Miến dong làng So rộn ràng vào vụ Tết
Thực hiện: Thu Thương | 13/01/2023
(Tổ Quốc) - Miến dong là một món ăn quen thuộc không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người dân Việt Nam. Tại Hà Nội, có một làng nghề khi nhắc tên ai cũng sẽ nghĩ đến sản phẩm miến dong nổi tiếng đó chính là làng So (thuộc xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai). Miến dong làng So được khắp mọi miền Tổ quốc biết tiếng, nên vào dịp Tết, nơi đây nhà ai cũng tất bật sản xuất để kịp số lượng phục vụ khách hàng.
Làng So còn có tên là Sơn Lộ, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km. Đây là ngôi làng cổ được biết đến với ngôi đình So nổi tiếng, được xưng tụng là đẹp nhất xứ Đoài: "Đẹp đình So, to đình Cấn".
Ông Nguyễn Hữu Chuyền – người làm miến lâu năm trong làng cho biết: "Nghề miến đến với làng So không biết từ bao giờ. Chỉ biết rằng đây là nghề do ông cha để lại. Ngày xưa, miến được làm bằng thủ công, những củ dong phải mài từng củ, có khi cả ngày chỉ mài được mấy cân bột dong để làm miến. Hiện nay máy móc hiện đại, quy trình sản xuất trở nên dễ dàng hơn nhiều".
Theo ông Nguyễn Hữu Chuyền, để làm được một mẻ miến phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trước tiên, bột dong được ngâm và thau rửa kỹ cho lắng gạn cát và tất cả tạp chất trong bột. Sau đó, bột được lọc nhiều lần đến khi cho ra bột tinh sạch. Thứ bột trắng mịn ấy được cho vào tráng thành bánh rồi cán thành những sợi miến nhỏ. Cuồi cùng, người dân sẽ đem miến đi phơi ngoài trời nắng.
Bánh miến sau khi tráng và hấp chín
Người dân đem bánh miến đi cán thành những sợi miến nhỏ
Ngày nay, người dân không còn phải thái miến bằng tay như trước mà đã có máy móc hỗ trợ nên những sợi miến đều và đẹp hơn.
Sau khi cán miến thành những sợi nhỏ, người dân bắt đầu xếp miến lên giàn tre mang đi phơi nắng
"Miến dong làng So không giống với các loại miến khác, miến làm bằng bột dong riềng nguyên chất được nhập từ các tỉnh của vùng Tây Bắc. Khi nấu sợi miến dong của làng So sẽ có màu trắng trong, sợi dai và giòn tự nhiên nấu quá lửa không bị nhão, bết dính. Đặc biệt, vì không sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia nên ăn rất thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh" – ông Chuyền cho biết thêm.
Hiện nay, công nghệ sấy khô đã được áp dụng rất nhiều ở các làng nghề làm nông sản. Tuy nhiên, miến làng So vẫn giữ cách làm khô truyền thống, phơi dưới ánh nắng và gió tự nhiên.
Theo ông Nguyễn Hữu Chuyền, miến thường được phơi khô ở những khu vực rộng, những nơi xa khu dân cư, ít khói bụi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cách hong khô tự nhiên cũng là một phần bí quyết giúp cho sợi miến của làng So được dai, giòn và thơm hơn.
Sau khi miến được phơi khô, người dân bắt đầu đóng gói
Nhờ công nghệ máy móc hiện đại và có kỹ thuật làm nghề lâu năm nên hiện nay sản phẩm miến dong làng So có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài như: Nhật Bản, Đức, Đài Loan... Đặc biệt, vào dịp Tết, thời gian cao điểm các cơ sở sản xuất miến dong có thể làm đến 4-5 tấn miến mỗi ngày.
Xã hội ngày càng thay đổi, nhiều làng nghề bị mai một nhưng tại làng So người dân luôn ý thức giữ gìn phương thức sản xuất truyền thống của cha ông để lại. Đặc biệt các thế hệ trẻ của làng luôn sẵn sàng tiếp nối và quảng bá, phát triển nghề miến dong hơn nữa trong đời sống hiện đại.