(Tổ Quốc) - Đại dịch COVID-19 không chỉ đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số mà nó còn khiến sở hữu trí tuệ và bản quyền trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
Những dự đoán về số hóa – cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 – và cách nó thay đổi thế giới của chúng ta, đã tồn tại từ khá lâu. Việc số hóa, với sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, tự động hóa đi kèm với những tiến bộ trong công nghệ máy tính và kết nối chặt chẽ hơn, hứa hẹn đem tới những thay đổi vĩnh viễn cách và nơi con người làm việc, chơi, tiêu thụ và tương tác với nhau.
Trước đại dịch COVID-19, quy trình thay đổi vốn đã bắt đầu với tốc độ khẩn trương. Loạt kế hoạch triển khai 5G, AI và dữ liệu lớn được dự đoán là sẽ đem tới sự cải biến trong vòng 5 năm tới với quy mô lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ công nghệ nào từng làm trong 30 năm qua. Với hơn 60% tỷ trọng GDP toàn cầu kỳ vọng sẽ được số hóa vào năm 2022, ước tính 70% các giá trị mới được tạo ra trong thập kỷ tới sẽ dựa trên các nền tảng cho phép số hóa.
COVID-19 thậm chí còn đẩy nhanh quá trình trên và vượt qua mọi dự đoán tham vọng nhất. Theo một nhà phân tích, đại dịch đã thu gọn 5 năm tiếp diễn vào trong chỉ vẻn vẹn… 3 tháng. Các lệnh phong tỏa trên toàn thế giới đã khiến các tương tác xã hội và tiêu thụ văn hóa hầu như chỉ diễn ra trong thế giới kỹ thuật số.
Các doanh nghiệp số như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, các nền tảng làm việc và giải trí trực tuyến đã được "hưởng lợi" lớn trong thời kỳ này. Giá trị của các công ty công nghệ "leo thang" với tốc độ tên lửa. Các công ty nào chuyển đổi trực tuyến nhanh hơn hoặc sớm hơn, có khả năng đối mặt với đại dịch tốt hơn phần đông số còn lại.
Tại châu Á, nhờ vào mức độ kết nối số hóa cao, một số nước đã có thể giảm nhẹ các gián đoạn kinh tế quy mô lớn do phải đóng cửa cơ sở ngoài đời thực như ngân hàng, cửa hàng và nhà hàng. Ví dụ như Trung Quốc, việc sử dụng rộng rãi hệ thống chi trả điện tử như Alipay và WeChat (lên tới 85% dân số), cùng với các nền tảng phân phối và hậu cần dựa trên dữ liệu, nhiều thành phố như Vũ Hán và Thượng Hải vẫn có thể duy trì hoạt động ở mức gián đoạn thấp nhất.
Sở hữu trí tuệ và bản quyền trong kỷ nguyên số
Trong thời đại số hóa, giá trị thương hiệu được nhấn mạnh, nhưng đồng thời nó cũng khiến sở hữu trí tuệ và bản quyền trở nên dễ bị tổn thương hơn trước việc làm nhái và làm giả. Hiểu được giá trị tài sản sở hữu trí tuệ và đảm bảo chúng được bảo vệ đầy đủ sẽ là những yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp bước vào quá trình số hóa.
Ông Lau Kok Keng, người đứng đầu bộ phận Luật Sở hữu Trí tuệ thuộc công ty luật Rajah and Tann, Singapore lưu ý, "số hóa và sở hữu trí tuệ luôn đi kèm với nhau. Chính phủ nên khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện số hóa và không nên chỉ cung cấp ngân sách mà còn phải giúp doanh nghiệp bảo hộ sở hữu trí tuệ được hình thành trong quá trình chuyển đổi số".
Trong trường hợp Singapore, Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Singapore (IPOS) đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn diện của chính phủ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số. Không chỉ tích cực tham gia cùng doanh nghiệp thông qua một loạt các công cụ, chương trình trực tuyến và ứng dụng để giúp đẩy nhanh quy trình thủ tục, bản thân IPOS còn được công nhận là một ví dụ xuất sắc về cải tiến số hóa. Kể từ khi được tạp chí uy tín về nhãn hiệu thương mại World Trademark Review bình chọn là văn phòng sở hữu trí tuệ đổi mới nhất toàn cầu vào tháng 1/2020, IPOS đã trở thành văn phòng đầu tiên trên thế giới cho phép giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ hoàn toàn trực tuyến nhằm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hạn chế vì COVID-19.
Cao ủy về Cạnh tranh EU Margaret Vestager từng nói, chỉ có hai loại doanh nghiệp: những công ty đã số hóa và những công ty sẽ sớm số hóa. Đại dịch COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh tới các doanh nghiệp vốn đang bị chậm chân trên con đường chuyển đổi số và thương mại hóa các tài sản phi vật thể của họ. Trong bối cảnh tốc độ số hóa đang giữ vị trí nổi bật trong nền kinh tế toàn cầu, lời kêu gọi trên gần như chắc chắn sẽ càng trở nên cấp thiết hơn.