(Tổ Quốc) - Sáng ngày 24/12, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ ba năm 2022.
Năm 2009 Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, từ đó đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của người dân, khẳng định giá trị nghệ thuật độc đáo, quý báu mà cha ông để lại cũng như báo động về sự mai một của Ca trù.
Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ ba - năm 2022 được tổ chức với mục đích tiếp tục góp phần động viên, thúc đẩy hoạt động truyền dạy, thực hành ca trù ở cơ sở, đồng thời phát hiện bồi dưỡng các tài năng ca trù nhiều lứa tuổi và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tới đông đảo quần chúng nhân dân, qua đó nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Ca trù trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ T.S Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hoá, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: "Năm 2022, thành phố Hà Nội được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng và truy tặng cho 66 nghệ nhân trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể trong đó có 11 Nghệ nhân Nhân dân và 55 Nghệ nhân Ưu tú. Đặc biệt, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian Ca trù có tới 09 nghệ nhân được phong tặng với 03 Nghệ nhân nhân dân, 06 Nghệ nhân ưu tú.
Đây là kết quả cho thấy nghệ thuật trình diễn dân gian Ca trù trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng mừng, Ca trù Hà Nội đã dần từng bước ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Ca trù. Liên hoan Ca trù năm nay không phải là liên hoan toàn quốc mà chỉ trong thành phố Hà Nội nhưng tôi mong những năm sau có thể tổ chức mở rộng Liên hoan Ca trù hơn nữa, sẽ có sự tham gia của những thành phố khác để giới thiệu bộ môn nghệ thuật này đến với nhiều người hơn cũng như tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị Ca trù trong đời sống"T.S Phạm Thị Lan Anh cho biết.
Nội dung Liên hoan Ca trù Hà Nội 2022 bám sát với tình hình, thực trạng hoạt động của các câu lạc bộ, tạo điều kiện để các tài năng của câu lạc bộ Ca trù và các cá nhân yêu thích Ca trù trên địa bàn Hà Nội thể hiện khả năng, giao lưu học hỏi, tăng cường chuyên môn để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động bảo vệ, thực hành di sản.
Ban tổ chức đã nhận được đăng ký của 12 nhóm, câu lạc bộ Ca trù trên địa bàn Hà Nội (trong đó có các nhóm mới như nhóm Ca trù Đại học FPT, nhóm Triều Xương) và một số thí sinh tự do với số lượng là 48 thí sinh dự thi phần thi cá nhân và 06 tiết mục múa hát tập thể.
Thí sinh tham dự Liên hoan trong độ tuổi từ 5 tuổi đến 83 tuổi đến từ các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn thành phố hoặc sinh hoạt tự do. Tổng số người tham gia là hơn 140 người.
Là thí sinh trẻ tuổi tham gia Liên hoan Ca trù năm nay, bạn Nguyễn Thị Huyền My - sinh viên Đại học FPT chia sẻ: "Trước đây mình không biết Ca trù là gì nhưng khi tham gia vào câu lạc bộ của trường được tiếp xúc tập luyện cùng mọi người, mình thấy bộ môn nghệ thuật này rất thú vị và những câu hát đem đến cho mình một cảm giác rất thân thuộc, gần gũi. Đây là lần đầu tiên tham gia liên hoan Ca trù nên mình rất hồi hộp và lo lắng. Tuy nhiên, thông qua Liên hoan này mình được giao lưu gặp gỡ với nhiều cô chú anh chị trong nghề hơn, mình sẽ tích lũy được kinh nghiệm để hát Ca trù hay hơn. Và mình nghĩ Liên hoan sẽ giúp các bạn trẻ có thể tiếp cận gần hơn với Ca trù, qua đó các bạn sẽ yêu thích và tiếp tục gìn giữ phát huy nghệ thuật Ca trù cũng như nghệ thuật truyền thống khác của Việt Nam".
Năm nay, ngoài những tiêu chí chấm giải chung về trang phục, không gian biểu diễn, sự hòa hợp ăn ý, tiêu chí riêng đối với mỗi hạng mục dự thi cũng được chú trọng đặc biệt. Theo đó, tiêu chí đúng lề lối, thể cách luôn được đề cao với tất cả các hạng mục.
Liên hoan năm nay tiếp tục có sự phân loại thí sinh theo độ tuổi để có mức đánh giá công bằng nhất và mong muốn tìm kiếm các đào nương, kép đàn, trống chầu tài năng, tiếp bước các thế hệ cha ông duy trì, bảo vệ và phát huy giá trị Ca trù Hà Nội.
Các tiết mục dự thi diễn ra trong buổi sáng, buổi chiều, Liên hoan bế mạc vào cuối giờ cùng ngày.
.