• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loạt quỹ nghìn tỷ của Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan giải ngân vào chứng khoán Việt: Sức hút được ví như "ngôi sao mới ở châu Á"

Kinh tế 22/01/2022 05:57

(Tổ Quốc) - "Việt Nam đang trở thành "ngôi sao mới ở châu Á" với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Tốc độ tăng trưởng EPS của Việt Nam vào năm 2022 ước tính đạt 23,4% và tỷ lệ P/E ước tính bằng 16,8 lần - mức định giá hấp dẫn nhất so với các nước châu Á nói chung".

Năm 2021, khối ngoại bán ròng hơn 2,3 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước đến nay. Khi những nhà đầu tư nước ngoài trước đây đạt mức lợi nhuận nhất định họ chốt lời là quy luật của thị trường. Tuy nhiên, khi những nhà đầu tư nước ngoài này chốt lời lại có những quỹ, nhà đầu tư nước ngoài mới "thế chân" đầy hứng khởi và đánh giá rất cao triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam.

"Ngôi sao mới ở châu Á"

Một loạt quỹ ngoại gần đây đã huy động được hàng nghìn tỷ để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam. 

Theo thông tin mới nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam chuẩn bị chào đón thêm một quỹ đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc) là quỹ Jih Sun Vietnam Opportunity Fund (JSV Fund). JSV Fund đã tiến hành IPO từ ngày 10/1/2022 với số vốn huy động ước tính khoảng 6 tỷ Đài tệ (tương ứng 5.000 tỷ đồng). Quỹ sẽ chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán vào ngày 26/1/2022.

Mục tiêu đầu tư của JSV Fund hướng tới tăng trưởng và tạo thu nhập ổn định trong dài hạn. Được biết, quỹ sẽ phải giải ngân ít nhất 50% tài sản trong vòng 6 tháng kể từ ngày thành lập; đồng thời đầu tư không thấp hơn 70% giá trị tài sản ròng (NAV) vào các cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam hoặc các chứng chỉ nước ngoài đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

JSV Fund đánh giá thị trường Việt Nam đang trở thành "ngôi sao mới ở châu Á" với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Tốc độ tăng trưởng EPS của Việt Nam vào năm 2022 ước tính đạt 23,4% và tỷ lệ P/E ước tính bằng 16,8 lần - mức định giá hấp dẫn nhất so với các nước châu Á nói chung.

Thực tế, chỉ số VN-Index của Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 35,7% thuộc hàng top thế giới, HNX-Index tăng trưởng cao nhất châu Á. Do đó đánh giá Việt Nam là "ngôi sao mới ở châu Á" cũng phù hợp với diễn biến đà tăng của chứng khoán. 

Quỹ này đánh giá những điều kiện thuận lợi từ kinh tế, dân số, dòng vốn nước ngoài và thị trường chứng khoán tạo nên tiềm năng tăng trưởng cho Việt Nam trong khoảng 10 năm tới, đặc biệt là mở ra dư địa cho thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở châu Á được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn là Moody's, S&P và Fitch nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm lên mức tích cực.

Trước đó, một quỹ lớn của Thái Lan là Quỹ B-VIETNAM đã thu hút giá trị đăng ký mua lên đến 1.759,59 triệu Baht, tương đương 1.192 tỷ đồng. Với quy mô vốn khoảng 2 tỷ baht (hơn 1.355 tỷ đồng), nhà đầu tư có thể mua chứng chỉ quỹ với giá trị tối thiểu là 500 baht (khoảng 339.000 đồng).

Danh mục của Quỹ tập trung đầu tư vào các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc xây dựng danh mục đầu tư của B-VIETNAM tập trung vào những cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng đô thị hóa đang ngày càng mở rộng, làn sóng phát triển công nghệ cũng như những lĩnh vực "ăn theo" từ dòng vốn đầu tư quốc tế. Các khoản đầu tư này chiếm tối thiểu 80% giá trị tài sản ròng của Quỹ.

Ông Peerapong, Giám đốc điều hành Bualuang Fund nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhân khẩu học là hai yếu tố thúc đẩy Việt Nam phát triển trong top đầu ASEAN. Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,5 - 7%/năm trong dài hạn. Ngoài ra, P/E các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình tại thị trường Việt Nam lần lượt là 13,2x và 9x. Trong khi mặt bằng chung của thị trường châu Á là 14-15x và P/E của Thái Lan ở mức 16x. Theo đó, chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá thấp nhất Đông Nam Á. Ngoài ra, EPS của cổ phiếu Việt Nam cũng cao hơn hầu hết các quốc gia ngoại trừ Philippines.

Cách đây 4 năm, Bualuang Securities cũng đã phát hành chứng chỉ lưu ký (DR) với tài sản là chứng chỉ quỹ DCVFM VN30 ETF (E1VFVN30 ETF). Hiện quy mô DR E1VFVN30 ETF mà Bualuang Securities nắm giữ vào khoảng 5.000 tỷ đồng, tương đương 1/2 danh mục quỹ DCVFM VN30 ETF.

Khẩu vị của các quỹ ngoại chủ yếu là Bluechips và bất động sản, công nghệ

Thời gian gần đây dòng vốn từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và một số nước châu Á có xu hướng tìm đến các thị trường chứng khoán non trẻ, còn nhiều dư địa phát triển. Hai quỹ lớn của Đài Loan đó là CTBC và Fubon FTSE Vietnam với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng đã và đang rót vốn vào Việt Nam. 

Hiện một số quỹ Thái Lan đang giải ngân vào thị trường Việt Nam có thể kể đến như K-Vietnam Equity Fund (NAV 3.500 tỷ đồng), ASP-Viet Fund (NAV 2.000 tỷ đồng) và các quỹ với quy mô nhỏ hơn khoảng 1.000 tỷ đồng như K-Vietnam Equity Fund, One Vietnam Fund, UVO Fund…

Hầu hết các quỹ đều có khẩu vị là những cổ phiếu bluechip có nội tại doanh nghiệp tốt. Chẳng hạn, danh mục giải ngân dự kiến của JSV Fund tới đây theo công bố chủ yếu vào ngành vật liệu xây dựng, bất động sản, ngân hàng và chứng khoán. Trong đó, top những khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất đến gồm bluechips HPG (9%), VHM (6%), MBB (5%), VCB (5%), KBC (4%), KDH (4%)...

Nói về xu hướng dòng vốn ngoại năm 2022, các chuyên gia của SSI đánh giá: "Năm 2022, với xu hướng chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới có sự phân kỳ, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là triển vọng tích cực, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn từ các quỹ đầu tư sẽ quay trở lại, đặc biệt là các quỹ ETF. Bên cạnh đó, việc triển khai T 0 và mô hình bù trừ thanh toán trung tâm - CCP dự kiến cũng sẽ là các yếu tố chính thúc đẩy thị trường trong năm 2022".

Theo kịch bản khả quan, việc triển khai T 0 và CCP có thể hỗ trợ cho khả năng nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi theo đánh giá của FTSE Russell Index được công bố vào tháng 9/2022.

Tính chung cả năm 2021, các quỹ ETF vẫn ghi nhận dòng vốn tích cực với giá trị ròng kỷ lục 13.460 tỷ đồng, tăng 130% so với năm 2020. Dòng tiền từ quỹ ETF chủ yếu sôi động trong 6 tháng đầu năm với sự đóng góp lớn từ quỹ ngoại mới Fubon ETF (Đài Loan) và quỹ nội Diamond ETF.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Founder FIDT đánh giá năm 2022 ngoại khối sẽ quay lại thị trường nhiều, dự sẽ là năm mua ròng. Việt Nam đang đi trên con đường xã hội hoá chứng khoán, tất yếu thị trường sẽ được nâng hạng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đưa thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng từ thị trường cận biên sang mới nổi.

Loạt quỹ nghìn tỷ của Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan giải ngân vào chứng khoán Việt: Sức hút được ví như ngôi sao mới ở châu Á - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Founder FIDT

"Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tới vài chục tỷ USD chứ không chỉ là vài trăm triệu USD như hiện nay nữa. Họ có thể không mua trên thị trường, mà mua các doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết. Số liệu đầu tư gián tiếp sẽ lớn, nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư nha khoa, bệnh viện, thẩm mỹ, đặc biệt nhóm bất động sản. Năm 2022 khối ngoại có thể trở lại mua ròng và khẩu vị sẽ là bluechips có nội tại doanh nghiệp tốt", ông Tuấn cho biết.

Bạch Huệ

NỔI BẬT TRANG CHỦ