(Tổ Quốc) - Hoa Kỳ ngày 1/7 đã đề xuất mức thuế 4 tỷ USD đối với một loạt các mặt hàng của Liên minh châu Âu EU.
Động thái này được cho là để đáp trả sự hỗ trợ của EU với máy bay thương mại, theo AFP.
Các sản phẩm có thể bị áp thuế bao gồm phô mai parmesan; rượu whisky Scotch và Ireland; xúc xích, giăm bông, mì ống, ô liu và nhiều loại phô mai khác bao gồm reggiano, provolone, edam và gouda.
"Hôm nay, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ lấy ý kiến công chúng về một danh sách mới, đã bổ sung các sản phẩm có khả năng phải chịu thêm thuế," cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.
Các loại pho mát sẽ nằm trong danh sách mặt hàng của EU có thể bị Mỹ áp thêm thuế. (Nguồn: Yahoo News/AFP)
Nguy cơ áp thuế lần này là do vấn đề "trợ cấp của EU cho các máy bay dân dụng cỡ lớn", tuyên bố này cho biết.
Danh sách này đã ghi thêm 89 đầu mục nhỏ về các mặt hàng bị áp thuế với giá trị thương mại xấp xỉ 4 tỷ USD. Đây là bản hoàn chỉnh so với danh sách đầu được công bố vào ngày 12/4 – vốn đã nhắm tới hàng loạt sản phẩm của EU với giá trị lên tới 21 tỷ USD, cơ quan này cho biết thêm.
Trong hơn 14 năm qua, Washington và Brussels đã liên tục cáo buộc lẫn nhau về việc trợ cấp không công bằng cho hai gã khổng lồ hàng không Boeing và Airbus. Đây đã là một cuộc tranh chấp ăn miếng trả miếng từ lâu trước cả thời Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Căng thẳng giữa hai hãng máy bay Boeing và Airbus là cuộc tranh chấp dài nhất và phức tạp nhất mà Tổ chức Thương mại Thế giới WTO phải giải quyết nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng trong thương mại toàn cầu.
Trong nhiệm kì của mình, ông Trump đã nhắm mục tiêu đến các hoạt động thương mại mà ông coi là không công bằng, gây bất lợi cho Mỹ. Bên cạnh đó ông cũng coi thuế quan là công cụ hàng đầu để thực hiện điều đó.
Diễn biến mới nhất trong cuộc cãi vã thương mại Mỹ - EU diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn đang hết sức phức tạp. Dù hai bên đã ra tín hiệu nối lại đàm phán và tạm dừng áp đặt thêm thuế quan, nhưng các lệnh trừng phạt trước đó cũng đã tác động đến hàng trăm tỉ USD hàng hóa trong giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.