• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quốc hội tiếp tục “nóng” câu chuyện đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Thời sự 22/11/2017 17:10

(Tổ Quốc) - Chiều 22/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. 

Phần lớn các đại biểu đều thống nhất việc cần thiết phải ban hành luật. Đây là điều kiện tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi thảo luận. (Nguồn: zing.vn)

Dù vậy, Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, không nên chỉ giới hạn trong 3 đặc khu mà nên linh động với đơn vị đặc khu khác sau này thành lập. Ngoài ra, cần bổ sung tiêu chí rõ ràng, cụ thể trong thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tránh lợi dụng.

Theo đại biểu Bình, tính tự chủ, tự quản là linh hồn, vì thế không nên để hành chính thuộc tỉnh, mà nên thuộc Chính phủ, và được phân cấp từ Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ có đột phá về giao thẩm quyền…

Cùng quan điểm trên, đại biểu Bùi Thu Hằng cho biết nhất trí với tờ trình, đề xuất Quốc hội thông qua luật. Dù vậy, theo đại biểu Hằng, dự án luật này lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam và là luật khó, phức tạp nên ban soạn thảo cần phải nghiên cứu sao cho kết quả có luật vận hành đồng bộ với các luật chuyên ngành đã ban hành.

Theo quan điểm “dò đá qua sông” vừa làm vừa hoàn thiện, đại biểu đề nghị sớm ban hành luật, là luật khung, sau đó Chính phủ trên cơ sở đó sẽ tiếp tục.

Góp ý về một số quy định, đại biểu Hằng cho biết băn khoăn với việc có hai nhà đầu tư chiến lược đề xuất thì lựa chọn như thế nào. Quy định về hỗ trợ trưởng đơn vị hành chính, nghĩa vụ hỗ trợ bắt buộc là không hợp lý, gây khó cho nhà đầu tư.

Với điều khoản về thuê đất, bà Hằng cũng đề nghị thời gian là 50 năm, thay vì 70-99 năm để phù hợp với luật đất đai. Ngoài ra, cần bổ sung quy định liên quan đến phí và lệ phí, vốn chưa được nêu trong dự thảo luật. 

Môi trường thông thoáng quan trọng hơn ưu đãi thuế, đất đai

Đại biểu Nguyễn Sơn chia sẻ quan điểm rằng, 5 nhóm chính sách cụ thể trong luật là đã có ưu đãi vượt trội nhưng quan trọng nhất vẫn là sự đồng bộ trong tiếp cận. Bên cạnh đó, cần thủ tục hành chính thuận lợi, khung pháp lý tiện lợi cho nhà đầu tư.

“Việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng còn quan trọng hơn là ưu đãi thuế, đất đai”, đại biểu Sơn nói.

Vì thế, theo ông Sơn, cần làm rõ hơn sự tinh gọn thủ tục, xóa rào cản tiếp cận chính sách. Sự vướng mắc nhiều khi nằm tại bộ ngành, chức năng, địa phương. Nếu luật không quy định rõ, đặc khu khó đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Cùng với đó là phải có đầu mối xử lý vướng mắc của nhà đầu tư.

Ông đề xuất phần nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan bộ ngành, ngoài phần hướng dẫn, cần thống nhất, đồng bộ, tránh dè dặt, dựng hàng rào chuyên môn. 

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay, nhiều quốc gia thành lập đặc khu kinh tế đã thất bại vì cách làm chứ không phải vì mục tiêu.

Từ đó, ông đề nghị phải xác định nguyên tắc chi phối về đầu tư vào đặc khu, gồm: tăng cường nội lực Việt Nam, tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc…

“Những nhà đầu tư nào đáp ứng được các nguyên tắc này thì chúng ta mới cho vào làm”, ông nhấn mạnh./.

Hà Giang

 

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ