(Tổ Quốc) - Tự chủ đại học là xu thế chung trong quá trình phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam, tuy nhiên quá trình thực hiện quyền tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết.
- 09.11.2020 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý
- 19.08.2020 Tìm ý tưởng, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về tự chủ trong giáo dục đại học
- 22.04.2020 Bộ Giáo dục đề xuất từ năm nay sẽ tổ chức kỳ thi xét tốt nghiệp THPT và giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học
- 07.01.2020 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Mở rộng quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình
- 14.09.2019 Nên hiểu thế nào về học phí của các trường đại học tự chủ?
Nhiều tồn tại trong quá trình thực hiện tự chủ đại học
Tại buổi giao lưu trực tuyến "Giáo dục Việt Nam thăng hạng: Thành công nhờ nỗ lực", ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ, "thúc đẩy và mở rộng tự chủ đại học, tăng cường hội nhập quốc tế là tất yếu. Tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng".
Năm học 2019-2020, quyền tự chủ cho các trường trong đào tạo, nhân sự và tài chính... đã được đẩy mạnh thông qua việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), quy định về tự chủ, đặc biệt là tự chủ trong chuyên môn đã được quy định khá rõ. Cùng đó, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn triển khai một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Thế nhưng, một số lĩnh vực khác trong hoạt động của nhà trường lại được quy định bởi các luật khác nhau. Như vấn đề tài chính, tài sản thì theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước. Nghiên cứu khoa học thì được quy định bởi Luật Khoa học và Công nghệ, Luật chuyển giao Khoa học công nghệ. Nhân sự thì theo quy định của Luật Viên chức, Luật Cán bộ, công chức. Những luật này chưa được sửa đổi đồng bộ, trở thành rào cản các trường thực hiện tự chủ đại học
Theo ông Phạm Tất Thắng cho rằng, muốn các trường thực sự tự chủ thì những quy định trong các luật có liên quan phải được sửa đổi đồng bộ. Hoặc ban hành một Luật để sửa các luật có liên quan, giống như Quốc hội đã làm với Luật Quy hoạch, thì lúc đó cơ sở giáo dục đại học mới thực sự được tự chủ theo đúng nghĩa.
Nói rõ hơn về những tác động của Luật và Nghị định đối với vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng cho biết, các cơ sở GDĐH được hoàn toàn tự chủ trong thực hiện các nhiệm vụ như mở ngành đào tạo, công tác tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, tự chủ về bộ máy và nhân sự, tự chủ về tài chính… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tự chủ vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Như về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, một số trường mở mã ngành mới nhưng không đủ điều kiện về giảng viên cơ hữu nên chất lượng đào tạo còn chưa tương xứng với dịch vụ cung cấp.
Một số trường chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường theo quy định, chưa thành lập Hội đồng trường, chưa ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường, hình thức hoạt động của Hội đồng trường chủ yếu bằng các cuộc họp, vai trò định hướng phát triển, giám sát của Hội đồng trường khá mờ nhạt.
Nhiều trường chưa thực hiện quyền tự chủ do vẫn được "bao cấp"
Một số nguyên nhân khiến các trường đại học chưa mạnh dạn thực hiện tự chủ được chỉ ra như: đang trong quá trình chuyển đổi về phương thức quản lý, quản trị nhà trường. Hoặc khi các trường còn được "bao cấp" thì động lực thực hiện tự chủ sẽ hạn chế. Tự chủ là sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, vất vả hơn, đặc biệt với bộ máy quản lý…
Thêm vào đó, các lĩnh vực khác như về nhân sự, tài chính, tài sản… thì vẫn còn vướng do quy định của các luật khác. Đây chính là rào cản lớn nhất hiện nay để các trường có thể thực sự được tự chủ.
Với các lĩnh vực hoạt động của nhà trường, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học cởi trói và quy định khá rõ về tự chủ chuyên môn. Còn về tài sản, nhà trường phải thực hiện theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, mà tinh thần của Luật này lại chưa cho phép các cơ sở được tự chủ trong việc sử dụng tài sản.
"Câu chuyện tự chủ của các cơ sở GDĐH chỉ thực hiện được một cách đầy đủ khi sửa đổi đồng bộ các quy định ở các Luật có liên quan", ông Phạm Tất Thắng cho hay.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng chỉ ra một số hạn chế như nhận thức và quyết tâm thực hiện tự chủ của một số trường chưa đồng đều và chưa cao dẫn đến có trường thực hiện tự chủ khá tốt, có trường vẫn chưa bắt tay vào thực hiện tự chủ…
Để các cơ sở GDĐT thực hiện tốt tự chủ, nếu thực hiện đúng vai trò quản lý, bản thân các cơ quan cấp trên cũng phải nhận thức đúng và giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH trực thuộc một cách đầy đủ. Cơ quan quản lý không cần và không nên can thiệp sâu vào hoạt động của nhà trường mà để nhà trường phát huy quyền tự chủ.
"Với thể chế của chúng ta, việc có một cơ quan quản lý là điều bình thường và là đương nhiên. Vấn đề là bản thân các cơ quan quản lý và chính các cơ sở GDĐH đón nhận, ứng xử và thực hiện như thế nào về tự chủ của cơ sở GDĐH", ông Thắng nhận định.