(Tổ Quốc)-Những tấm ảnh sang trọng, quần là áo lượt, túi xách hàng hiệu, hay những bức hình để lộ logo của xế hộp hạng sang, những cọc tiền dày cả gang tay và thường xuyên có những phát ngôn gây sốc về kinh doanh, đầu tư trên mạng xã hội,... đó là cách thức mà các “chủ tịch ảo” của hệ thống đầu tư T.D BraTrade xây dựng để thu hút nhà đầu tư, hay nói theo thuật ngữ của người trong ngành là “lùa gà”.
- 29.07.2021 Bắt đối tượng lừa đảo bằng hình thức xin chuyển công tác với giá hàng trăm triệu đồng
- 27.07.2021 Mạo danh thương hiệu nổi tiếng để lừa đảo, chiêu trò "share link trúng thưởng" tràn lan trên Facebook khiến hàng loạt người mắc bẫy
- 26.07.2021 Nhiều chiêu trò lừa đảo mới phát sinh trong mùa dịch
- 24.07.2021 Bắt nhân viên tín dụng ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ của khách
Diện kiến “bà trùm”
Trên trang web của T.D BraTrade Việt Nam, công ty này giới thiệu: “T.D BraTrade là một nền tảng giao dịch trực tuyến quốc tế uy tín, cung cấp cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức một loạt các sản phẩm phân bổ từ ngoại hối, hàng hóa, cổ phiếu, chỉ số và tiền điện tử. Công ty đang hoạt động tốt trên toàn thế giới và là một địa chỉ tuyệt vời trong việc cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp và đáng tin cậy cho khách hàng.
Mục tiêu của T.D Bratrade là phổ cập và cung cấp nền tảng dự báo tỷ giá hối đoái cho hơn 10.000.000 người trên toàn thế giới với một môi trường giao dịch an toàn”.
Theo phản ánh của các nhà đầu tư, T.D Bratrade Việt Nam chỉ có 3 người quản lý. Hai trong số đó là vợ chồng chủ sàn cùng một nhân viên tên Long.
Dẫu vung tiền đầu tư đến cả tỷ đồng vào kênh T.D Bratrade, trớ trêu thay, một số nhà đầu tư vẫn không hề biết chủ sàn thực sự là ai.
Sau nhiều ngày “lẩn như trạch”, cuối cùng người chịu trách nhiệm kênh T.D Bratrade đã phải lộ diện.
Dẫu vậy, lai lịch của người phụ nữ này cũng vô cùng mơ hồ. Tất cả những gì người ta biết về bà này chỉ là cái tên cùng chức danh: Liên – vợ của chủ sàn T.D Bratrade!
Xót ruột khi đầu tư 77.000 USD (khoảng 1,8 tỷ đồng) vào T.D Bratrade không thành, gia đình chị P.T.H tìm đến Liên chất vấn: “Chúng tôi cần biết, số tiền 77.000 USD gia đình tôi đã chuyển cho anh Long. Sau đó anh Long chuyển cho chị. Số tiền đó bây giờ đang ở đâu? Chủ sàn là ai? Vì sao bây giờ chúng tôi không rút được tiền”.
Người phụ nữ tên Liên ấp úng: “Em xác nhận đã nhận được tiền và dùng số tiền đó để giao dịch nhưng không nhớ rõ có phải là 77.000 USD hay không? Vì em chỉ là trung gian, nhận tiền xong em chuyển lên trên”.
Không chấp nhận câu trả lời này, gia đình chị H. tiếp tục hối thúc: “Chị gọi chồng chị là chủ sàn ra đây. Chúng tôi biết chị là vợ của chủ sàn”.
Bị người nhà chị H. liên tục hỏi và ghi hình, Liên chỉ biết luôn miệng chối: “Mọi người nói thế thì em chịu. Em không biết gì cả”.
Cuộc đối chất không có kết quả.
Chị H. chua chát: “Đến bây giờ chúng tôi cũng không biết danh tính của chủ sàn là ai. Chỉ biết công ty từng có địa chỉ ở số 81 Trường Chinh (Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội). Nhưng hiện nay tại địa chỉ này chỉ có cửa hàng bán vật liệu xây dựng”.
Chân dung “chủ tịch ảo”
Thường xuyên xuất hiện với những hình ảnh thể hiện cuộc sống xa hoa, thượng lưu với áo quần bóng bẩy, đồng hồ cao cấp, những món tài sản đắt tiền đi kèm với đôi dòng đạo lý.
Bên cạnh những bài giảng về đầu tư, kinh doanh trong những buổi học trực tuyến qua zoom đầy hoành tráng với những con số ấn tượng.
Đó là chân dung của các vị “chủ tịch ảo” sở hữu khối lượng tài sản ước chừng lên đến hàng chục tỷ đồng.
Thế nhưng, bao nhiêu phần trăm trong số đó là sự thật?
Nhiều đại lý của T.D Bratrade đã sử dụng chiêu trò này để đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin của các nhà đầu tư. Thủ đoạn này tuy không mới nhưng lại tỏ ra rất hữu dụng.
Chị Nguyễn Thị Hằng – một nạn nhân bị lừa mất 50 triệu đồng - kể: “Khi tham gia vào các khóa học chúng tôi bị mờ mắt bởi những lời hứa hẹn rất hấp dẫn của các đại lý. Họ nói lãi suất có thể lên đến 30%/năm. Thời gian thanh khoản 24/24, cam kết dễ dàng rút tiền, bảo mật tốt.
Ngoài ra họ còn thường sử dụng chim mồi. Đó là người của họ cài cắm tham gia các lớp học. Họ khoe khoang về sự giàu có của mình cũng như lý do họ giàu có là nhờ tham gia T.D Bratrade.
Chính những điều này đã khiến cho những người như tôi bị mê hoặc. Đến bây giờ tôi mới biết tất cả chỉ là dàn dựng”.
Theo phản ánh của một số nhà đầu tư, đại diện của T.D Bratrade tại Việt Nam là ba cá nhân: Hai vợ chồng Nguyễn Việt Hải (sinh năm 1996) và Phạm Thanh Trường Giang (sinh năm 1995).
Bằng những thủ đoạn xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội, ba người này đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư với số tiền nhiều tỷ đồng.
Tuy nhiên đến thời điểm biết mình bị lừa, không rút được tiền, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa biết rõ mặt mũi hai chủ tịch 9X là như thế nào?
“Chúng tôi hầu hết làm việc với đại lý cấp trên chứ không biết chủ sàn là ai để mà kiện. Hiện nay chúng tôi chỉ có thông tin chị Liên là vợ của chủ sàn còn thực sự có đúng hay không chỉ có cơ quan chức năng mới có thể kết luận được.
Chính vì thế chúng tôi rất mong cơ quan điều tra, cơ quan chức năng đứng ra làm rõ những đối tượng này là ai và xử lý đúng theo quy định của pháp luật”, chị Hằng bức xúc.
Bên cạnh đó những thủ đoạn lôi kéo nhà đầu tư đã được phân tích ở trên, T.D Bratrade phát đi thông điệp quảng cáo là sàn giao dịch uy tín này thuộc công ty Trivial Capital Limited đến từ Canada, với giấy phép Fintrac Canafe.
Tuy nhiên công ty Trivial Capital Limited đã từng có thông báo chính thức trên trang chủ: “Trivial Capital Limited hoàn toàn không thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan với T.D Bratrade”.
Như vậy cho đến nay, danh tính thực sự của kênh đầu tư T.D Bratrade vẫn còn là một ẩn số. Trong thời gian chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, phi vụ T.D Bratrade chính là một bài học nhãn tiền mà các nhà đầu tư cần lưu tâm, tránh rơi vào bẫy “đầu tư ảo, mất tiền thật”.