(Tổ Quốc) - Sáng 26/3, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hội nghị đã nghe báo cáo và thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội để chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 54 điều; giảm 5 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã báo cáo 7 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến.
Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung cơ chế giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng pháp luật (trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau nhưng có quy định khác về cùng một vấn đề với Luật Thủ đô) theo đề nghị của Chính phủ. Quy định này bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển và cũng phù hợp với thẩm quyền giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với tổ chức chính quyền đô thị, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của cả nước.
Riêng đối với nội dung phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền thành phố Hà Nội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và thành phố Hà Nội đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao HĐND thành phố quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ nhằm xây dựng, kiện toàn được bộ máy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền bổ sung.
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đang được chỉnh lý theo hướng thể hiện rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng động lực phía Bắc và cả nước; xác định ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được triển khai trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, không chỉ giới hạn trong vùng Thủ đô nhằm phát huy tối đa khả năng, lợi thế của các địa phương và vai trò dẫn dắt, kết nối của Thủ đô Hà Nội, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của từng địa phương và cả nước, phù hợp với xu thế phát triển theo chuỗi giá trị hiện nay.
Nhiều nội dung về phát triển văn hoá, thể thao chưa được quy định cụ thể
Tại Hội nghị, nêu ý kiến thảo luận về vấn đề phát triển văn hoá, thể thao (Điều 21), đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, đang có quá nhiều nội dung được đưa vào Điều 21, trong đó có những nội dung còn xác định chung chung, chưa cụ thể, cần được tách ra để quy định rõ ràng hơn.
Cụ thể, tại Điểm 3 có quy định chung về Di sản vật thể và Di sản phi vật thể, theo đại biểu, cần tách hai nội dung về Di sản vật thể và Di sản phi vật thể để quy định cụ thể hơn. Bên cạnh đó, nội dung "Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây" cũng cần phải được xác định rõ và chi tiết.
Đối với nội dung bảo tồn "Biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị" thì cần có tiêu chí cụ thể để đánh giá, xác định thế nào là biệt thự cũ, công trình có giá trị. Ngoài ra, ở Hà Nội cũng còn rất nhiều các bảo tàng, cũng cần được bổ sung thêm vào nội dung này.
Liên quan đến nội dung về "Khu Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh", đại biểu cho rằng cũng cần được rà soát lại đã đầy đủ chưa.
Đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đặc biệt là những nội dung liên quan đến phát triển văn hoá, đại biểu Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến phát triển văn hóa không chỉ có ở thủ đô mà còn là những vấn đề chung của đát nước.
Đại biểu bày tỏ mong muốn một số chính sách, giải pháp đặc thù cho phát triển văn hóa thủ đô cũng sẽ được áp dụng cho những thiết chế, hoạt động văn hóa ở trên địa bàn thủ đô.
Cụ thể, ở Điều 39 về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mới chỉ áp dụng cho các dự án "của Hà Nội", đại biểu đề nghị phạm vi áp dụng sẽ được mở rộng hơn cho các dự án, công trình khác "ở Hà Nội" để giải quyết các bức xúc ở các dự án này (như ở sân vận động Mỹ Đình hay Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam).
"Hợp tác công tư thực sự có ý nghĩa có thể giải quyết vấn đề ở các dự án này, và chúng ta không nên chờ đợi sửa luật PPP mà nên áp dụng ngay cho các công trình ở trên địa bàn Hà Nội", đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị.