(Tổ Quốc) - Vở cải lương Mặt trời đêm thế kỷ do các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng vừa có buổi diễn ra mắt đặc biệt thành công bởi sự yêu mến của khán giả dành cho nghệ thuật cải lương nói chung và cho một vở diễn lịch sử nói riêng. Từng tràng pháo tay không dứt và sự đồng cảm của khán giả đối với nhân vật, như hòa cùng những trăn trở, những quyết định của vị anh hùng Quang Trung- Nguyễn Huệ khiến vị anh hùng lịch sử bỗng trở nên sống động, gần gũi. Từ đó, lan tỏa tình yêu lịch sử, yêu văn hóa dân tộc đến mỗi người.
Thông điệp lịch sử từ câu chuyện anh hùng áo vải
Mặt trời đêm thế kỷ, kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh (chuyển thể cải lương NSƯT Phan Ngọc Chi) kể câu chuyện vua Quang Trung- Nguyễn Huệ giai đoạn còn là Bắc Bình Vương đang đóng quân ở Phú Xuân (Huế). Thế nước thời điểm ấy, đàng trong thì Nguyễn Ánh cầu viện giặc Xiêm đánh chiếm Gia Định, đàng ngoài thì Lê Chiêu Thống cầu viện giặc Thanh xâm lược, nhân dân Bắc Hà đói khổ lầm than, Nguyễn Nhạc thì chỉ muốn giữ một phủ Quy Nhơn, nhún mình xưng làm chúa miền Tây.
Theo đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh không đi vào câu chuyện hào hùng sau khi xưng Hoàng đế của Quang Trung- Nguyễn Huệ và dẫn quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh mà là lát cắt lịch sử trước khi đưa đến quyết định xưng Hoàng đế của vị anh hùng áo vải. "Lát cắt là quãng thời gian khó khăn nhất trước khi vào trận chiến đại phá quân Thanh và có được chiến thắng rực rỡ trong lịch sử dân tộc, vị anh hùng Nguyễn Huệ đã phải trải qua rất nhiều những thăng trầm, những chia ly mất mát trong đời sống cá nhân, đặc biệt là trong tình nghĩa anh em.
Trong giai đoạn này, anh em nhà Tây Sơn không còn nắm chặt tay nhau nữa, nhưng trong những mất mát ấy, Nguyễn Huệ đã có lựa chọn sống còn liên quan đến vận mệnh quốc gia. Mặt trời đêm thế kỷ- tên của kịch bản khẳng định, vua Quang Trung là vị anh hùng dân tộc xuất hiện ở thế kỷ 18 là vầng mặt trời chói lọi chiếu sáng cả màn đêm của thế kỷ"- đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ.
Trong kịch bản, tác giả Lê Duy Hạnh không mô tả sâu về chiến công ngoài mặt trận hay tài năng phi thường của ngài mà là một lát cắt về cuộc sống riêng, những xung đột trong nội bộ của anh em nhà Tây Sơn trước quyết định sinh tử, tồn vong của dân tộc, trước quyết định mang tính vận mệnh của quốc gia, để vầng mặt trời ấy tỏa sáng màn đêm thì dường như ngài đã trải qua những đau đớn, xuống gươm giết cháu rể Vũ Văn Nhậm (con rể của Nguyễn Nhạc) vì sự chuyên quyền, tác tệ.
Hay chính nhân vật Thọ Hương (vợ Vũ Văn Nhậm, con gái Nguyễn Nhạc) trước khi tự sát theo chồng, đã dặn cha đừng mải mê yến tiệc linh đình sau chiến thắng mà quên đi đất nước còn bộn bề. Bài học quân pháp bất vị thân và không ngủ quên trên hào quang quá khứ vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
NSND Hoàng Quỳnh Mai được biết đến như một trong số những đạo diễn đắt giá của làng cải lương xứ Bắc. Hoàng Quỳnh Mai thường chọn kịch bản mà chị chưa xem của các đồng nghiệp khác dàn dựng để có cái nguyên sơ mà mình tự cảm nhận. Điều này khiến tác phẩm của chị có nét riêng độc đáo ít lẫn với ai. Đó là rất chia sẻ thân phận phụ nữ. Chị đặc biệt có duyên với những vở diễn về thân phận phụ nữ như: Cung phi Điểm Bích, Nguyễn cầm ca- Kiều, Bên ánh sao khuê, Chiếc áo thiên nga…
Lần này, đến với vở diễn mà nhân vật chính là một anh hùng lịch sử. Những nét đột phá trong tâm hồn, suy tưởng lo âu và day dứt bi thương giữa nghĩa nước tình nhà trong sâu thẳm trái tim của Quang Trung - Nguyễn Huệ được đạo diễn khai thác triệt để và công phu đồng thời được nam diễn viên Văn Thuận thể hiện khá trọn vẹn. Tuy nhiên, cái duyên phụ nữ vẫn được đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai thể hiện khi dành khá nhiều "đất" cho nhân vật Ngọc Hân và Thọ Hương. Hai nhân vật nữ cũng làm nổi bật chân dung người anh hùng Nguyễn Huệ khi chính ông giết cháu rể để an dân, nhưng cháu dâu vẫn không thể không khẳng định "điều đó là đúng".
NDND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ: "Tôi cảm thấy tầng tầng lớp những triết lý sâu xa về nhân sinh, về cuộc đời còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Tác giả Lê Duy Hạnh là một kịch tác gia lớn, chúng tôi cố gắng hết sức mình. Kịch bản của ông phải ngẫm và vỡ từng con chữ. Chúng tôi tập luyện trong 4 tháng mới hoàn thành vở diễn".
Vở diễn gửi gắm thông điệp giáo dục lịch sử cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ để hiểu thêm giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, nhân vật lịch sử có thật của dân tộc Việt Nam, những chiến công lẫy lừng nhưng ít ai hiểu sau những chiến công ấy là những hy sinh to lớn như thế nào để cống hiến tài năng và cuộc đời mình cho dân tộc.
Bởi vậy, vở diễn được NSND Hoàng Quỳnh Mai cải thiện tiết tấu, nhanh, mạnh, hiện đại, đồng thời cải biến phần ca hát. Bên cạnh đó, vở diễn cũng đưa vào những màn múa, tiếng kèn của Tuồng Bình Định, ru bài chòi Bình Định khiến khán giả như lạc về hơn 200 năm trước với không gian mang âm hưởng hào hùng của đất võ Tây Sơn.
Khao khát một Nhà hát cho cải lương xứ Bắc
Dù là nhà hát hàng đầu về cải lương ở đất Bắc, suốt gần 70 năm, Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn chưa có rạp riêng. Hàng năm, đơn vị này dàn dựng 2-3 vở mới và thường thuê rạp bên ngoài để biểu diễn.
Do thiếu kinh phí, khi dựng vở Mặt trời đêm thế kỷ, các nghệ sĩ biểu diễn tại trụ sở nhà hát ở số 164 Hồng Mai (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tòa nhà này, xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, nay đã xuống cấp, không đủ tiêu chuẩn tiếp đón khán giả.
Nhà hát, nơi các nghệ sĩ coi là thánh đường, nhưng khi bước vào, bất kỳ ai cũng thấy cám cảnh, không gian không khác gì... nhà kho cũ. Thiết bị sân khấu xếp đầy cầu thang bé xíu, cũng là lối lên duy nhất để thưởng thức nghệ thuật.
Khán phòng cũng quá nhỏ chỉ có khoảng hơn 100 ghế ngồi, chỉ có vài chiếc quạt trần, điều hòa cũ không đủ sức làm mát trong cái nóng gần 40 độ của Hà Nội ngày 10/8, nghệ sĩ Văn Thuận phải mặc bộ trang phục nặng tới 8kg để biểu diễn mà vẫn đảm bảo hát, diễn vũ đạo được là cả một sự nỗ lực. Mỗi lần chuyển cảnh, nghệ sĩ phải len lỏi qua hàng ghế khán giả để ra cánh gà, chuẩn bị cho các phân đoạn tiếp theo.
Theo NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam việc không có rạp đã ảnh hưởng đến tính chất chuyên nghiệp cao của đơn vị, gây khó khăn cho hoạt động biểu diễn. Việc đi thuê rạp làm tăng chi phí đêm diễn (30 - 50 triệu đồng/đêm diễn), khó cân đối thu chi, hạn chế tần suất biểu diễn phục vụ khán giả.
Say mê theo dõi vở diễn từ đầu tới cuối, bà Nguyễn Thị Xuyến, 68 tuổi ở Hồng Mai, Hà Nội, cho biết: "Tôi mê cải lương lắm, hôm nay được biết Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt vở mới nên tôi rủ bà hàng xóm cùng mấy đứa cháu đến xem từ sớm. Tôi mong mỏi các cháu của mình được xem nhiều hơn những vở diễn về lịch sử, về các anh hùng dân tộc như vở cải lương Mặt trời đêm thế kỷ để các cháu yêu hơn lịch sử dân tộc".
Bà Xuyến cũng chia sẻ dù 8 giờ mới bắt đầu diễn nhưng chúng tôi có mặt ở Nhà hát từ 6 giờ 30 vì sợ đến muộn không có chỗ ngồi thì sẽ không được vào xem.
Nỗi lo của bà Xuyến là hợp lý bởi có khán giả vượt hơn 20km từ Tây Tựu đến Nhà hát Cải lương Việt Nam mà đã không được vào vì lượng khán giả quá đông so với khán phòng. Sau khi anh trình bày vì mê cải lương và đi từ xa đến thì mới được vào xem vở diễn.
Dù phải làm việc trong không gian nghệ thuật với vô vàn khó khăn, chật vật, người xem càng cảm phục nghệ sĩ hơn khi họ vẫn thăng hoa trên sân khấu và cháy hết mình cho vai diễn. Đam mê nghệ thuật và những tràng pháo tay của khán giả mỗi khi nghệ sĩ cất lên câu cải lương dài tiếp thêm sức mạnh giúp họ trụ vững với nghề./.