xúc tiến thương mại, truyền dạy cho thế hệ sau. Lễ hội được Hợp tác xã giò, chả Ước Lễ tổ chức nhằm quảng bá những nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực Ước Lễ, tôn vinh giá trị làng nghề và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tiếp đó, nhằm bảo tồn, quảng bá, phát triển giá trị tinh hoa làng nghề, Làng nghề Ước Lễ phối hợp với Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và cơ quan chức năng tổ chức lễ rước sản phẩm giò chả, bánh chưng, bánh dầy, bày tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Minh cho hay, lễ hội làng nghề để tôn vinh sản phẩm cũng như các nghệ nhân của làng nghề Ước Lễ đã dày công trong rất nhiều năm phát huy, gìn giữ và mang sản phẩm của mình đi phục vụ khắp cả nước.
Ông Minh khẳng định, đây là một trong những nghề truyền thống từ lâu đời đã được nhiều người biết đến thương hiệu "giò chả Ước Lễ", chính quyền mong bà con tiếp tục phát huy, gìn giữ chất lượng ngày càng phát triển, đặc biệt tiến tới một thương hiệu chính thống./.