• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Luật Tư pháp người chưa thành niên: Đảm bảo quy định đủ nghiêm khắc, đủ nhân văn với người chưa thành niên phạm tội

Thời sự 21/06/2024 16:43

(Tổ Quốc) - Ngày 21/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đảm bảo quy định đủ nghiêm khắc, đủ nhân văn 

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là nhằm: Hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; Tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; Thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; Thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; Tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.

Dự thảo Luật có bố cục gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Luật Tư pháp người chưa thành niên: Đảm bảo quy định đủ nghiêm khắc, đủ nhân văn với người chưa thành niên phạm tội - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Qua thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng các quy định phù hợp với đặc thù lứa tuổi, tâm lý của người chưa thành niên, khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với xu hướng chung và thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đồng tình với quan điểm cho rằng việc xây dựng một hệ thống quy định pháp luật về tư pháp với người chưa thành nhiên là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, thể hiện tính nhân văn, tiến bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam, tuy nhiên, trước xu hướng tội phạm trẻ hoá như hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương lưu ý, cần rất cẩn trọng trong việc xây dựng từng quy định của dự thảo Luật này để khi luật được ban hành vừa đảm bảo được tính nhân văn, tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm nhưng vẫn phải có tính giáo dục, răn đe nghiêm khắc.

"Như chúng ta đã thấy, rất nhiều vụ án được gây ra bởi người chưa thành niên phạm tội mà thủ đoạn và hậu quả để lại vô cùng to lớn, có những vụ gây rúng động xã hội. Trước thực tế như vậy mà pháp luật không có những biện pháp, hình phạt phù hợp, nghiêm khắc, đảm bảo tính công bằng thì sẽ khiến nhân dân bức xúc, mất niềm tin, thậm chí dẫn tới tình trạng nhiều đối tượng thanh niên lợi dụng chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên để lôi kéo, xúi giục, thuê mướn họ thực hiện những hành vi phạm tội. Điều này rất đáng lo ngại.", đại biểu nói.

Cân nhắc rất kỹ về tính khả thi khi quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng

Quan tâm về các biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 36, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, Điều 36 dự thảo Luật hiện đang quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng. Trong đó có 3 biện pháp theo đại biểu cần cân nhắc rất kỹ về tính khả thi đó là các biện pháp "cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới", "hạn chế khung giờ đi lại" và "cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới".

Đại biểu cho rằng, những biện pháp này nghe thì hợp lý nhưng thực tế để đi vào thực hiện hiệu quả thì vô cùng khó khăn. Bởi chúng ta không thể có nhân lực để hàng ngày, hàng giờ giám sát việc gặp ai, đi tới đâu, đi vào những khung giờ nào của những người chưa thành niên, trong khi các biện pháp này, theo quy định của dự thảo Luật có thời gian áp dụng ít nhất là 03 tháng cho tới 01 năm.

Để những biện pháp này có tính khả thi và hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần phải quy định rất rõ, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn nhân lực và trang thiết bị để phục vụ nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng của người chưa thành niên phạm tội.

Luật Tư pháp người chưa thành niên: Đảm bảo quy định đủ nghiêm khắc, đủ nhân văn với người chưa thành niên phạm tội - Ảnh 2.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cũng cho rằng, cần có đánh giá, làm sáng tỏ hơn tính khả thi, nguồn lực (nhân lực, kinh phí trang bị..) để thực hiện các biện pháp "cấm tiếp xúc, hạn chế khung giờ đi lại", "quản thúc tại gia đình", "cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội". 

"Bởi chắc chắn chúng ta không thể cử người giám sát thi hành hoặc trong trường hợp gia đình không phối hợp hoặc không có khả năng phối hợp, mà phải lắp đặt các thiết bị giám sát để theo dõi trong suốt thời gian thực hiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng", đại biểu nói.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo phải quy định rõ những trường hợp áp dụng xử lý chuyển hướng là "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng", bởi người chưa thành niên tâm lý còn chưa vững vàng, "cộng đồng" có thể là nơi đông người, sẽ có sự dòm ngó, tò mò, kỳ thị, thâm chí bị quay clip, chụp ảnh tung lên mạng xã hội, trong khi chúng ta không thể kiểm soát, ngăn cấm việc này. Khi đó sẽ gây ảnh hưởng nặng nề cho tâm lý của các em (xấu hổ, tủi hờn, bức xúc..). Như vậy, thậm chí không có hiệu quả răn đe, không làm cho các em hối cải, mà còn có thể gây nên những hệ quả ngược lại.

Đảm sự công bằng, tính giáo dục, răn đe

Nêu ý kiến tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ thống nhất với phạm vi điều chỉnh được quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật gồm: Quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; (3) thi hành án; (4) tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Tuy nhiên, với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc về tên gọi của dự thảo Luật để đảm bảo nhất quán với phạm vi điều chỉnh.

Luật Tư pháp người chưa thành niên: Đảm bảo quy định đủ nghiêm khắc, đủ nhân văn với người chưa thành niên phạm tội - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, xem xét lại quy định tại khoản 8 Điều 4 của dự thảo Luật. Theo đó, khái niệm "Tư pháp người chưa thành niên" được giải thích là các quy định về chính sách, biện pháp xử lý chuyên biệt đối với người chưa thành niên; thủ tục thân thiện trong xử lý chuyển hướng, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đại biểu cho rằng với giải thích như vậy thì phạm vi rộng hơn rất nhiều, bao hàm cả các quy phạm pháp luật về tư pháp người chưa thành niên.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định về việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên. Một mặt thể chế hóa được yêu cầu về xử lý nhân văn hơn đối với người chưa thành niên phạm tội; mở rộng hơn các biện pháp xử lý chuyển hướng, có tính chất nhẹ hơn các hình phạt, các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Mặt khác, cũng cần phải căn cứ hậu quả, tác hại, mặt khách quan của tội phạm trước khi quy định mức phạt đối với người chưa thành niên phạm tội để bảo đảm sự công bằng, tính giáo dục, răn đe, góp phần hạn chế tình trạng người chưa thành niên phạm tội...

Tại Phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm như: Việc áp dụng các biện pháp chuyển hướng, thẩm quyền áp dụng biện pháp chuyển hướng, hình phạt áp dụng…

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ