(Tổ Quốc) - Những năm gần đây, lì xì đầu năm là chuyện "khá đau đầu" với câu hỏi làm thế nào để "vừa túi tiền" người trao mà người nhận cũng vui vẻ. Năm nay một số người có xu hướng thay vì mừng tuổi bằng tiền chuyển sang bằng sách và coi đây là một "giải pháp" hữu hiệu.
Lì xì bằng sách và những kỳ vọng của người lớn
Lâu nay, mỗi dịp Tết đến, bên cạnh lời chúc thì người lớn còn mừng tuổi – lì xì trẻ em với hi vọng điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Số tiền mừng tuổi chỉ mang tính tượng trưng nhưng lại bao hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Tuy nhiên, giờ đây vì thiếu sự định hướng của gia đình, có những em lại đánh giá mức độ tình cảm qua giá trị của tiền mừng tuổi. Đây là điều khá "đau đầu" của người lớn để dung hòa túi tiền bản thân cũng như suy nghĩ, đánh giá của trẻ em.
Những cuốn sách được lựa chọn để lì xì. Ảnh minh họa
Với việc xuất hiện "phong trào" lì xì bằng sách trong năm nay khiến không ít người thở phào và coi đây là một giải pháp hữu hiệu. Lì xì bằng sách sẽ mang đến những giá trị tinh thần, sẽ tạo dựng văn hóa đọc cho các em. Lợi ích của việc đọc sách thì đã quá rõ. Không những thế, khi lì xì bằng sách cảm giác về mệnh giá tờ tiền sẽ ít nhiều giảm đi – dù ở bìa 4 cuốn sách vẫn ghi giá.
Những ngày giáp Tết, nhà báo Trương Anh Ngọc đã viết lên trang cá nhân của mình rằng: Mấy ngày này, nhà mình lại đi các hiệu sách chỉ để làm một việc duy nhất: Mua sách thiếu nhi để mừng tuổi cho bọn trẻ. Nhà mình từ nhiều năm nay không mừng tuổi cho trẻ con bằng tiền nữa. Đừng nghĩ là mình tiếc tiền. Không phải đâu (tiền mua sách còn tốn hơn nhiều số tiền đáng lẽ ra sẽ phải cho vào phong bao). Nhà mình làm điều ấy chính là vì muốn tiếp tục truyền cảm hứng cho trẻ về ý thức đọc sách, tình yêu với sách, một thế giới mà chúng nên tiếp cận, thay vì nhận được tiền lì xì từ khi còn bé.
Nắm bắt xu thế mới này, dịp Tết NXB Kim Đồng đã cùng lúc ra mắt 2 cuốn sách Nhớ ơi là Tết của tác giả Thái Hương Liên và Tết xưa thơ bé của Hương Thị. Điều đáng nói là hai cuốn sách nhỏ xinh mang đậm hương vị ngày Tết này cũng có giá "khá mềm" – đều chỉ trên dưới 30 nghìn đồng, chưa kể nếu mua đúng dịp giảm giá như ở Phố sách Xuân Kỷ Hợi thì mức giá còn thấp hơn. Do đó, đây là hai cuốn sách mới khiến nhiều người sẽ nghĩ mua để lì xì.
Chưa hết, hưởng ứng phong trào lì xì bằng sách, đầu năm 2019, Ban Giám đốc Nxb Phụ nữ quyết định tặng mỗi nhân viên NXB một gói lì xì bằng sách trị giá 500.000 đồng. NXB tiết lộ, việc tặng một gói lì xì bằng sách này để mong muốn từng nhân viên sẽ nhân rộng tinh thần lì xì sách đi muôn nơi.
Nhà báo Trương Anh Ngọc hy vọng việc lì xì bằng sách sẽ khiến trẻ em tìm được những niềm vui trong sách vở và tận dụng tốt nhất tri thức có được từ những món quà ý nghĩa ấy. "Đam mê tri thức, với mình, còn tốt hơn là đam mê tiền bạc, từ khi chúng còn bé, và tạo cho chúng cơ hội tiếp cận với sách tốt hơn nhiều là tiếp cận với tiền khi còn nhỏ" - nhà báo này nhấn mạnh.
Vẫn còn đó những băn khoăn
Lì xì bằng sách cũng như việc tặng một món quà đến các em nhỏ. Người lớn khi lựa chọn sách để lì xì phải hiểu sở thích, thể loại sách mà trẻ nhỏ yêu thích, mong muốn đọc. Bởi nếu sách mà trẻ không thích, không đọc thì giá trị của cuốn sách cũng như việc lì xì bị giảm đi đáng kể.
Chưa hết, liệu người mua sách đi lì xì có biết chắc cuốn này trẻ đã đọc và cuốn kia trẻ chưa đọc để mua?. Với những người quá bận rộn, việc sâu sát như vậy thì chỉ có thể mua sách lì xì cho chính con, cháu trong gia đình, chứ chưa dễ dàng để thực hiện mức độ rộng hơn.
Chia sẻ thật về chính câu chuyện mừng tuổi bằng sách của mình, nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết: Năm ngoái, đã từng thấy có bậc cha mẹ tỏ ra không hài lòng lắm khi mình mừng tuổi con họ sách. Điều đó khiến mình hơi buồn, khi nghĩ rằng món quà của mình không được họ trân trọng (nhưng con họ thì thích).
NXB Phụ nữ tặng mỗi nhân viên một gói lì xì bằng sách mong muốn từng nhân viên sẽ nhân rộng tinh thần lì xì sách đi muôn nơi. Bên cạnh đó còn có chương trình giảm giá, tặng quà cho độc giả mua sách dịp Tết. Ảnh minh họa
Lì xì bằng sách "cồng kềnh" hơn lì xì bằng tiền. Nếu lì xì bằng tiền, chỉ cần mang theo bên mình một chiếc túi nhỏ. Tuy nhiên, nếu lựa chọn lì xì bằng sách thì sự cồng kềnh đó sẽ tỉ lệ thuận với số sách cũng như số người dự định sẽ được lì xì. Vì vậy, lựa chọn sách để lì xì cũng phải có phương án mang sách đi chúc Tết theo.
Một vấn đề nữa không thể không nhắc tới là giá sách. Liệu có dễ dàng tìm được những cuốn sách có nội dung phù hợp mà giá tương đương với số tiền định mừng tuổi. Bởi nếu giá sách quá cao, thì e rằng việc lựa chọn sách để lì xì rất khó thực hiện rộng, nhất là với những người túi tiền còn khá eo hẹp.
Những phong bao lì xì không có lỗi nhưng thiếu đi sự định hướng của gia đình mà một số trẻ hiện nay có suy nghĩ sai lệch về lì xì. Ảnh minh họa
Việc in số tiền ở bìa 4 mỗi cuốn sách lâu nay không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, nếu các NXB "nhắm" đến việc cuốn này cuốn kia được người mua để mừng tuổi thì liệu có thay đổi việc in giá tiền vào trang trong?. Có lẽ đây là điều tế nhị các NXB cũng nên tính đến.
Để không mất quá nhiều thời gian cho việc lựa chọn sách để lì xì, một vị phụ huynh có mặt tại nhà sách cho rằng tốt nhất nên chọn sách mới vì có thể gia đình chưa kịp mua, tránh trường hợp sách hay, sách kinh điển nhưng trẻ đã đọc, đã có. Bên cạnh đó, vị phụ huynh này cũng bày tỏ mong muốn mỗi dịp Tết các NXB cân nhắc để ra mắt một dòng sách phù hợp cho việc mua để lì xì trẻ em.