• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Cụ thể hoá việc lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm

Thời sự 06/12/2022 08:35

(Tổ Quốc) - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định rõ các biện pháp về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, giúp đỡ người bị bạo lực gia đình. Người bị bạo lực gia đình được xác định là đối tượng trung tâm trong xây dựng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ.

Văn phòng Chủ tịch nước vừa tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, trong đó có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Trước đó, ngày 14/11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, với tuyệt đại đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Luật gồm 6 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Cụ thể hóa việc lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy giới thiệu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 - Ảnh: Nguyễn Đức

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án Luật trình các cấp có thẩm quyền, Bộ VHTTDL đã nhận được sự đồng thuận cao, tạo điều kiện rất lớn từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền.

Trong đó, một trong những đồng thuận khiến Bộ VHTTDL rất vui mừng đó là phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm.

Theo đó, Luật quy định, điều chỉnh các hành vi trên nguyên tắc bảo vệ tối đa người bị bạo lực gia đình với tư cách là chủ thể quyền được xác định theo Hiến pháp năm 2013 mà không bị giới hạn bởi bất kỳ một yếu tố nào về vị trí trong gia đình, giới tính, phong tục, tập quán và địa vị xã hội...

Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan xoay quanh trách nhiệm bảo vệ người bị bạo lực, đặc biệt là đối tượng đặc thù, yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật; ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình.

Cụ thể, khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc.

"Đơn cử như việc quy định người bị bạo lực gia đình không phải viết đơn khi yêu cầu cấm tiếp xúc, và khi thực hiện quyết định cấm tiếp xúc thì được lựa chọn chỗ ở hay Chủ tịch UBND cấp xã có thể tự ban hành quyết định cấm tiếp xúc trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình có nguy cơ xâm hại đến tính mạng của người bị bạo lực gia đình. Đó là những biện pháp đã cụ thể hóa việc lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho hay.

Về nguyên tắc "phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực là trung tâm", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, đây là nguyên tắc xuyên suốt trong các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình.

Quy định về các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình là nội dung cốt lõi của Luật. Những vấn đề này được thể hiện rõ ở chương II và chương III với các biện pháp cụ thể, đặc biệt là biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực.

Luật đã hoàn thiện hơn các biện pháp đang áp dụng trong thực tiễn, đồng thời đưa ra các biện pháp mới như: Biện pháp yêu cầu người bạo hành gia đình đến trụ sở công an xã nơi xảy ra bạo lực gia đình hay biện pháp phải thực hiện công việc phục vụ lợi ích cộng đồng.

"Việc yêu cầu này vừa là biện pháp ngăn chặn và bảo vệ người bị bạo lực gia đình, đồng thời cũng là biện pháp phòng ngừa chủ động nhằm ngăn ngừa hành vi bạo lực gia đình tiếp diễn. Ngoài ra, để đảm bảo các biện pháp này có tính khả thi cao trong thực tiễn, Luật còn quy định một chương riêng về điều kiện đảm bảo với các quy định về nguồn tài chính, cơ chế phối hợp liên ngành, hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho hay.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Cụ thể hóa việc lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm - Ảnh 2.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa việc lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm (Ảnh minh hoạ)

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Bộ VHTTDL sẽ tích cực tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm như: Ban hành hệ thống các văn bản quy định chi tiết như Nghị định quy định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Phối hợp với Bộ Công an để sửa đổi Nghị định 144 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự nhằm bảo đảm hệ thống chế tài tương ứng với những quy định mới của Luật.

Bộ cũng triển khai Kế hoạch tuyên truyền rộng rãi đến mọi tổ chức, cá nhân về những nội dung của Luật, đặc biệt là các quy định mới. Hướng dẫn chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân dành nguồn lực theo đúng quy định của Luật để triển khai công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình trình Thủ tướng Chính phủ nhằm thống nhất trong nhận thức và hành động để triển khai tốt trong thực tiễn; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Luật trong thời gian tới.

Ngoài việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ VHTTDL cũng sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trong việc chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm triển khai Luật được phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và đi vào cuộc sống ngay khi Luật có hiệu lực thi hành./.

Trương Huyền

NỔI BẬT TRANG CHỦ