(Tổ Quốc) - Lễ hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) diễn ra ngày 21 và 22-2 (tức ngày 12 và 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với các lễ rước, lễ tế trang nghiêm, thành kính được các bô lão trong làng thực hành. Năm nay, BTC tiếp tục không tổ chức phần đánh Phết.
- 03.02.2023 Hội Phết Hiền Quan năm 2023 không tổ chức nội dung đánh Phết
- 02.02.2023 Phát huy giá trị truyền thống, tinh thần thượng võ của hội Phết Hiền Quan
- 31.01.2023 Không tổ chức cướp phết tại Hội Phết Hiền Quan 2023
- 17.02.2019 Dừng cướp phết những năm tiếp theo tại Lễ hội Phết Hiền Quan
- 02.03.2018 Đề nghị Sở VHTTDL Phú Thọ báo cáo công tác tổ chức Lễ hội Phết Hiền Quan
Lễ hội Phết Hiền Quan được tổ chức vào các ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm, nhằm tôn vinh công lao và tưởng nhớ Thiều Hoa Công chúa - một nữ tướng có công chiêu mộ binh sĩ, xả thân giúp Hai Bà Trưng đánh giặc.
Thắng trận, đất nước thái bình, bà xin về làng Song Quan (nay là xã Hiền Quan) tiếp tục tu hành và dạy nhân dân làm ăn, sinh sống. Tương truyền, để rèn luyện quân sĩ, Thiều Hoa Công chúa sáng lập ra việc đẽo gốc tre thành hình tròn (quả to gọi là phết, nhỏ hơn gọi là quả chúi), chia quân ra để đánh phết. Theo đó, hai bên (thanh niên, trai tráng trong làng) sẽ thi thố tài năng, tìm cách cướp và đưa quả phết (hoặc chúi) ra khỏi phạm vi quy định để giành phần thắng.
Quả phết có đường kính khoảng 6-7cm. Quả chúi có đường kính khoảng 4-5 cm. Trước đây khi tổ chức cướp phết, đám thanh niên giành nhau để đem được quả phết về nhà với kỳ vọng một năm may mắn.
Tục lệ, lễ hội gồm 4 phần: Rước kiệu, tế lễ, kéo quân và cướp phết. Lễ rước kiệu được tiến hành từ 12 giờ ngày 12 tháng Giêng. Trên kiệu là các sắc phong, bài vị, quả phết, quả chúi được cất giữ trong cung cấm của đình làng từ ngày mùng 10-10 âm lịch. Kiệu được khiêng từ đình ra đền do các "binh sĩ" hộ tống.
Sau lễ rước kiệu là phần tế lễ. Tham gia tế lễ là ông Tiên Chỉ (người được dân làng lựa chọn) và các bậc cao niên trong làng. Lễ kéo quân được chia thành 2 đoàn, mỗi đoàn với nhiều người tham gia. Đi đầu mỗi đoàn là ông trưởng lão râu tóc bạc phơ, mình quấn khố vàng, đầu chít khăn đỏ, tay cầm cờ nheo, miệng hô vang, biểu thị sự oai phong của đoàn quân; tiếp đó là đội trống cái, trống con gõ theo nhịp phách.
Đoàn "binh sĩ" nam có, nữ có, mình mặc áo giáp vàng, đầu đội nón lá, chân quấn xà cạp, đeo giày mũi hài, tay cầm long đao, cờ xuý. Lễ kéo quân được diễn đi diễn lại 3 vòng rồi lại tề tựu giữa sân đền, cùng hò reo vui mừng chiến thắng. Lễ kéo quân kết thúc cũng là lúc bắt đầu lễ cướp phết.
Thông qua lễ hội, giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống bất khuất của người Việt trong công cuộc dựng nước, giữ nước.
Theo ghi nhận của phóng viên, các phần nghi lễ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính, thể hiện những giá trị truyền thống, tốt đẹp được người dân Hiền Quan gìn giữ hàng trăm năm qua. Năm 2024 là năm thứ 6 hội đánh phết trong lễ hội Phết Hiền Quan dừng tổ chức.
"Tôi đã rất háo hức hôm nay đi từ Hà Nội đến lễ hội để được trải nghiệm người dân Hiền Quan đánh phết như thế nào. Tuy nhiên, hơi tiếc nuối vì phần hội này đã không diễn ra", anh Lê Anh Tuấn, ở huyện Mê Linh, Hà Nội chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Lộc (76 tuổi, người thôn 2 xã Hiền Quan) chia sẻ: "Bản thân tôi nhiều năm ở trong BTC Hội Phết Hiền Quan, đây là lễ hội có tinh thần thượng võ, tri ân công đức tiền nhân trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.
Lễ hội là dịp con cháu đi làm ăn xa trở về quê hương, đoàn tụ và vui hội. Sau vài năm không tổ chức đánh phết, người dân mong mỏi lãnh đạo xã và các cấp liên quan có phương án quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện đánh phết, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội Phết Hiền Quan đồng thời phù hợp với đời sống hiện đại, góp phần tạo điều kiện vui tươi, phấn khởi cho nhân dân nhân dịp đầu năm mới".
Trước đó, Bộ VHTTDLđã có văn bản yêu cầu các địa phương tập trung triển khai tăng cường tổ chức các biện pháp quản lý Nhà nước về lễ hội, tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024...
Đồng thời yêu cầu các Sở VHTTDL chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lễ hội tập trung đông người như: Hội Phết (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, Phú Thọ); Lễ hội Cầu trâu (xã Hương Nha và xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông, Phú Thọ); Lễ hội Đúc Bụt (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc); Lễ hội Cướp Phết (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc); Lễ hội Chọi trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc); Lễ hội Khai Ấn Đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), Lễ hội Phủ Dày (huyện Vụ Bản, Hà Nam); Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn (quận Đồ Sơn, Hải Phòng); Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội); Lễ hội Đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).../.