(Tổ Quốc) - Sáng nay (4/4), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận về nhiều vấn đề lớn của dự thảo Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Đối với Dự án luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, đây là Dự án luật khó, phức tạp.
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị. |
Trong Dự án Luật này, nội dung lớn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, thời hạn sử dụng đất đã được Bộ Chính trị cho ý kiến.
Việc xây dựng Dự thảo luật đòi hỏi thể chế hóa chủ trương của Đảng, xây dựng một số đơn vị hành chính đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo sự tăng trưởng và tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nhằm mục đích cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; đồng thời phải đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, các quyền, lợi ích của nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Dự thảo luật cần phải đáp ứng được các yêu cầu như xây dựng mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, thu hút đầu tư, đảm bảo các vấn đề về môi trường, an sinh xã hội, các vấn đề chuyển tiếp bộ máy hiện hành với bộ máy mới của đặc khu…
Về danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại 3 đặc khu trên, gồm có 131 ngành, nghề; tăng 23 ngành, nghề so với Danh mục Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Một số đại biểu cho rằng, việc thu hút đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực nào cũng cần tính toán kỹ, để đảm bảo đầu tư có hiệu quả, vì liên quan chặt chẽ đến cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư, kinh doanh.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, việc ưu đãi trong thu hút đầu tư thì không phải ưu đãi về thuế là vấn đề chính yếu, mà đầu tiên phải là ổn định môi trường kinh doanh, rồi đến chính sách để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thu hút nguồn nhân lực, công khai minh bạch …
Về ngân sách đặc khu, các đại biểu bày tỏ băn khoăn về Điều 39 của Dự thảo khi quy định, ngân sách đặc khu thuộc hệ thống ngân sách nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện. Bởi, theo dự thảo, nhiệm vụ thu chi giao cho HĐND và UBND cấp tỉnh, nhưng quyết định định mức tiêu chuẩn chi thì lại là thẩm quyền của đặc khu. Như vậy là chưa đảm bảo được quyền trong cân đối ngân sách tỉnh và ngân sách đặc khu.
Tại Hội nghị, một lần nữa vấn đề thẩm quyền của chính quyền đặc khu lại được các đại biểu bàn đến. Đại biểu Lê Thanh Vân – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng mô hình tổ chức chức quyền địa phương chưa thể hiện được cơ chế kiểm soát quyền lực trong điều kiện trao thẩm quyền quá lớn cho chính quyền đặc khu vì chế độ trách nhiệm chưa rõ.
“Cơ chế kiểm soát quyền lực của Chủ tịch UBND đặc khu thế nào? Tư duy mới là ưu đãi vượt trội thì chế tài, trách nhiệm phải vượt trội”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm. Ông cũng lưu ý: “Giờ cho vượt trội mà không có “lồng nhốt quyền lực” để giám sát chặt chẽ là rất đáng lo ngại, nên cần cân nhắc hoàn thiện thêm”.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng bày tỏ không đồng tình lập Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu như dự thảo luật vì đây không phải là thiết chế quyền lực nên không đủ năng lực giám sát ./.
Hà Giang