• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao (Bài 1): Tín hiệu tích cực từ chính sách tạo đà

Thể thao 23/10/2024 07:30

(Tổ Quốc) - Trong những năm qua, dưới sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, kinh tế thể thao đã có những bước phát triển và mang hiệu quả lớn.

Chính sách tạo ra thuận lợi phát triển

Kinh tế thể thao được xác định là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân. Trong đó, các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến các hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT hoặc gián tiếp phục vụ cho các hoạt động TDTT như sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến thể thao… đều được xem là một phần của kinh tế thể thao. Trong những năm qua, dưới sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, kinh tế thể thao đã có những bước phát triển và mang hiệu quả lớn.

Mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao (Bài 1): Tín hiệu tích cực từ chính sách tạo đà - Ảnh 1.

Các chính sách khuyến khích, đầu tư của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho kinh tế thể thao phát triển mạnh mẽ

Tại Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 31/01/2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới được đánh giá sẽ tiếp tục tạo bước đà thuận lợi cho công tác XHH khi cho phép tăng cường các nguồn lực cho sự nghiệp thể dục, thể thao. Trong đó, đẩy mạnh công tác rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở thể thao đồng bộ, từng bước hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ưu tiên đầu tư một số cơ sở trọng điểm về đào tạo, huấn luyện chất lượng cao; hiện đại hóa các trung tâm huấn luyện, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, cơ sở nghiên cứu khoa học và y học thể thao. Phát triển thị trường thể thao, thúc đẩy hợp tác công - tư, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và cung cấp các dịch vụ thể dục, thể thao.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, ngay trong văn kiện Đại hội VII, mặc dù chưa có cụm từ "XHH các hoạt động thể thao" nhưng đã có đề cập đến việc các CLB, các hội thể thao sẽ tự chủ và chỉ sử dụng một phần ngân sách nhà nước. Đến Đại hội VIII, văn kiện đã đề cập đến việc XHH trong lĩnh vực TDTT. Sau đó Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích XHH các hoạt động TDTT.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, kinh tế thể thao ngày càng được quan tâm và được xác định là ngành có giá trị kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đầu tư vào lĩnh vực này.

Mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao (Bài 1): Tín hiệu tích cực từ chính sách tạo đà - Ảnh 2.

Song hành cùng sự phát triển của thể thao chung, kinh tế thể thao dần cho thấy tầm quan trọng

Cùng với đó, thể chế hóa chủ trưởng của Đảng, Chính phủ đã ban hành sửa đổi bổ sung nhiều văn bản hỗ trợ TDTT nói chung kinh tế thể thao nói riêng, góp phần thu hút những nguồn lực trong toàn xã hội đầu tư cho TDTT.

"Dù chưa có đầy đủ con số thống kê nhưng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước trong hơn 10 năm trở lại đây vào Việt Nam rất nhiều. Sản phẩm hàng hóa của Việt Nam dần chiếm thị trường lớn trên thế giới. Đây được xem là thành công của thể thao nói riêng và kinh tế toàn quốc nói chung. Chính sách "Xã hội hóa" của Đảng và Nhà nước đã mang lại hiệu quả to lớn và là nền móng để phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam" - TS. Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Trong những năm gần đây, dưới những chính sách của Đảng, Nhà nước, nền thể thao chung đã có những bước phát triển mạnh, từ đó tạo điều kiện cho ba "chân trụ" gồm thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp phát triển, đồng thời, đẩy kinh tế thể thao thêm bước tiến mới.

Ví dụ gần đây nhất là sự phát triển của bộ môn Pickleball. Du nhập với Việt Nam từ năm 2018, đến nay Pickleball đã thu hút khoảng 10.000 người theo tập, thi đấu trên toàn quốc, từ đó, các sân tập, đồ dùng, lớp đào tạo cũng tăng mạnh theo. Các giải đấu của Pickleball theo đó cũng được các doanh nghiệp đầu tư, tổ chức với số lượng tăng nhanh.

Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, từ góc độ quản lý, chủ trương XHH nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực TDTT thời gian qua đã tạo ra hành lang pháp lý cũng như điều kiện thuận lợi cho hoạt động TDTT, các doanh nghiệp TDTT phát triển. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chủ trương, chính sách XHH được ban hành kịp thời đã tháo gỡ được những vấn đề phát sinh cần được quản lý, hướng dẫn để các môn thể thao phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức các dịch vụ TDTT.

Cùng với đó là sự phát triển của kinh tế xã hội, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, sự quan tâm của người dân với thể thao ngày càng lớn. Đây cũng là ngành nghề có thể kinh doanh, tạo dựng thương hiệu. Bởi vậy, việc đầu tư vào công tác tổ chức hoạt động, sự kiện TDTT luôn thu hút rất nhiều doanh nghiệp tham gia...

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác XHH TDTT gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thiết chế TDTT luôn biến đổi để thích ứng với sự phát triển không ngừng của xã hội.

Vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ

Theo Cục trưởng Đặng Hà Việt, khi thiết chế kinh tế chuyển đổi từ tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN thì thiết chế TDTT cũng phải chuyển đổi, công tác tăng cường thể lực cho người dân từ chỗ được coi là nhiệm vụ riêng của ngành TDTT nay phải chuyển thành nhiệm vụ chung của toàn xã hội và của mỗi người dân.

Mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao (Bài 1): Tín hiệu tích cực từ chính sách tạo đà - Ảnh 3.

Dù vậy, chính sách khuyến khích đầu tư mới chỉ dừng ở khuyến khích tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, còn những dịch vụ liên quan như thi đấu, tập luyện, đào tạo… thì chưa có

Bên cạnh đó, còn có những khó khăn về nhận thức cũng như kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các chính sách về XHH cũng như phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam. Cho đến nay, hầu như không có bộ máy tổ chức, nhân sự chuyên trách về kinh tế thể thao.

'Cơ sở hạ tầng về thể thao nhìn chung đã lạc hậu, xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, gây cản trở tới quá trình hội nhập cũng như phát triển kinh tế thể thao. Môi trường pháp lý chưa thực sự thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế thể thao. Các chính sách khuyến khích, ưu đãi tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế thể thao còn thiếu. Quy hoạch đất và bố trí đất cho TDTT còn gặp nhiều khó khăn…" – Cục trưởng Đặng Hà Việt.

Hệ thống pháp luật về TDTT được chi thành 2 nhóm gồm nhóm điều chỉnh trực tiếp các hoạt động TDTT và nhóm các văn bản có liên quan, đặc biệt làm các quy định liên quan đến khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực, chính sách thuế đối với hoạt động TDTT.

Ông Lê Thanh Liêm, Chánh thanh tra Bộ VHTTDL cho biết: "Về nhóm điều chỉnh trực tiếp các hoạt động TDTT chúng ta đã có những quy định rất rõ từ các luật, quy định về thể thao cho mọi người đến thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp. Chúng tôi đánh giá, hiện nay hệ thống này chưa phát sinh vướng mắc. Tuy nhiên, nhóm các văn bản có liên quan, đặc biệt làm các quy định liên quan đến khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực, chính sách thuế đối với hoạt động TDTT đang gặp một số vướng mắc lớn".

Lấy ví dụ về hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư, ông Lê Thanh Liêm cho rằng, nhóm Văn hóa, Thể thao, Du lịch nằm trong lĩnh vực khuyến khích đầu tư nhưng chỉ dừng ở khuyến khích tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, còn những dịch vụ liên quan như thi đấu, tập luyện, đào tạo… thì chưa có. Hay đối với chính sách về XHH, dù đã có từ lâu, nhưng để được hưởng chính xác XHH, các doanh nghiệp cần phải đạt những điều kiện, tiêu chuẩn nhất định.

Trong thời gian qua, Thanh tra Bộ VHTTDL đã triển khai thanh tra về công tác quản lý nhà nước với 38 Liên đoàn, Hiệp hội thể thao và đưa ra 8 tồn tại hạn chế, 5 nguyên nhân cùng 7 kiến nghị giải pháp. Trong đó tập trung vào tháo gỡ vướng mắc, tạo sự thông thoáng về mặt cơ chế, pháp lý, giao nhiều hoạt động tác nghiệp cho Liên đoàn, Hiệp hội.

"Tới đây chúng ta sẽ phải sửa đổi để có thể tạo điều kiện trực tiếp cho các Liên đoàn, Hiệp hội. Những vướng mắc này chúng ta sẽ từng bước làm sao hoàn thiện hơn. Quan trọng, chúng ta phải làm sao chứng minh được sự thay đổi là cần thiết, tạo điều kiện cho kinh tế thể thao phát triển" – Ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh./.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ