(Tổ Quốc)- Hiện nhiều doanh nghiệp lữ hành đang cấp tập triển khai nhiều giải pháp để có đủ số lượng HDV du lịch đáp ứng tiêu chuẩn hành nghề theo quy định của Luật Du lịch 2017.
- 22.01.2018 Choáng ngợp trước Kim tự tháp Giza
- 22.01.2018 Pha hạ cánh thót tim của Eurowings giữa gió ngược 112km/h
- 23.01.2018 Khai mạc Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 47
- 23.01.2018 Bộ VHTTDL ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017
- 23.01.2018 Quản lý nhà hàng ở Đà Nẵng nói gì khi bị ekip của ca sĩ Quang Lê tố “chặt chém”?
Doanh nghiệp tìm mọi kế để có HDV đủ tiêu chuẩn hành nghề
Hiện nay, cả nước có khoảng 20 ngàn hướng dẫn viên (HDV) du lịch nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, theo một khảo sát gần đây của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chỉ có khoảng chưa đầy 5% HDV nằm trong các công ty du lịch, 95% còn lại gần như hoạt động tự do, không thuộc quân số đơn vị nào. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý HDV cũng như ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực HDV du lịch.
Theo Luật Du lịch 2017, HDV chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện sau: (1) Có thẻ HDV du lịch; (2) Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; (3) Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch.
Nhằm khắc phục những vấn đề này, Luật Du lịch năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) đã dành hẳn một chương để quy định về HDV du lịch với nhiều nội dung mới nhằm tạo điều kiện hành nghề cũng như bảo vệ quyền lợi của hướng dẫn viên và các đối tượng liên quan, tránh tình trạng hướng dẫn viên du lịch hoạt động không phép, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Để đảm bảo thực hiện đúng Luật Du lịch 2017, hầu hết doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là DN lữ hành quốc tế đã phải cấp tập triển khai các giải pháp để có đủ lượng HDV du lịch đủ tiêu chuẩn hành nghề theo Luật Du lịch 2017 phục vụ khách hàng. Điều này không phải là một việc dễ dàng khi mà trước đó hầu hết HDV hoạt động tự do.
Để đảm bảo thực hiện đúng Luật Du lịch 2017, hầu hết doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là DN lữ hành quốc tế đã phải cấp tập triển khai các giải pháp để có đủ lượng HDV du lịch đủ tiêu chuẩn hành nghề theo Luật Du lịch 2017 (Ảnh minh họa: Hoàng Hà) |
Ông Vũ Văn Tuyên – Giám đốc Công ty du lịch Travellogy – một doanh nghiệp chuyên đưa khách Pháp vào Việt Nam cho biết, do đặc thù khách Pháp thường đặt tour trước một năm, do vậy, khi Luật Du lịch 2017 được thông qua vào tháng 6/2017 và có hiệu lực từ 1/1/2018, doanh nghiệp này đã gặp khó khăn trong việc điều tiết lượng HDV tiếng Pháp đủ tiêu chuẩn theo quy định mới. Đặc biệt là khi thời điểm này đang là mùa cao điểm khách Pháp vào Việt Nam, song lượng HDV tiếng Pháp đủ cả 3 tiêu chuẩn theo Luật Du lịch 2017 lại không nhiều. “Ở thời điểm này, lượng HDV của chúng tôi không đủ để đáp ứng nhu cầu khách. Hiện tại, công ty tôi có khoảng 20% HDV cơ hữu của công ty hoặc thuộc các Chi hội, Hội HDV, còn lại có đến 80% hướng dẫn viên chưa thuộc đơn vị nào” – ông Tuyên cho hay.
Để có thể có nguồn HDV đủ chuyên môn và đủ tiêu chuẩn hành nghề, doanh nghiệp này mới đây đã tham gia ký kết Thỏa thuận hợp tác với Chi hội HDV du lịch Hà Nội- đơn vị vừa ra mắt. Theo thỏa thuận này, các doanh nghiệp lữ hành sẽ ưu tiên sử dụng hướng dẫn viên là thành viên của Chi hội và ngược lại, Chi hội HDV du lịch Hà Nội sẽ ưu tiên cung ứng nguồn nhân lực HDV đảm bảo đủ tiêu chuẩn hành nghề cho các doanh nghiệp lữ hành tham gia ký kết. Tuy nhiên, theo ông Tuyên, lượng HDV, đặc biệt là HDV tiếng Pháp tham gia Chi hội HDV du lịch Hà Nội còn hạn chế, do vậy doanh nghiệp vẫn đối mặt với việc thiếu HDV.
Ông Tuyên cho rằng, hiện nay, nhiều HDV còn chưa hiểu rõ được lợi ích của việc tham gia các Chi hội, Hội HDV. Các HDV được quyền tham gia vào 3 tổ chức: Doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp cung ứng HDV hoặc các chi hội nghề nghiệp về HDV. Trong đó, việc tham gia vào các Chi hội HDV là điều dễ dàng nhất và chi phí tham gia cũng không quá lớn. Việc các HDV tham gia vào các Chi hội sẽ giúp rất nhiều cho chính HDV và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lữ hành có thể thông qua danh sách của các Chi hội HDV để mời HDV tham gia tour, bố trí tour, còn HDV sẽ có cơ hội học hỏi, giao lưu trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện của các chi hội.
Trong khi đó, nhờ có sự chuẩn bị sớm từ trước khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực, Công ty du lịch Transviet Travel không lâm vào tình cảnh thiếu HDV đủ tiêu chuẩn hành nghề. Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet Travel cho hay, trước khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực, doanh nghiệp này đã tổ chức họp mặt đội ngũ HDV thường xuyên đi tour của Transviet, từ HDV cơ hữu đến HDV hợp đồng sự vụ để phổ biến quy định về tiêu chuẩn hành nghề của HDV, đồng thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc và động viên mọi người tham gia HDV du lịch.
Cũng theo ông Đạt, Transviet cũng đã quyết định hỗ trợ toàn phần hoặc một phần phí tham gia Hội HDV du lịch Việt Nam cho những HDV có đóng góp cho công ty để động viên tinh thần HDV tham gia các chi hội, Hội HDV du lịch. Điều này đã giúp cho doanh nghiệp không bị động trong việc điều tiết HDV khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực.
Sẽ không mời HDV thiếu tiêu chuẩn hành nghề
Ngoài việc triển khai các giải pháp để có đủ HDV đáp ứng yêu cầu theo quy định, hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều khẳng định sẽ thực hiện đúng Luật Du lịch 2017 và cam kết sẽ không mời những HDV không đáp ứng đủ tiêu chuẩn hành nghề theo quy định mới.
“Chúng tôi cảnh báo với HDV là công ty sẽ áp dụng đúng Luật Du lịch. Nếu HDV không đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hành nghề, chúng tôi sẽ không ưu tiên mời những HDV đó. Đồng thời, chúng tôi sẽ dồn việc cho những HDV đủ tiêu chuẩn hành nghề. Nếu công ty cử HDV không đáp ứng yêu cầu của pháp luật thì cũng bị xử phạt vì vi phạm quy định của pháp luật. Do vậy, tại sao chúng ta không cùng nhau chấp hành tốt Luật Du lịch mới.” –ông Đạt cho hay.
Hơn nữa, theo ông Vũ Văn Tuyên, quy định mới về tiêu chuẩn hành nghề HDV của Luật Du lịch 2017 thực ra có lợi cho các doanh nghiệp lữ hành, tránh trường hợp khi có sự vụ cần liên lạc với HDV lại không được. “Các HDV cũng cần hiểu rằng, Luật Du lịch đã có hiệu lực, các công ty lữ hành cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi của khách hàng cũng như của công ty mình. Do vậy, chúng tôi sẽ ưu tiên gọi những HDV có tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp bởi tổ chức này sẽ là cơ sở bảo đảm cho chúng tôi và đảm bảo quyền lợi của khách hàng” - ông Tuyên chia sẻ.
Để việc triển khai quy định Luật Du lịch 2017 về điều kiện hành nghề HDV thuận lợi, bà Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc điều hành Vietrantour đề xuất, cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng quy định điều kiện hành nghề HDV, tuyên truyền, quán triệt cho các doanh nghiệp lữ hành, các công ty chuyên cung cấp HDV, Hiệp hội ngành nghề HDV. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động của HDV tại các địa bàn du lịch trọng điểm, các điểm tập trung đông HDV hoạt động.
Theo bà Huyền, các doanh nghiệp lữ hành không nên bao che, móc nối với các HDV không đảm bảo điều kiện hành nghề, thiếu đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, nên phát triển mô hình đội ngũ HDV “đa năng” (đảm đương được cả 3 mảng inbound, outbound, nội địa) để cung cấp nhân lực vận hành tour chất lượng đồng thời đảm bảo công việc được duy trì ổn định suốt năm.
Được biết, ngày 15/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL về việc Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017, trong đó dành riêng một chương quy định rõ về HDV du lịch./.