(Toquoc)-Mai Tuyết Hoa hiện là một trong số ít nghệ nhân trẻ có tài năng và nhiệt huyết với hát Xẩm.
(Toquoc)-Tuy chưa được coi là “truyền nhân” của “báu vật sống” Hà Thị Cầu, song Mai Tuyết Hoa là một trong số ít nghệ nhân trẻ có tài năng và nhiệt huyết với hát Xẩm, một trong nhưng loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước thực trạng thiếu thốn lực lượng trẻ kế thừa.
Bén duyên với nghề hát Xẩm
Không sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng Mai Tuyết Hoa đã sớm bén duyên với cây đàn nhị nhờ sự định hướng và động viên của người bố vốn yêu thích nhạc dân tộc. Đây cũng chính là tiền đề để Mai Tuyết Hoa thành công trên con đường nghệ thuật hát Xẩm sau này.
Thời gian đầu học đàn nhị, cô bé Mai Tuyết Hoa khi ấy mới 8 tuổi cảm thấy rất nhàm chán và buồn vì bị bạn bè trêu chọc. Nhưng cuối cùng, cây đàn nhị đã gắn bó với Tuyết Hoa suốt những năm tháng tuổi thơ, học hết sơ cấp, trung cấp của trường Cao đẳng Văn hóa Hà Nội. Tuyết Hoa thi vào hệ đại học của Nhạc Viện Hà Nội cũng chính với cây đàn này.
Nghệ nhân Mai Tuyết Hoa
Bước vào năm thứ 2 đại học, Tuyết Hoa bắt đầu làm cộng tác với Viện Âm nhạc Việt Nam, chuyên ghi lời và kí âm lại một số tư liệu điền dã âm nhạc của Viện. Công việc này chính là bước ngoặc cuộc đời để đưa Tuyết Hoa đến với hát Xẩm.
Tuy học đàn nhị đã được 12 năm, là sinh viên chuyên ngành đàn nhị của Nhạc Viện nhưng cô sinh viên Tuyết Hoa vẫn cảm thấy những gì được tiếp cận ở nhà trường chỉ là những nốt nhạc khô khan. Sau khi tiếp xúc với những tư liệu điền dã, xem tư liệu băng đĩa của các nghệ nhân Xẩm ngày xưa, Tuyết Hoa như được sống với những sinh hoạt âm nhạc sống động của thực tiễn, đặc biệt là những ngón rung, nhấn của đàn nhị khi hòa điệu cùng giọng hát của các nghệ nhân. Nó giúp Tuyết Hoa biểu lộ những cảm xúc mà trước đây, chỉ đàn những nốt nhạc đúng kĩ thuật nên cô chưa cảm nhận được cái hồn của nó.
Đặc biệt nội dung lời ca mộc mạc, chân tình của Xẩm đã giúp Tuyết Hoa hiểu thêm về tâm cảm của người xưa, khiến cho cô cảm thấy gần gũi hơn với tinh thần và cội rễ của âm nhạc dân tộc. Mày mò, tìm hiểu thêm về Hát Xẩm, Tuyết Hoa còn thấy đây là loại hình âm nhạc dân gian mang đậm tính nhân văn, thẩm mỹ và giáo dục về đạo đức lối sống trong xã hội. Chính điều này đã lôi cuốn Tuyết Hoa mê mẩn với Xẩm từ lúc nào không hay.
Tuyết Hoa chia sẻ, khi bắt đầu học hát về Xẩm không có ai bên cạnh chỉ bảo nên cô tự học một mình. Hàng ngày cô tự nghe băng đĩa Xẩm, sau đó ghi chép ra giấy lời hát Xẩm và học thuộc lòng rồi bắt đầu luyện. Có những hôm mải mê luyện tập đến mức cổ họng đau và rát không nói ra được thành lời.
Luyện được kha khá các bài về Xẩm cùng với chuyên môn đàn nhị được đào tạo ở Nhạc viện, Tuyết Hoa trực tiếp đến xin thọ giáo những ngón đàn, điệu hát của nghệ nhân Xuân Hoạch, Văn Ty và sự dìu dắt tận tình của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Kể từ đây, Mai Tuyết Hoa đã gắn bó với hát Xẩm với tất cả niềm say mê dù thời điểm đó và cho đến tận bây giờ công chúng vẫn không mấy mặn mà với loại hình nghệ thuật này.
Sau những những nỗ lực và đóng góp không mệt mỏi cho Xẩm, nghệ nhân trẻ Mai Tuyết Hoa đã được bằng khen của Bộ VHTTDL năm 2010 về “Bảo tồn và phát huy hệ thống hát Xẩm” và bằng khen truyền hình năm 2005 khi tham gia Liên hoan Tiếng hát dân ca.
Mong muốn phát huy nghề hát Xẩm
Đến nay đã gần 20 năm theo đuổi nghệ thuật truyền thống, gắn bó với bao thăng trầm của nghệ thuật Xẩm nhưng Tuyết Hoa chưa bao giờ hối hận về con đường đã chọn. Điều luôn khiến Tuyết Hoa trăn trở là khi cuộc sống hiện đại phát triển thì hát Xẩm càng có nguy cơ bị mai một, những lớp trẻ sau không còn mấy ai mặn mà với Xẩm. Những nghệ nhân đam mê với Xẩm như Tuyết Hoa cũng không còn mấy ai có đất diễn Xẩm.
Nghệ nhân Mai Tuyết Hoa trong một màn trình diễn
Mai Tuyết Hoa chia sẻ “giới trẻ bây giờ ít quan tâm đến nhạc dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta không nên đổ lỗi cho giới trẻ. Bởi ngoài các trào lưu âm nhạc, văn hóa ngoại nhập thì ngay bản thân các bạn trẻ cũng ít có cơ hội được tiếp xúc với nhạc dân tộc. Đây cũng là lỗi một phần của các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay khi hầu như các chương trình âm nhạc, văn hóa đều là ca nhạc nước ngoài hay trào lưu âm nhạc mới chứ ít có “đất” cho nghệ thuật truyền thống như Xẩm”.
Mai Tuyết Hoa đã gắn bó với nghề hát Xẩm bao năm nên cô hiểu hơn ai hết người nghệ nhân phải vượt qua rất nhiều khó khăn mới có thể để trụ được với nghề, nhất là khi bây giờ không còn nhiều khán giả yêu thích Xẩm nữa.
“Dù biết nghề hát Xẩm là nghèo nhưng khó dứt ra được. Với ngành nghệ thuật khác như điện ảnh, ca sĩ, người mẫu sự nổi tiếng không quá khó khăn, nhưng đối với nghệ thuật truyền thống thì không phải dễ. Các nghệ sĩ hát Xẩm chỉ diễn cho một lượng khán giả nhỏ, chỉ những người trong nghề biết đến nhau, còn mong chờ sự nổi tiếng thì ngoài tài năng, chăm chỉ cần có sự may mắn và thời điểm phù hợp”-Tuyết Hoa cho biết.
Với mong muốn giữ gìn và và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ đến với các loại hình nghệ thuật truyền thống, cô và những người đồng nghiệp đã tiến hành một dự án mang tên “Sân khấu học đường” nhằm mục đích đưa âm nhạc dân tộc, trong đó có Xẩm vào trường học. Đây là cơ hội để các bạn trẻ có thể yêu thích và hiểu được cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc nói chung và Xẩm nói riêng.
Ngoài sân chơi này, nghệ nhân Tuyết Hoa còn ấp ủ ý tưởng mở một khóa đào tạo về Xẩm tại trung tâm “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc” do cô hiện là Giám đốc. “Biết là việc đào tạo được thế hệ nối tiếp mình sẽ rất gian nan vì để dạy được một người yêu và có thể hát Xẩm đúng làn, đúng điệu không đơn giản chút nào. Nhưng tôi vẫn tin rằng đâu đó vẫn còn có những bạn trẻ đam mê với nghệ thuật Xẩm.”, nghệ nhân Tuyết Hoa chia sẻ./.
Ngọc Hà Lê