(Tổ Quốc) - "Khi làm việc chung, tôi mới thấy được là Việt Hương thương tôi rất nhiều. Không chỉ Việt Hương mà cả Hoài Phương, ông xã của Việt Hương nữa. Điều đó làm tôi rất vui, hạnh phúc", nghệ sĩ Minh Nhí nói.
Từ ngày mở sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh tại quận 10, TPHCM, nghệ sĩ Minh Nhí sụt cân khá nhiều. Anh thừa nhận chịu nhiều áp lực, vất vả hơn, đau đầu hơn vì bài toán tài chính nhưng anh cũng vui khi học trò có một nơi hoành tráng để phấn đấu và thầy trò ngày càng gắn kết hơn.
Áp lực, sụt cân
Từ khi anh mở sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh, thấy anh gầy hẳn. Trong khi các sân khấu khác chật vật với việc bán vé, thậm chí là trả vé vì không đủ chi phí cho đêm diễn vậy nhưng anh lại mở sân khấu ra đúng dịp này. Anh có bị áp lực quá không?
Áp lực chứ. Vì áp lực, mệt đầu nên tôi mới sụt cân. Từ khi mở sân khấu ở 22 Vĩnh Viễn, thời gian ăn uống của tôi thất thường lắm vì ra tới sân khấu là đủ thứ việc. Mình mời người ta về thì giờ giấc, mọi thứ phải nghiêm chỉnh.
Lúc trước, sân khấu nằm trong đường hẻm nên chủ yếu là tập trung cho công tác đào tạo, có biểu diễn cũng chủ yếu là thầy trò cùng diễn. Nhân viên ít, mọi thứ gói ghém được nhưng ra đây, thuyền lớn sóng lớn, sân khấu lớn nên cách thức hoạt động cũng phải chuyên nghiệp hơn.
Ví dụ, poster các vở diễn đều phải là nhà thiết kế chuyên nghiệp làm. Ngày xưa, thầy trò diễn tuồng nào đi thuê phục trang tuồng đó, còn bây giờ, mình phải may. Cảnh trí sân khấu, ngày xưa là học trò tự làm nhưng giờ mình cũng thuê nhà thiết kế có tên tuổi và tay nghề.
Âm thanh, ánh sáng cũng vậy. Vệ sinh sân khấu cũng thế. Sân khấu phải có nhân viên vệ sinh riêng. Mọi thứ chuyên nghiệp thì đồng nghĩa với việc mình phải đầu tư và tính toán bài toán tài chính.
Ngày xưa, tôi là cố vấn nghệ thuật cho các vở diễn thì bây giờ, tôi mời NSND Trần Ngọc Giàu để tuồng hay hơn. Dĩ nhiên mình làm được nhưng sẽ không thể hay bằng thầy Trần Ngọc Giàu. Thầy chỉ cần sửa một chút là tuồng hay hơn hẳn.
Bản thân tôi cũng học hỏi được ở thầy rất nhiều. Mỗi người có một khả năng làm tuồng nhưng cấp bậc trong nghề này có sẵn hết. Cỡ mình thì chỉ được nhiêu đó thôi, còn thầy thì khác.
Tôi cũng mời đạo diễn dựng vở như Thanh Phong Trần, Thạch Thảo, Huỳnh Tiến Khoa, Bùi Quốc Bảo, Huỳnh Lập... Khi mời đạo diễn, tôi đều nói trước rằng, thầy Trần Ngọc Giàu sẽ làm cố vấn nghệ thuật cho tất cả các vở diễn và các đạo diễn đều vui vẻ nhận lời.
Muốn tuồng hay thì phải mời những người giỏi cộng tác
Theo tôi được biết, sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh vừa có vở diễn mà quy tụ tới hơn 70 con người cho một suất diễn. Anh có nghĩ, đây sẽ là một gánh nặng tài chính về lâu dài?
Đúng nhưng sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh sinh sau đẻ muộn. Mình muốn đạt được độ chuyên nghiệp mà cái gì cũng ôm đồm, làm hết giống như ngày trước thì sẽ không có gì tiến triển.
Nếu tôi muốn tuồng hay thì phải mời những người giỏi cộng tác, bắt buộc phải bung chi phí đầu tư. Điều bạn nói, tôi biết nhưng mình phải gầy dựng, làm tới nơi tới chốn.
Quan trọng là khi khán giả tới xem, họ thấy mình làm nghiêm chỉnh, đàng hoàng thì sẽ yêu thương và tới thường xuyên. Khi có thu nhập từ các suất diễn thì tài chính sẽ dần được thu hồi.
Hơn nữa, nghệ thuật phải cần được thỏa chí. Nói vậy chứ tôi cũng lo. Tôi đâu quá giàu nhưng nếu mình cứ sợ, cái gì cũng không muốn làm thì làm sao có tuồng hay. Ngày trước, mình ở trong đường hẻm, không diễn không sao nhưng giờ ra sân khấu lớn, đường lớn, bắt buộc mình phải diễn mỗi tuần.
"Đụng vô là phỏng tay", một trong những vở diễn quy tụ nhiều ngôi sao ở sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh.
Tết, sân khấu cũng phải trang trí để khán giả tới xem có chỗ chụp hình check-in. Mọi thứ nhỏ nhỏ nhưng đều là tiền hết. Ngày xưa bán vé bằng giấy, giờ phải mua màn hình để khán giả lựa chỗ ngồi cho chuyên nghiệp.
Mình muốn nhân viên làm việc nghiêm túc thì phải trả lương xứng đáng. Trước, sân khấu chỉ có 1 tổng quản lý, giờ ngoài tổng quản lý còn có 2 phó tổng quản lý. Người quản lý về nhân sự, người quản lý tuồng tích, lịch diễn, mời diễn viên...
Việc một vở diễn có tới hơn 70 con người nhận lương, có phải là vì anh muốn tạo công ăn việc làm cho học trò?
Thực tế, tôi có thể thu gọn dàn diễn viên lại vì có nhiều chức vụ không cần thiết. Thay vì 20, 30 quân lính, tì nữ thì chỉ cần khoảng 6,7 người là được nhưng tôi vẫn để nhiều như vậy vì muốn tuồng hoành tráng, rầm rộ.
Thứ hai, là để học trò được cọ xát với sân khấu, với khán giả. Vai quần chúng nhưng lương cũng cao gấp 2, 3 lần so với hồi trước. Học trò có thêm chút thu nhập, chúng nó cũng vui.
Trong đó, phải đặc biệt kể tới dàn diễn viên ngôi sao như danh hài Hoài Linh, NSND Thanh Điền, Việt Hương, Cát Phượng, Hứa Minh Đạt, Lâm Vỹ Dạ, Cát Tường.. cát-xê chắc chắn không ít?
Tôi không rõ mặt bằng chung mức lương của các sân khấu trả cho nghệ sĩ có tên tuổi thế nào. Tôi áng chừng và trong khả năng mình có thể chi trả để thương lượng mức lương với diễn viên ngay từ đầu. Mọi người gật đầu là về diễn. Nguyên dàn diễn viên ngôi sao, tiền cát-xê không là muốn chóng mặt rồi, may mắn là những suất diễn dịp Tết đều phải kê thêm ghế.
Danh hài Minh Nhí cũng thẳng thắn cho biết, việc sắp lịch tập tuồng với diễn viên ngôi sao cũng là việc khiến anh ... đau đầu!
Vất vả, áp lực nhưng hạnh phúc vì thầy trò khăng khít
Có vẻ anh đang tập trung toàn lực cho công tác biểu diễn. Vậy còn đào tạo thì sao?
Công tác đào tạo vừa bắt đầu hoạt động trở lại vào tuần này vì thời gian qua, tôi tập trung khai trương và dựng tuồng mới. Tôi đang tuyển sinh khóa 13 và lớp nâng cao. Lớp nâng cao sẽ do NSƯT Nguyễn Công Ninh chủ nhiệm, có sự tham gia giảng dạy của Việt Hương, nghệ sĩ Quốc Thảo và tôi.
Tiêu chí của tôi, đào tạo và biểu diễn là 50-50. Tôi không coi nhẹ mảng nào hết. Cái nghiệp của tôi là giảng dạy để truyền nghề. Biểu diễn là để có nơi cho học trò tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ lớn, để rèn luyện nghề.
Sau này, tôi vẫn tham gia biểu diễn nhưng sẽ cân đối thời gian tập tuồng và thời gian dạy. Có thể, tôi sẽ giảm bớt nhận show bên ngoài, chỉ nhận những show có cát-xê tương đối để gom tiền bù vào sân khấu.
Vất vả như vậy, cảm xúc hiện tại của anh thế nào?
Rất cực. Có niềm vui cũng có áp lực. Tôi nói thật, niềm vui lớn nhất của tôi là học trò có được một sân khấu hoành tráng để phấn đấu. Niềm vui nữa là, từ xưa đến giờ, Việt Hương vẫn luôn quan tâm thăm hỏi thầy nhưng khi làm việc chung, tôi mới thấy được là Việt Hương thương tôi rất nhiều.
Vì nhà ở kế bên sân khấu nên Việt Hương thường xuyên qua và cũng thường xuyên đưa học trò của thầy đi ăn.
Việt Hương không nói mà cứ lặng lẽ làm mọi thứ để hỗ trợ cho thầy. Tình thầy trò càng lúc càng gắn kết hơn. Không chỉ Việt Hương mà cả Hoài Phương, ông xã của Việt Hương nữa. Điều đó làm tôi rất vui, hạnh phúc.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!