(Tổ Quốc) - Rèn luyện tinh thần đã phát huy hiệu quả tốt với rất nhiều vận động viên thành công trên thế giới. Việt Nam rất dễ dàng áp dụng những liệu pháp đơn giản này.
Theo tờ báo Đức DW, này càng có nhiều vận động viên sử dụng phương pháp rèn luyện tinh thần để cải thiện thành tích. Bút và thước có tác dụng gì ở đây và bộ não có thể rèn luyện cơ bắp không?
Thành công là có thật
Tại World Cup 2014 ở Brazil, vào phút thứ 113, Mario Götze băng vào vòng cấm, nhận quả tạt hoàn hảo bằng ngực của Andre Schürrle rồi dứt điểm khéo léo bằng chân trái vào lưới. Đó là bàn thắng ấn định chiến thắng cho Đức và mang về danh hiệu đã được chờ đợi từ lâu. Đây là một bàn thắng đi vào sử sách.
Bên lề sân Maracana ở Rio de Janeiro, các cầu thủ dự bị và ban huấn luyện khó có thể tin vào vận may của mình. Niềm vui dường như là vô tận.
Chuyên gia về tinh thần trong điền kinh Lars Lienhard nhớ lại cảm xúc lúc đó: "Khi Mario được thay vào, tôi biết: 'Bây giờ là lúc chúng ta làm nên chuyện!'. Đó là một trải nghiệm rất thú vị và vô cùng xúc động."
Lienhard là một phần không thể thiếu của phái đoàn Đức tại World Cup 2014. Ông ấy truyền đạt kiến thức cho các cầu thủ về những yếu tố tác động đến chuyển động của hệ thống thần kinh trung ương. Nhà khoa học thể thao này giúp rèn luyện trí não và tối ưu hóa sự kết hợp các chuyển động ở con người. Cũng chính Lienhard đã giúp đào tạo những cầu thủ như Götze hay các hậu vệ Per Mertesacker và Benedikt Höwedes.
Lienhard giải thích: "Với Mario, tất cả là về rèn luyện các quá trình nhận thức, ví dụ như hệ thống thị giác, hệ thống cân bằng, định hướng và nhận thức về không gian".
Quá trình huấn luyện cũng đặt việc phát huy rèn luyện thần kinh làm trung tâm. Götze cũng đã tích hợp những bài tập này vào thói quen hàng ngày trước World Cup.
Hiệu quả không ngờ của các phương pháp đơn giản
Khi mới tìm hiểu thì dường như việc huấn luyện thần kinh có vẻ là một loại hình đào tạo rất phức tạp. Tuy nhiên, logic rèn luyện không hề phức tạp. Mọi chuyển động của con người đều do bộ não chỉ huy. Để đảm bảo các chỉ thị này được triển khai trơn tru và hoàn hảo nhất có thể, các huấn luyện viên thần kinh trong thể thao sẽ rèn luyện trí não.
Lienhard giải thích: "Trong khi quá trình rèn luyện cơ thể sẽ giúp phát triển thể chất cho vận động viên để chuẩn bị cho các tình huống cạnh tranh. Ví dụ như cơ thể cần làm gì để thực hiện một cú đánh tốt? Một hậu vệ phải cần thành thạo bao nhiêu lần chuyển hướng?"
Chuyên gia Lienhard giải thích thêm: "Vậy bộ não cần làm gì để tối ưu một chuyển động nhất định? Mọi môn thể thao và mọi bộ môn đều có yêu cầu về huấn luyện thần kinh. Bởi vì bộ não quyết định cách sử dụng cơ bắp. Và không chỉ để tối ưu hóa hiệu suất, mà còn để ngăn ngừa chấn thương hoặc tăng tốc độ hồi phục".
"Ví dụ, nếu một người có vấn đề về vai, chúng tôi không xem xét những gì cấu trúc nào bị phá vỡ ở vai mà chúng tôi sẽ xem xét: Hệ thống nào trong não đang điều chỉnh sự căng thẳng xung quanh vai?"
Ông Lienhard cho biết, đó có thể là não giữa, hoặc cơ chế giữ thăng bằng ở tai giữa. "Chúng tôi kích hoạt những khu vực này của não, sau đó, chúng tôi xem xét liệu có bất kỳ thay đổi nào ở vai hay không. Chúng tôi tác động đến hệ thống thần kinh liên quan đến những triệu chứng đau này".
Các công cụ cần thiết để rèn luyện thần kinh thường khá đơn giản và có thể tìm thấy ở bất kỳ hộ gia đình nào. Tất cả những thứ cần thiết để kích thích và rèn luyện một số vùng não nhất định chỉ là một sợi dây, thước kẻ hoặc một cây bút chì đơn giản. Ví dụ, các vận động viên có thể theo dõi một chiếc bút chì chuyển động bằng mắt và từ đó kích hoạt một số vùng của não. Đây là cách thông tin được truyền đến não thông qua mắt.
Lienhard giải thích: "Nhìn bề ngoài như vậy nhưng những tín hiệu xảy ra trong não thì phức tạp hơn một chút. Đôi khi chỉ là những bài tập rất đơn giản mà bạn nghĩ: 'chỉ như vậy thật sao?' nhưng chúng có tác dụng không ngờ".
Sự nổi tiếng ngày càng tăng của các vận động viên Đức
Nhiều vận động viên đang sử dụng rèn luyện tinh thần không chỉ để cải thiện thành tích của họ mà còn để ngăn ngừa chấn thương.
Rebekka Haase là một trong những vận động viên chạy nước rút nhanh nhất ở Đức và hiện đang tham gia trại huấn luyện ở Gran Canaria với đội tuyển chạy nước rút quốc gia. Trong bảy năm qua, Haase đã kết hợp việc rèn luyện thần kinh vào cuộc sống của mình, đặc biệt là sau những chuyến đi dài, cô thực hiện một số bài tập để giữ cho đầu óc và cơ thể minh mẫn.
"Sau khi di chuyển bằng máy bay, tôi thường phải phục hồi lại hệ thống thăng bằng của mình. Nhờ đó, tôi có thể tập luyện tốt hơn và chính xác hơn nhiều", cô nói với DW.
Vận động viên chạy nước rút người Đức này cũng tập thể dục trước khi thi đấu, một điều dường như hơi lạ lùng. Haase chia sẻ: "Nếu bạn xoay đầu, đẩy hàm sang một hướng khác hoặc lè lưỡi ở đâu đó, tôi chắc chắn rằng những người quay phim sẽ rất vui khi có đề tài. Nhưng tôi vẫn làm điều đó dù nó trông ngớ ngẩn như thế nào".
Mọi người không phải lúc nào cũng tin tưởng vào phương pháp đào tạo mới này ngay từ đầu. Lienhard đã gặp nhiều người đa nghi, như huấn luyện viên chạy nước rút người Đức Jörg Möckel.
Möckel rất thân thiết với David Storl, vận động viên từng đoạt huy chương bạc Olympic và hai lần vô địch thế giới môn bắn súng. David đã gọi cho Möckel vào năm 2014 để nói về một phương pháp tập luyện mới.
"Anh ấy nói: 'Có một người đưa ra những bài tập kỳ lạ cho tôi, và sau đó tôi đã thi đấu tốt hơn'," Möckel nhớ lại cuộc nói chuyện qua điện thoại với Storl.
Möckel muốn tận mắt chứng kiến và đã trực tiếp tham dự buổi tập của Storls với Lienhard.
Möckel chia sẻ với DW: "Tôi đã mất hai giờ để ngăn Lars [Lienhard] làm những điều ngu ngốc với Storl. Những điều ông ấy đang làm không có ý nghĩa với tôi nhưng cuối cùng lại có hiệu quả."
Khi Möckel bắt đầu tự mình thực hiện các bài tập, ông đã hiểu ý nghĩa và công dụng đằng sau việc rèn luyện tinh thần. Từ đó, ông cũng coi việc rèn luyện thần kinh là một phần không thể thiếu trong đội chạy nước rút của Đức.
Rèn luyện tinh thần còn nhiều không gian phát triển
Hiện tại, danh sách các vận động viên tin tưởng vào việc rèn luyện tinh thần vẫn đang được nối dài và không hề phụ thuộc vào loại hình thể thao. Cho dù đó là ngôi sao quần vợt người Đức Alexander Zverev, cầu thủ bóng đá như Jamal Musiala hay vận động viên điền kinh giỏi nhất nước Đức, tất cả họ đều sử dụng phương pháp huấn luyện lấy thần kinh làm trung tâm.
Ông Lienhard chia sẻ: "Rèn luyện tinh thần vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Rèn luyện thần kinh không chỉ hiệu quả trong các môn thể thao chất lượng cao mà còn trong các môn thể thao giải trí và phục hồi chức năng cũng như liệu pháp thể thao."
Ông Lienhard đánh giá, ở những hạng mục mới này, có nhiều người bị rối loạn chuyển động và rèn luyện thần kinh có thể giúp ích. Đó là lý do tại sao ông Lienhard chắc chắn: "Chúng ta chỉ mới bắt đầu."