(Tổ Quốc) - Nghi thức Tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân diễn ra sáng 22/7 tại Kỳ họp Quốc hội khóa XIV đã được các đại biểu đánh giá là trang trọng, chuẩn mực.
Sau lời giới thiệu của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bước lên bục, tay trái đặt lên cuốn Hiến pháp 2013, tay phải giơ cao, tuyên thệ.
Nghi lễ Tuyên thệ lần này có nhiều điểm mới nhưng nội dung cơ bản vẫn giữ như lần diễn ra 3 tháng trước đó (Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII)
Theo nghi thức, đoàn chủ tịch cũng rời hàng ghế trên xuống dưới cùng chứng kiến. Toàn bộ các đại biểu Quốc hội có mặt trong hội trường được mời đứng nghiêm trang để chứng kiến nghi thức. Các đại biểu được yêu cầu không quay phim, chụp ảnh dưới hội trường.
Nghi lễ tuyên thệ được tiến hành trang trọng, nghiêm cẩn (Ảnh: Nam Nguyễn) |
Quốc hội cũng thống nhất lược bỏ phần tặng hoa chúc mừng các chức danh được bầu sau lễ tuyên thệ. Tương tự, khi Chủ tịch nước, Chính phủ mới ra mắt Quốc hội cũng không có phần tặng hoa.
Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, người chứng kiến cả hai lễ tuyên thệ vừa qua cho biết: “Trước hết phải nói, đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, đất nước có nghi thức tuyên thệ. Trong truyền thống, lịch sử đấu tranh của dân tộc đã có và cả khi ra mắt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã có. So sánh sự thay đổi của nghi thức Tuyên thệ được thực hiện trở lại ở kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIII và kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV cho thấy tinh thần hết sức cầu thị của Quốc hội”.
“Nghi thức được tiến hành trang trọng, nghiêm cẩn, từ chi tiết nhỏ cũng được lưu ý và sửa lại so với lần trước như “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc” thay cho “Đứng trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc”. Lời tuyên thệ của vị Chủ tịch Quốc hội được thể hiện trước sự đứng lên chứng kiến của tất cả các vị đại biểu Quốc hội và đoàn Chủ tịch đảm bảo được tính trang trọng. Quy định các đại biểu không ngồi, không chụp ảnh, quay phim… biểu thị được tính trang trọng của buổi lễ. Khi đó, các đại biểu chứng kiến vị Chủ tịch tuyên thệ nhưng cũng như là lời tuyên thệ của chính mình, của mỗi đại biểu Quốc hội”- ông Dương Trung Quốc nhận định.
Cùng cảm xúc này, Nghệ sĩ ưu tú, Đại biểu Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Minh Ánh cho biết: “Nghi thức Tuyên thệ lần này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được thực hiện rất tốt, đảm bảo tính trang nghiêm hơn lần trước rất nhiều. Lần trước các đại biểu ngồi chứng kiến, lần này thì tất cả các đại biểu đều đứng, rất trang nghiêm”.
Chia sẻ cảm xúc của mình khi lần đầu tiên trực tiếp chứng kiến nghi thức này trong vai trò Đại biểu Quốc hội, NSƯT Nguyễn Thị Minh Ánh xúc động: “Tôi cũng như các đại biểu khác, đều hướng lên lá cờ Tổ quốc, lắng nghe lời Tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, cảm thấy trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân rất nặng nề, như mình cũng đang tuyên thệ trước cờ Tổ quốc”.
“Giờ giải lao, tôi có trò chuyện với các đại biểu trong Đoàn Hà Nội, các đại biểu cũng đều có chung suy nghĩ như vậy”, Đại biểu Nguyễn Thị Minh Ánh cho biết thêm.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc vẫn hơi tiếc: “Lẽ ra, Quốc hội nên quy định tất cả các đại biểu mặc lễ phục trong ngày diễn ra các lễ tuyên thệ thay vì để các đại biểu mặc trang phục riêng của mình. Chúng ta không quá nệ hình thức nhưng trong những dịp trang trọng thì phải có hình thức tương xứng”.
Những thay đổi của nghi thức Tuyên thệ đã được thực hiện một cách chuẩn mực và trang nghiêm. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, những thay đổi này dựa trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý sau lần đầu lễ tuyên thệ được thực hiện vào Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII./.
Thảo Nguyên