• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lo học sinh đứt bữa mùa lũ, thầy cô vùng cao đã làm gì?

Giáo dục 29/10/2018 21:20

(Tổ Quốc) - Lo ngại việc mưa bão khiến giao thông ách tắc, nguồn lương thực, thực phẩm sẽ không tiếp tế kịp, các trường đã lên phương án dự trữ đầy đủ tại các kho lương thực.

Tây Giang là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Năm nào đến mùa mưa bão thì thường xuyên xảy ra sạt lở, giao thông ách tắc, bà con đi lại khó khăn, đặc biệt việc vận chuyển lương thực thực phẩm cho các em học sinh trên địa bàn bị đứt đoạn.

Để không bị động, tránh tình trạng đứt bữa cho các em học sinh, nhiều trường học trên địa bàn huyện Tây Giang đã có sáng kiến thành lập kho dự trữ lương thực, thực phẩm. Hàng năm, cứ trước mùa mưa bão, nhà trường chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, gạo, mắm muối, đồ khô các loại…đề phòng mưa lũ gây tắc đường dài ngày.

Lo học sinh đứt bữa mùa lũ, thầy cô vùng cao đã làm gì? - Ảnh 1.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Tây Giang (xã Atiêng, huyện Tây Giang). Ảnh: Đức Hoàng

Lo học sinh đứt bữa mùa lũ, thầy cô vùng cao đã làm gì? - Ảnh 2.

Kho lương thực của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Tây Giang. Ảnh: Đức Hoàng

Kho lương thực của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Tây Giang (xã Atiêng, huyện Tây Giang) gần như đầy đủ các nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm từ giữa tháng 10/2018. Thầy Nguyễn Thanh Triều, Hiệu trưởng trường cho biết, tới mùa mưa bão, nhà trường chủ động việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho các em học sinh ít nhất được hơn nửa tháng.

"Nếu mưa bão lớn, gây sạt lở, tắc đường dài ngày thì việc chủ động có kho lương thực đã giải quyết được các ăn cho các em học sinh, không lo đói. Chúng tôi dự trữ dự kiến cho các em ăn đầy đủ trong vòng hơn 15 ngày", thầy Triều nói.

Thầy Nguyễn Thanh Triều, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Tây Giang nói về sự chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho các em học sinh trước mùa mưa bão.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang, trên địa bàn huyện có khoảng 2.300 em học sinh, với hai cấp Tiểu học và THCS, trong đó gần như 100% em học sinh là con em đồng bào dân tộc. Nhiều em thuộc diện hỗ trợ của nhà nước, nhưng cũng có rất nhiều em không thuộc diện hỗ trợ. Trong lúc đó, trường học xa nhà nên các em này vẫn được nhà trường hỗ trợ bán trú, hạn chế việc bỏ học giữa chừng.

Lo học sinh đứt bữa mùa lũ, thầy cô vùng cao đã làm gì? - Ảnh 4.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: Đức Hoàng

Lo học sinh đứt bữa mùa lũ, thầy cô vùng cao đã làm gì? - Ảnh 5.

Thầy Hồ Minh Quốc, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết dù gặp nhiều khó khăn nhưng trường cố gắng dự trữ lương thực trước mùa mưa bão cho các em học sinh. Ảnh: Đức Hoàng

Thầy Hồ Minh Quốc, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết, trong số 266 học sinh theo học tại trường thì chỉ có 6 em đủ tiêu chuẩn hỗ trợ của nhà nước, còn hơn 100 em phải bán trú nên việc chăm lo đời sống cho các em còn khó khăn.

Trước tình hình đó, nhà trường kêu gọi, tìm nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân, chính quyền xã, huyện…để mong dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm cho các em bán trú trong những ngày mưa bão.

Lo học sinh đứt bữa mùa lũ, thầy cô vùng cao đã làm gì? - Ảnh 6.

Các em học sinh bán trú, nội trú trên địa bàn Tây Giang. Ảnh: Đức Hoàng

Trao đổi với phóng viên, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang cho biết, dù địa bàn khó khăn, thường xuyên xảy ra sạt lở, ách tắc giao thông mùa mưa bão, nhưng việc dạy và học của thầy trò trên địa bàn vẫn đảm bảo, đặc biệt việc ăn ở của các em. Toàn ngành phấn đấu không để các em học sinh bị đứt bữa nếu xảy ra sự cố trong mùa mưa bão.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ