(Tổ Quốc) - Nếu như có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chuyên môn thì đã không thể dẫn đến việc các doanh nghiệp hay nhà đầu tư lợi dụng để “trục lợi” một cách trắng trợn, mà câu chuyện thực tế tại Tập đoàn Lã Vọng là một ví dụ điển hình. Đáp án cho câu hỏi vì sao hàng loạt các dự án đắc địa của Thủ đô đều nằm gọn trong tay Tập đoàn này vẫn còn bỏ ngỏ.
- 21.11.2019 Công bố hàng loạt sai phạm trong 9 dự án của Tập đoàn Lã Vọng
- 04.08.2018 Thanh tra toàn diện các dự án của Công ty Lã Vọng
- 07.07.2018 Nguyên nhân nào khiến ông chủ Tập đoàn Lã Vọng thoái hết vốn?
- 14.06.2018 Ông chủ Tập đoàn Lã Vọng sở hữu tấm bằng tiến sĩ “ma“
- 14.06.2018 Thủ tướng chỉ đạo thanh tra loạt dự án “tai tiếng” của Tập đoàn Lã Vọng
Công ty Lã Vọng được TP Hà Nội "ưu ái" khi chỉ định nhiều dự án đầu tư
Sau hơn một năm kể từ ngày Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thanh tra các dự án của Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên (Tập đoàn Lã Vọng) trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến nay, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận về các sai phạm của Tập đoàn này.
Từ một doanh nghiệp không mấy tên tuổi ra đời năm 2003 chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng ăn uống, dịch vụ giải trí ở Hà Nội, năm 2008, Lã Vọng bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Louis Group (Louis Group) chuyên về mảng văn phòng, căn hộ và trung tâm thương mại cao cấp vào năm 2017. Ngay sau đó, Tập đoàn này đã được TP Hà Nội "ưu ái" đặc biệt khi chỉ định nhiều dự án đầu tư.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy 9 dự án do Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên đầu tư đều có chung một công thức: chỉ định đầu tư dự án BT - đổi đất lấy hạ tầng - qua đó dần sở hữu các khu đất ở đô thị, các khu đô thị có giá trị tại Hà Nội.
Trong số 9 dự án đã được thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng, có 5 dự án do Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên thực hiện làm chủ đầu tư; 4 dự án khác thực hiện hợp tác đầu tư và thuê mặt bằng kinh doanh. Hầu hết các dự án được thanh tra đều phát hiện có vi phạm, với nhiều mức độ.
Đơn cử, tại dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng (quận Long Biên), Thanh tra Chính phủ phát hiện việc triển khai nạo vét hồ và một số hạng mục phụ trợ theo phương án vừa thiết kế vừa thi công, thiếu phê duyệt dự án, tổng mức đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công- dự toán công trình trước khi thi công.
Tổng mức đầu tư của dự án này trong giai đoạn 1 dự kiến hơn 60,6 tỉ đồng, nhưng Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới (công ty thành viên của Lã Vọng) thực hiện khối lượng 30 tỉ đồng, số còn lại không bố trí được nguồn vốn để thực hiện là vi phạm Nghị định 12/2009 của Chính phủ.
Giai đoạn 2 của dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư xã hội hoá. Việc TP Hà Nội giao cho Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới được sử dụng 5% quỹ đất tương đương với trên 1.148 m2 đất công trình dịch vụ và 1.117 m2 đất bãi đỗ xe phù hợp với Nghị quyết số 16/2013 của HĐND về khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, khi phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND TP Hà Nội chưa phê duyệt kinh phí giải phóng mặt bằng làm căn cứ thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án. Đến thời điểm thanh tra dự án mới thực hiện công tác lập, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, chưa triển khai thực hiện dự án.
New House Xa La cũng là một dự án lùm xùm của Công ty Lã Vọng khi doanh nghiệp này ký kết với Công ty đầu tư phát triển thuỷ lợi Sông Nhuệ (Công ty Sông Nhuệ - một doanh nghiệp nhà nước) thực hiện dự án trụ sở làm việc (cơ sở 2 tại khu đô thị Xa La) và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại.
Đến năm 2015, Công ty Sông Nhuệ đã ký một Hợp đồng ủy quyền toàn diện cho Công ty Ngôi Nhà Mới thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Đáng nói là hiện dự án đã xây xong nhưng Công ty Sông Nhuệ vẫn phải đi thuê mặt bằng để làm trụ sở làm việc.
Mặc dù trước đó dự án triển khai với tên gọi trụ sở làm việc và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại, nhưng khi hoàn thành thì Công ty Sông Nhuệ bị "đẩy" ra khỏi chính khu đất của mình. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về việc có hay không "con bạch tuộc" mang tên Lã Vọng đang vươn vòi thâu tóm dần dần các khu đất đắc địa của Thủ đô?
Cũng theo kết luận thanh tra, trong 9 dự án liên quan đến Công ty Lã Vọng, có 3 dự án thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng trong các năm 2017-2018, việc kê khai và nộp thuế của 3 dự án này là 217 tỉ đồng/2.913 tỉ đồng tổng doanh thu.
Ai đã tiếp tay để tài sản công rơi vào tay doanh nghiệp?
Việc hàng loạt khu đất đắc địa tại nhiều khu vực của Thủ đô Hà Nội "nằm gọn" trong tay Công ty Lã Vọng một cách mập mờ đã khiến dư luận dậy sóng. Báo chí cũng liên tiếp đưa tin về sự thiếu minh bạch này.
Câu hỏi đặt ra là tại sao doanh nghiệp này lại dễ dàng "thâu tóm" nhiều khu đất "vàng" đến thế? Thế lực nào đã "tiếp tay" để tài sản công rơi vào tay doanh nghiệp đơn giản như vậy?
Cũng cần phải nhắc lại rằng, trước khi lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, Lã Vọng đã có trong tay chuỗi những dự án, nhà hàng ăn nhậu, như: Lake View bán đảo Hoàng Cầu, Hà Nội; Nhà hàng Sashimi BBQ Garden, Nhà hàng Thế Giới Beer Lã Vọng, số 169 Hoàng Ngân, quận Cầu Giấy; Nhà hàng Hải sản Lã Vọng số 2A Nguyễn Thị Thập, quận Cầu Giấy; Nhà hàng Hầm Beer Lã Vọng, số 2C Nguyễn Thị Thập, quận Cầu Giấy…
Những nhà hàng nói trên đều toạ lạc tại các khu đất "vàng" vốn được quy hoạch làm bãi đỗ xe, cây xanh, vườn hoa kết hợp với dịch vụ công cộng...
Chẳng hạn, tại khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, nơi có mật độ dân số cao nhất Hà Nội bỗng "mọc" lên sừng sững một hệ thống nhà hàng ăn uống hoành tráng, mang tên "Thế giới bia Lã Vọng".
Được biết, mặc dù lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã vào cuộc, có chỉ thị yêu cầu xử lý để quy hoạch làm bãi đỗ xe, cây xanh theo đúng thiết kế ban đầu, nhưng nhà hàng vẫn ngang nhiên hoạt động.
Lã Vọng đang dựa vào ai mà ngang nhiên, bất chấp như vậy?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018 hồi tháng 1/2018 từng nhấn mạnh "Bán nhà công sản cho Vũ Nhôm ở Đà Nẵng, Nhà nước được gì?". Ông kiên quyết: "Phải chặt đứt nhóm hưởng lợi trên tài sản công".
Như vậy, nhìn lại hàng loạt dự án mà Lã Vọng đang thâu tóm, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Hà Nội được gì khi nhiều khu đất "vàng" rơi vào tay Lã Vọng? Còn bao nhiêu những sự việc như Lã Vọng, như Vũ Nhôm... chưa bị phát hiện?
Hồi tháng 11/2018, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019. Ông thẳng thắn cho biết 'mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra...
Qua các vụ án đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các "nhóm lợi ích" nhằm thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng...".
Trên thực tế, không phải không có tình trạng doanh nghiệp là sân sau của một số quan chức, cùng cộng sinh thâu tóm, lũng đoạn bằng nhiều thủ đoạn, mưu mô, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì lợi ích nhóm, cánh hẩu. Hành vi thâu tóm đất đai đã tàn phá nát cả qui hoạch tổng thể của đất nước, gây nguy hại lớn lao và lâu dài.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính từng nói: "Đất không thể tự "nở" ra nên cần phải xem xét, tính toán sử dụng nó như thế nào để có giá trị nhất cho cộng đồng".
Trong tổng số 9 dự án đã thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, có 5 dự án do của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng làm chủ đầu tư, gồm: dự án tại 5 ô đất Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng; Dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng, quận Long Biên giai đoạn 1 và giai đoạn 2; Dự án Cải tạo và xây dựng Hệ thống cống nối hồ Vục – hồ Đầu Băng – hồ Tư Đình theo hình thức hợp đồng BT; Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà ở trên diện tích 14,5 ha; Dự án khu nhà ở cao cấp tại khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai
Ba dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và đơn vị thành viên tham gia hợp tác gồm: Dự án trụ sở làm việc cơ sở 2 và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại tại Xa La, Hà Đông; Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 (dự kiến, chưa có quyết định lựa chọn nhà đầu tư); dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai...