• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lợi ích cá nhân trong cổ phần hóa: Cục trưởng Đặng Quyết Tiến nói gì?

Kinh tế 27/08/2019 08:25

(Tổ Quốc) - "Lợi ích cá nhân chỉ xuất hiện trên cơ sở thực hiện không đúng pháp luật. Hiện Đảng, Nhà nước, Chính phủ quyết tâm thiết chế lại pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chưa đúng pháp luật thì phải chỉnh đốn lại sao cho đúng. Còn nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng thì tất yếu sẽ xảy ra những rủi ro và phải chịu trách nhiệm", ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chia sẻ.

Tiến độ triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch và gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

Đến nay, mới hoàn thành cổ phần hóa 35/127 doanh nghiệp, đạt 27,5% danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 991; hoàn thành bán vốn nhà nước tại 88/403 doanh nghiệp, đạt 21,8% danh mục doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg.

Phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) về vấn đề này:

- Thưa ông, đến thời điểm này thì khó khăn nhất trong cổ phần hóa DNNN là gì?

Ông Đặng Quyết Tiến: Đó là khâu tổ chức thực hiện. Đây là khâu vô cùng quan trọng. Mỗi doanh nghiệp đều vướng vào những thứ rất đặc thù. Có những doanh nghiệp sẽ nói rằng "đặc thù của tôi nó khác", có những doanh nghiệp vướng về lĩnh vực đất đai. Cơ chế nói là phải tính đúng, tính đủ, đúng pháp luật, công khai minh bạch nhưng doanh nghiệp đã đúng hết chưa? 

IMG_9943

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính).

Có những doanh nghiệp nói "cho phép chúng tôi bán doanh nghiệp mà khi đất đai chúng tôi chưa được xác lập đầy đủ về pháp lý, chưa đứng tên của mình, chưa hoàn thiện hồ sơ"... thì như vậy có làm đúng không? Đây cũng là điều mà chúng ta cần phải lưu ý và rút ra.

Theo tôi, nếu các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật, ví như đất của doanh nghiệp đã được xác lập rõ ràng quyền sở hữu thì việc định giá doanh nghiệp sẽ không còn là chuyện nhanh hay chậm.

Tóm lại, cơ sở pháp lý không xong thì biết làm thế nào? Một người chưa được làm giấy khai sinh thì sao mà đi giao dịch được.

-Ông có thể chia sẻ rõ hơn về sự chây ì này?

Ông Đặng Quyết Tiến: Chây ì ở đây là do trong quá trình tổ chức thực hiện chứ không phải là do cơ chế. Cơ chế không vướng gì cả. Vì thế, doanh nghiệp phải hiểu rõ trách nhiệm của mình là tuân thủ quy định về pháp luật, hãy làm đúng pháp luật đi. Nếu doanh nghiệp làm đúng pháp luật nhưng vẫn không phù hợp với thực tiễn thì sẽ kiến nghị để sửa.

Tôi cho rằng, giải pháp đưa ra nằm ở hai góc độ, đó là quan điểm nhận thức và doanh nghiệp có quyết tâm thực hiện tái cơ cấu hay không? Nếu đi đăng ký đất đai thì thủ tục hành chính theo quy định đất đai đã rõ rồi, trách nhiệm của UBND, trách nhiệm của cơ quan đại diện sở hữu, của doanh nghiệp phải như thế nào cũng rõ rồi. Không thể nói "anh đừng cho làm đất đai nữa, cho bán vốn đi rồi đất đai để tính năm sau" bởi năm sau rồi lại sẽ rơi vào bài toán như trước đó là một khi đất đai chưa rõ ràng thì bán ra sẽ bị thất thoát.

-Liệu lợi ích cá nhân có phải là một trong những nguyên nhân, thưa ông?

Ông Đặng Quyết Tiến: Lợi ích cá nhân chỉ xuất hiện trên cơ sở thực hiện không đúng pháp luật. Hiện Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quyết tâm thiết chế lại pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chưa đúng pháp luật thì phải chỉnh đốn lại sao cho đúng pháp luật. Còn nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng pháp luật thì tất yếu sẽ xảy ra những rủi ro và phải chịu trách nhiệm.

-Một trong những vướng mắc đó là định giá doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đặng Quyết Tiến: Theo quy định, định giá doanh nghiệp đã giao cho các doanh nghiệp thẩm định giá tự chủ động theo thị trường. "Anh" là đơn  vị chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực đấy thì anh phải thực hiện, chứ Bộ Tài chính không quy định cứng, không gò bó, xét duyệt "anh" trong danh mục như trước đây nữa mà mở ra cơ chế là "anh" đủ tiêu chí, năng lực thì thực hiện. 

Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào việc các tư vấn thẩm định làm đúng quy định không? có đủ năng lực, kinh nghiệm để làm không? có đủ thuyết phục để đưa ra sản phẩm cuối cùng không? 

- Để đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu DNNN, theo ông, vai trò của các cơ quan quản lý thời gian tới phải như thế nào?

Ông Đặng Quyết Tiến: Các cơ quan quản lý phải chủ động lắng nghe để sửa cơ chế sao cho phù hợp với thực tiễn. Một khi cơ chế đã phù hợp với thực tiễn rồi thì phải có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện sao cho đúng, và phải chỉ ra được trách nhiệm thuộc về ai? Cơ quan nào? Trách nhiệm của doanh nghiệp? của người đứng đầu doanh nghiệp?  

Trên thực tế, thời gian qua, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường…

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ