(Tổ Quốc) - Chiều 22/9, giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bangladesh, tại Thủ đô Dhaka, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự và phát biểu tại Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Bangladesh.
Lượng du khách giữa Việt Nam và Bangladesh vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông chia sẻ, Việt Nam là một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rất nhiều cảnh đẹp hữu tình cùng với nền văn hóa, lịch sử lâu đời và giàu bản sắc.
Trong suốt quá trình phát triển du lịch hơn 60 năm qua, Việt Nam luôn coi trọng các giá trị di sản văn hóa dân tộc là tài nguyên quý báu và du lịch là một công cụ hữu hiệu để phát huy giá trị di sản.
Du lịch Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều thành tựu, được thế giới ghi nhận về du lịch văn hóa. Tháng 9/2023 là lần thứ 5 Việt Nam được bình chọn là "Điểm đến hàng đầu châu Á” (các năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023) và lần thứ 2 liên tiếp đoạt giải "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á" (năm 2022 và 2023), khẳng định thương hiệu và sức hút đặc biệt của Du lịch Việt Nam.
Thứ trưởng cho biết, trong thời gian qua, lượng du khách giữa Việt Nam và Bangladesh vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Khách Bangladesh đến Việt Nam còn ít, chủ yếu là khách công vụ. Trước đại dịch COVID-19, lượt khách Bangladesh sang Việt Nam đạt trên 12 nghìn lượt. Sau đại dịch COVID-19, lượt khách Bangladesh tới Việt Nam chỉ đạt khoảng gần 2,5 nghìn lượt.
Thứ trưởng vui mừng thông báo từ ngày 15/8/2023, Việt Nam đã áp dụng thị thực điện tử (e-visa) cho công dân các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới (trong đó có Bangladesh) với thời hạn lưu trú lên tới 90 ngày; thị thực có giá trị 1 lần và nhiều lần sẽ được xem xét tùy vào nhu cầu và mục đích của du khách. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho khách Bangladesh đến Việt Nam và góp phần thúc đẩy trao đổi khách giữa hai bên.
Mong muốn mở đường bay thẳng Việt Nam - Bangladesh
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra điểm thú vị giữa Việt Nam và Bangladesh khi hai nước cùng đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển mạnh mẽ. Cụ thể là, Bangladesh đặt mục tiêu “Tầm nhìn 2041”, đưa Bangladesh trở thành quốc gia hiện đại và tri thức vào năm 2041 nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước. Trong khi đó, Việt Nam cũng đặt ra hai mục tiêu đến năm 2035 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
"Để thực hiện mục tiêu và khát vọng trên, chúng tôi xác định nội lực là cơ bản và quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng và có tính đột phá cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự cường, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng".
Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Việt Nam luôn xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một bộ phận cấu thành, hữu cơ quan trọng của nền kinh tế và có môi trường đầu tư, ưu đãi đầu tư rất hấp dẫn. Cho đến nay, Việt Nam đã có 37.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ USD, đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong 20 quốc gia thu hút FDI thành công nhất trên thế giới (theo UNTAD của Liên Hợp Quốc), đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để Việt Nam phát triển trong thời gian qua.
Trong các cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo Bangladesh và các lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà doanh nghiệp Bangladesh đều đề cập, mong muốn mở đường bay thẳng Việt Nam - Bangladesh. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ và cho rằng, đề xuất này rất khả thi bởi với quy mô dân số hai nước lên tới 270 triệu dân và tiềm năng hợp tác còn rất lớn, nhu cầu đi lại, hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nhấn mạnh tương lai quan hệ hợp tác Việt Nam – Bangladesh còn rất lớn và phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác năng động, sáng tạo, hiệu quả của chính các doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng hai nước sẽ cùng nhau viết tiếp những chương mới trong 50 năm tiếp theo trong quan hệ hai nước với những kết quả tốt đẹp hơn, mang lại phồn vinh cho mỗi nước và hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước.
Tại Diễn đàn cũng diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty BMH Việt Nam và Tập đoàn Doreen Group Bangladesh về hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ và phát triển sản phẩm thép tiền chế; giữa Công ty CP Hỗ trợ phát triển Bangladesh Việt Nam và Hiệp hội Dược phẩm Bangladesh về trao đổi các sản phẩm dược phẩm Việt Nam - Bangladesh; và Hợp đồng về thành lập Liên minh du lịch giữa Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Hương Giang và Hiệp hội Du lịch Bangladesh./.