(Tổ Quốc) - Việc chia sẻ các nội dung văn hóa - nghệ thuật miễn phí trong mùa dịch COVID-19 cũng tác động mạnh tới thu nhập và cuộc sống của các nghệ sỹ chuyên nghiệp.
Mới đây, Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo, các nội dung miễn phí từ sách, phim cho tới âm nhạc đang xuất hiện ngày càng nhiều khiến cuộc sống của những người phải chịu ảnh hưởng của các quy định hạn chế do đại dịch COVID-19 trở nên thoải mái hơn. Tuy nhiên, đây cũng là một nguy cơ đối với các ngành công nghiệp văn hóa vốn đã rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
Thời gian qua, dưới tác động của dịch bệnh, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội nghiêm khắc như hủy bỏ sự kiện, cấm tụ tập đông người và yêu cầu người dân ở nhà. Điều này đã khiến việc tiếp cận các nội dung văn hóa và nghệ thuật trực tuyến trở nên vô cùng phổ biến.
Trong khi một số nhà sáng tạo nội dung lựa chọn để các sản phẩm nghệ thuật của mình được sử dụng miễn phí và trực tuyến, người đứng đầu Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Liên Hợp Quốc (WIPO) là Francis Gurry lại bày tỏ sự lo ngại. Theo ông, trong thời gian dịch bệnh, WIPO nhận được nhiều yêu cầu về "các trường hợp ngoại lệ cho lĩnh vực văn hóa liên quan tới vấn đề bản quyền".
Các quy định sở hữu trí tuệ của WIPO có cho phép những ngoại lệ đối với bản quyền văn hóa nhằm tạo điều kiện tiếp cận tới sách, ấn phẩm và các nội dung sáng tạo khác trong một số trường hợp cụ thể và theo những điều kiện nhất định.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP, ông Gurry lại đặt ra câu hỏi, liệu có công bằng không khi coi đại dịch COVID-19 như một cái cớ để đưa toàn bộ các cuộc triển lãm, tác phẩm opera, ballet, buổi hòa nhạc và các ấn phẩm… ra công chúng mà không mất một chi phí nào.
"Quan ngại sâu sắc"
"Chúng ta nên tính toán kỹ càng hơn", ông Gurry nói đồng thời chỉ ra, những động thái như trên đã ảnh hưởng nặng nề tới thu nhập của các nghệ sỹ chuyên nghiệp trong một lĩnh vực vốn chịu không ít thiệt thòi.
"Để gỡ bỏ bản quyền, anh cần phải chứng minh được đó là vì nhu cầu đặc biệt", ông cho hay. "Tôi không thực sự nhìn thấy những chứng cớ rõ ràng của vấn đề tiếp cận nội dung" trong tình huống hiện tại. Theo cựu luật sư người Australia, cho dù phải ở nhà vì COVID-19, người dùng vẫn có thể mua các hàng hóa văn hóa trực tuyến như sách hoặc các sản phẩm âm nhạc.
Cùng lúc, ông nhấn mạnh, các nhà sáng tạo nội dung đang phải chịu tác động lớn từ cuộc khủng hoảng COVID-19.
Nhiều lĩnh vực đã mất hoàn toàn nguồn thu nhập như sản xuất phim khi phải ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian, khiến rất nhiều người tạm thời mất việc. "Rất khó để định lượng hậu quả vì dịch bệnh vẫn tiếp diễn nhưng lĩnh vực văn hóa đang phải trải qua những quan ngại sâu sắc", ông Gurry nói.
Hồi Tháng Tư vừa qua, Hiệp ước về các buổi Biểu diễn Nghe nhìn Bắc Kinh đã chính thức có hiệu lực. Được thông qua từ năm 2012 nhưng giờ đây hiệp ước mới đi vào hoạt động do đạt đủ số nước phê chuẩn tối thiểu là 30. Hiệp ước quy định các quyền tái sản xuất, phân phối và cho thuê các buổi biểu diễn nghe nhìn của người biểu diễn. Nó cũng cập nhật các điều khoản đa phương từng được thống nhất vào năm 1961 nhằm đáp ứng bối cảnh kỷ nguyên công nghệ số, đồng thời mở rộng các quyền được bảo hộ dành cho các nghệ sỹ biểu diễn giống như các nhạc sỹ đang nhận được. Từ đó giúp họ có thêm quyền để quyết định sử dụng các buổi biểu diễn của mình như thế nà
"Nền tảng cơ bản cho sức khỏe tinh thần"
"Tại một số nước, người nghệ sỹ biểu diễn không được bảo vệ", ông Gurry nói, đồng thời khẳng định Hiệp ước về các buổi Biểu diễn Nghe nhìn Bắc Kinh sẽ thay đổi điều đó.
Bất kỳ quốc gia nào tham gia đều sẽ phải "tuân thủ các quyền đã được nêu liên quan tới các nghệ sỹ biểu diễn nghe nhìn như diễn viên điện ảnh và truyền hình", ông nhấn mạnh.
Trung Quốc, Nhật Bản và Nga nằm trong số 30 nước đã phê chuẩn hiệp ước. Một số nước lớn như Mỹ và các cường quốc điện ảnh châu Âu bao gồm Pháp và Italy, vẫn chưa phê chuẩn mặc dù đã kí kết. Mặc dù vậy, ông Gurry vẫn coi việc hiệp ước chính thức có hiệu lực là một tín hiệu vui mừng cho ngành văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh dịch bệnh.
COVID-19 vốn đang ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động văn hóa, bao gồm cả việc khó khăn trong sản xuất các tác phẩm mới, thì lẽ ra thời điểm này là cơ hội để gia tăng thu nhập cho các nghệ sỹ biểu diễn nghe nhìn từ những tác phẩm trước đó bằng việc thu tác quyền, ông Gurry chỉ ra.
Tổng giám đốc WIPO thừa nhận, các chính phủ cần tập trung vào những biện pháp ngăn ngừa virus lây lan và đảm bảo an toàn sức khỏe cho dân số. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của các hoạt động hỗ trợ văn hóa và nghệ thuật, bởi đây chính là "nền tảng sức khỏe tinh thần" cho những người tuân thủ các quy định hạn chế và giãn cách xã hội.