(Tổ Quốc) - Liên quan đến việc VEC E quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện có biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác, mới đây nhiều ý kiến của luật sư cho rằng đơn vị này không có quyền cấm phục vụ vĩnh viễn đối với 2 xe ô tô vi phạm.
Hình minh họa: Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây
Ngày 11/2, ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết đơn vị này vừa quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện có biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Về lý do từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện có biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác, ông Nguyễn Viết Tân cho hay, 2 phương tiện này đã có các hành vi vi phạm các quy định theo quyết định 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Theo ý kiến của các luật sư, việc "từ chối phục vụ vĩnh viễn" tại tuyến đường cao tốc cũng giống như "lệnh cấm lưu thông" vào đường cao tốc đối với các phương tiện đó. Trong khi, VEC hay VEC E không có thẩm quyền này. Bởi VEC hay VEC E chỉ là đơn vị khai thác, đầu tư xây dựng và quản lý, bảo trì công trình đường cao tốc, có quyền lợi và nghĩa vụ trên cơ sở hợp đồng, không có chức năng và thẩm quyền quản lý Nhà nước đối với việc khai thác, quản lý đường cao tốc; không có thẩm quyền xử phạt vi phạm…
Cũng theo ý kiến của các luật sư, trong trường hợp VEC hay VEC E cho rằng 2 xe ô tô 51A-55850 và 51G-77256 đã có hành vi gây rối, vi phạm pháp luật, vi phạm luật giao thông đường bộ thì có thể thông báo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm theo quy định chứ không có quyền ra quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn./.