(Tổ Quốc) - Đến nay, qua vận hành hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo sự chuyển biến cho sản xuất, đời sống của bà con nông dân, thật sự là “cầu nối” giữa nông dân với thị trường.
Nhiều HTX đạt doanh thu cao
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến ở TP. Đà Lạt - một trong những HTX hoạt động hiệu quả với 30 ha vùng nguyên liệu rau, củ, quả của hơn 20 hộ dân, cho doanh thu 500 triệu đồng/ha/năm. |
Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, các HTX chuyển đổi hoạt động theo mô hình kiểu mới đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Đến cuối năm 2017, cả nước có 20.092 HTX, tổng số vốn điều lệ của khu vực HTX khoảng 34.000 tỷ đồng, bình quân 1,5 tỷ đồng/HTX, thu hút 6,3 triệu thành viên và 2,4 triệu lao động thường xuyên, thu nhập 2,8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX TƯ - cho biết, hiện cả nước có khoảng 1.000 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị thị trường trong nước và xuất khẩu, áp dụng công nghệ cao và đang có xu hướng tăng. Đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế hợp tác (KTHT) và thành viên HTX ngày càng tăng; góp phần quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội như: tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.
Hằng năm, thành lập mới ít nhất 5.000 tổ hợp tác, thành lập mới từ 2.300 hợp tác xã trở lên, xây dựng 1.000 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị; số lượng cán bộ quản lý hợp tác xã tham gia đào tạo, bồi dưỡng tăng 30%; số lượng thành viên và thu nhập của thành viên hợp tác xã tăng 15%; số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả tăng 10%.
Đến năm 2020, cả nước có hơn 100.000 tổ hợp tác, 30.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, trong đó 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; 85% số xã có hợp tác xã, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chiếm 70%; 100% cán bộ quản trị của hợp tác xã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản trị hợp tác xã; số lượng thành viên hợp tác xã 10 triệu người; 50% tổng số hợp tác xã được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đi đầu trong thực hiện theo mô hình hợp tác xã kiểu mới phải nhắc đến một số HTX tại Đà Lạt (Lâm Đồng).
Ngày 6/7/2017, tại khu đất 1,6 ha của Công ty Hoa Mặt trời ở huyện Đức Trọng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển KTTT và HTX đã tới thăm dây chuyền ươm tạo, sản xuất và đóng gói của đơn vị này.
Thành lập từ năm 2004, từ việc nhập trồng thử nghiệm giống hoa lan Hồ điệp và lan Vũ nữ, từ năm 2011, doanh nghiệp này bắt đầu phát triển đại trà, tổ chức liên kết sản xuất và chuyển giao kỹ thuật sản xuất hai giống hoa này cho các hộ nông dân, tổ hợp tác ở Lâm Đồng. Vùng nguyên liệu của công ty này gồm 30 ha trồng hoa lan Vũ nữ (trong đó có 6 ha của công ty) và 2,5 ha trồng hoa lan Hồ điệp, tương ứng liên kết với 52 hộ dân.
Toàn bộ hàng hoá trồng trên đất của các hộ nông dân, tổ hợp tác và đất của công ty được thu hoạch, chuyển đến xưởng đóng gói tập trung xử lý, bảo quản, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu sang Nhật, Australia, Nga, Singapore… bằng đường biển hay phân phối thị trường trong nước. Ước tính doanh thu của lan Vũ nữ là 5 tỷ đồng/ha/năm, cho lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm. Với lan Hồ điệp doanh thu gần 20 tỷ đồng/ha/năm, cho lợi nhuận 7,2 tỷ đồng.
Không chỉ giải quyết thu nhập cho hộ gia đình, Công ty Hoa Mặt trời còn giải quyết việc làm cho 300 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.
Lâm Đồng vốn là địa phương có lợi thế về tự nhiên, lao động trong sản xuất nông nghiệp nên nhiều năm qua, địa phương nổi lên với nhiều mô hình hợp tác sản xuất hiệu quả, cho doanh thu hàng chục tỷ đồng/ha. Cùng với Công ty Hoa Mặt trời, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến ở TP. Đà Lạt cũng là một trong những HTX hoạt động hiệu quả với 30 ha vùng nguyên liệu rau, củ, quả của hơn 20 hộ dân, cho doanh thu 500 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, HTX có nhiều giống cây như rau cải, bó xôi có thời gian quay vòng sản xuất từ 15-25 ngày, xúp lơ có thời gian sản xuất 75 ngày... mang lại thu nhập khá cao.
Chính phủ đặc biệt quan tâm tới phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất
Người tiêu dùng chọn mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.op mart (thuộc Liên hiệp HTX TP Hồ Chí Minh). (Nguồn: TTXVN). |
Sau hơn 2 năm triển khai theo Luật HTX năm 2012, mô hình HTX kiểu mới đã “cởi trói” về cơ chế, chính sách, làm thay đổi bản chất, hình thức hoạt động, tập hợp vốn, thu hút thành viên. Qua đó giúp HTX chuyển mình đi lên, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại như: nhận thức về KTHT, HTX còn hạn chế; KTHT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của các địa phương, vùng kinh tế; xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn...
Để giải quyết những hạn chế của khu vực KTHT, HTX, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo từng đề xuất các giải pháp phát triển khu vực KTHT, HTX giai đoạn 2018- 2020; đồng thời kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí ngân sách nhà nước; thực hiện một số đề án; bổ sung vốn cho các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ để thu hút lao động trẻ có trình độ chuyên môn tham gia quản trị HTX...
Trước mắt, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở Việt Nam bao gồm: Nâng cao nhận thức của người dân và đội ngũ cán bộ có liên quan của hệ thống chính trị về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Thúc đẩy các hợp tác xã đầu tư sản xuất, kinh doanh liên kết chuỗi giá trị thị trường trong và ngoài nước; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng số lượng hợp tác xã thành lập mới, tạo điều kiện cho hợp tác xã huy động các nguồn lực phát triển và hoạt động đúng pháp luật
Về lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, làm gia tăng kinh tế hộ gia đình. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ liên quan sớm sửa Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành một bộ chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Theo đó sẽ cho phép tổ chức, cá nhân được thế chấp tài sản hình thành sau vốn vay, được vay tín chấp để tái đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao...Đối với tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có thông tư hướng dẫn thực hiện cho vay gói tín dụng 100.000 tỷ đồng./.
Hà Giang