• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao (Bài 2): Nhìn từ những sự kiện "bạc tỷ" đến phương hướng mới nâng cao nguồn thu

Thể thao 24/10/2024 07:15

(Tổ Quốc) - Trong những năm qua, trên khắp cả nước, những sự kiện thể thao có quy mô liên tục được tổ chức, thu hút sự tham dự của hàng ngàn người. Từ những tiền đề này, ngành thể thao cùng các đơn vị liên quan có thể đưa ra những kế hoạch nâng tầm quốc tế, tạo ra nguồn thu lớn.

Bài học từ những "người hàng xóm"

Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn được đánh giá là một trong số các quốc gia có nền thể thao phát triển hàng đầu châu Á và giành được nhiều thành tích cao tại các đấu trường thể thao lớn như Olympic, ASIAD hay giải bóng đá World Cup, Asian Cup...Từ những thành tích cao tại các đấu trường quốc tế, thể thao Hàn Quốc có điều kiện thuận lợi để tự kiếm tiền từ các nguồn xã hội hóa (XHH) cũng như nguồn đầu tư, tài trợ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao (Bài 2): Nhìn từ những sự kiện "bạc tỷ" đến phương hướng mới nâng cao nguồn thu - Ảnh 1.

Hiệu quả kinh tế từ Thế vận hội 1988

Ông Oh Yeong Woo, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Hàn Quốc chia sẻ, để có được nền kinh tế thể thao phát triển như hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một chiến lược phát triển thể thao dài hạn với những điểm nhấn là các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Đây là yếu tố cốt lõi giúp Hàn Quốc thu về nguồn lợi kinh tế khủng, đồng thời thúc đẩy lan tỏa văn hóa đặc trưng.

"Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn (Mega Sport Event) như Thế vận hội mùa hè Seoul 1988, World Cup Nhật Bản - Hàn Quốc 2002, ASIAD Incheon 2014, Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018… Những sự kiện này đã mang lại những kết quả lớn như việc xây dựng, nâng cấp sân vận động, hệ thống giao thông đường bộ... cũng như nâng cao hình ảnh quốc gia, giúp Hàn Quốc có kinh nghiệm tổ chức những sự kiện lớn..." - Ông Oh Yeong Woo cho biết.

Từ việc nâng cao hình ảnh quốc gia, các sự kiện thể thao đã đem lại nguồn thu hiệu qua về mặt kinh tế. Lấy ví dụ ở hai sự kiến là Olympic 1988 và World Cup 2002, nguồn thu không chỉ được tạo ra vào thời điểm tổ chức sự kiện, mà còn được duy trì trong suốt những năm tiếp theo.

Cụ thể, tại Olympic 1988, sự kiện này mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn với khoảng 2,7 nghìn tỉ won (tương đương 2 tỉ USD) cho đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng; khoảng 400 tỉ won (300 triệu USD) khôi phục ngành du lịch và tăng lượng khách nước ngoài và khoảng 330.000 việc làm được tạo ra. Thông qua Thế Vận hội, Hàn Quốc đã quảng bá thế giới văn hóa, vẻ đẹp đất nước, từ đó, tăng cao số lượng khách du lịch.

Mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao (Bài 2): Nhìn từ những sự kiện "bạc tỷ" đến phương hướng mới nâng cao nguồn thu - Ảnh 2.

Hiệu quả kinh tế từ World Cup 2002

Theo thống kê, trước Thế Vận hội, số người nước ngoài đến thăm Hàn Quốc chưa đến 2 triệu người. Nhưng sau đó, số lượng khách nước ngoài đã tăng đều đặn, đạt 17,5 triệu du khách mỗi năm vào năm 2019 (trước đại dịch COVID).

Trong khi đó, World Cup 2002 được đánh giá là bước đệm để Hàn Quốc này tăng trưởng toàn diện với tổng hiệu quả kinh tế mà giải đấu mang lại là khoảng 8,9 nghìn tỉ won (tương đương 6,6 tỉ USD). Không những vậy, từ sự kiện này, văn hóa thần tượng của Hàn Quốc (Hallyu) đã được lan tỏa toàn thế giới và sau cùng là mang lại nguồn thu kinh tế khổng lồ.

Một trong những yếu tố quan trọng để đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn là sự quan tâm, hậu thuẫn của chính quyền quốc gia cũng như địa phương đăng cai tổ chức. Thực tế, ở Việt Nam, một số địa phương đã đi đầu trong việc tổ chức các giải đấu, sự kiện quốc tế mà tiêu biểu là Hà Nội với một số giải đấu quốc tế gần đây như Hanoi Open Pool Championship lần thứ hai năm 2024, Giải bóng đá nữ quốc tế Hà Nội - Cup T&T Group 2024… Những giải đấu trên không chỉ thu hút những VĐV hàng đầu thế giới tham dự mà còn góp phần quảng bá hình ảnh, con người Hà Nội thông qua các sự kiện bên lề.

Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội khẳng định, kinh tế có sự liên quan mật thiết với thể thao và kinh tế thể thao cũng có sự ảnh hưởng tới các mặt của xã hội. Lấy ví dụ về SEA Games 22 năm 2003 được tổ chức tại Việt Nam, ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, đây là sự kiện không chỉ có ảnh hưởng trong thể thao, mà còn có sức ảnh hưởng tới tất cả mọi lĩnh vực, ngành nghề.

"Năm 2023 ngành VHTT có đóng góp rất lớn trong ngành kinh tế, thu nội địa. Riêng thu ngân sách của Hà Nội trong 9 tháng đầu năm đạt 353 ngàn tỷ, đạt 93,3%. Qua đó có thể thấy đóng góp của ngành VHTT là rất lớn" – Ông Đỗ Đình Hồng nói.

Theo ông Đỗ Đình Hồng, để có được những sự kiện quốc tế lớn, yếu tố đầu tiên cần quan tâm tới thị trường: "Ví dụ như ở thể thao, điều chúng ta cần quan tâm đến lứa tuổi, bộ môn, khu vực… từ đó xây dựng sản phẩm. Sau khi có được "sản phẩm", yếu tố tiếp theo cần có dịch vụ kết nối để đưa sản phẩm tới thị trường. Đây là bộ ba rất quan trọng mà các nhà quản lý cần chú ý và Hà Nội hiện đang đi theo "con đường" này".

Việt Nam đủ nguồn lực tổ chức các sự kiện quốc tế lớn

Trên thực tế, ở Việt Nam những sự kiện thể thao có quy mô lớn đã được tổ chức rất nhiều và thu hút được đông đảo lượng người tham dự. Đơn cử với các giải chạy, theo thống kê số liệu từ Outbox, trong năm 2023, Việt Nam có hơn 35 giải chạy marathon quy mô với sự tham gia khoảng 200.000 người tham dự (tính từ 8/2022 đến 8/2023) rải rác khắp các tỉnh thành. Với mỗi giải chạy, địa phương không chỉ tạo ra nguồn thu từ các dịch vụ, mà còn giúp thúc đẩy việc làm, quảng bá hình ảnh du lịch.

Mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao (Bài 2): Nhìn từ những sự kiện "bạc tỷ" đến phương hướng mới nâng cao nguồn thu - Ảnh 3.

Trong năm 2023, Việt Nam có hơn 35 giải chạy marathon quy mô với sự tham gia khoảng 200.000 người tham dự (tính từ 8/2022 đến 8/2023) rải rác khắp các tỉnh thành

Với Hà Nội, một trong những địa phương đi đầu về văn hóa, thể thao, tính đến hết tháng 10/2023, trên địa bàn Thủ đô Hà đã tổ chức hơn 2.200 hoạt động sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao; trong đó có 1.594 chương trình biểu diễn nghệ thuật; gần 40 chương trình thể dục thể thao lớn.

"Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng tôi đã hiện thực hóa những nội dung về lĩnh vực thể thao. Trong Luật Thủ đô 2024, những vấn đề, băn khoăn về thiết chế văn hóa, thể thao; hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn và thuộc quyền quản lý của Thủ đô sẽ được áp dụng theo luật và do HĐND Thành phố quyết định. Điều này sẽ tạo đà thuận lợi cho các hoạt động phát triển" – Ông Đỗ Đình Hồng nói.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư trong Luật Thủ đô được tạo cơ chế ưu đãi lớn. Cụ thể, trong khoản 1, điều 43 về ưu đãi đầu tư có nếu: "Dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, văn hóa ẩm thực theo danh mục chi tiết do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định".

Mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao (Bài 2): Nhìn từ những sự kiện "bạc tỷ" đến phương hướng mới nâng cao nguồn thu - Ảnh 4.

Sự kiện SEA Games 31 là được tổ chức thành công tại Việt Nam góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch, văn hóa sôi động hơn, tạo cú hích cho phục hồi kinh tế

Quy định này cho tạo điều kiện rất lớn với việc thu hút đầu tư vào những dự án. Đầu tiên, những dự án này được miễn thuế đất, mặt nước trong 10 năm liên tục và giảm 50% trong những năm tiếp theo. Tiếp theo, với thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng ở mức 5% trong 4 năm đầu tiên và 9 năm sau áp dụng ở mức 50%.

"Sau SEA Games 31, dù phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19, nhưng chúng ta đã cho bạn bè quốc tế thấy trình độ tổ chức sự kiện tốt như thế nào. Do vậy, tôi rất mong muốn giữa các cơ quan của Bộ và Thành phố về các thiết chế, thể chế có sự phối hợp sát sao, sự vào cuộc, chung tay của các bên" – Ông Đỗ Đình Hồng bày tỏ.

Với 3 yếu tố được ông Đỗ Đình Hồng đề cập ở trên gồm người tiêu dùng, thị trường và sản phẩm, không ít những Liên đoàn, Hiệp hội dù "sinh sau đẻ muộn" như Hội Bóng rổ nhà nghề Việt Nam (VBA), Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam (VBSF)… đã áp dụng thành công và có sự phát triển nhanh chóng theo hướng chuyên nghiệp và tạo được doanh thu từ nhiều nguồn như quảng cáo, tài trợ, bản quyền… Tuy nhiên, cũng có những liên đoàn thể thao không có điều kiện thương mại hóa mà vẫn trông chờ sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam Bạch Ngọc Chiến, hiện nay, ngân sách Nhà nước cho thể thao được cấp chủ yếu qua Cục Thể dục thể thao và các Sở VHTT, từ đó, phân bổ lại ngân sách cho các đơn vị phục vụ đào tạo huấn luyện viên và tổ chức các giải thi đấu.

"Theo quy định hiện tại, các tổ chức xã hội phải hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Trong đó, Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho những chương trình mà Nhà nước đặt hàng. Nếu áp dụng đúng nguyên tắc đặt hàng này vào thể thao, tức là Nhà nước cấp ngân sách trực tiếp cho các liên đoàn thể thao dưới dạng đơn đặt hàng. Thì chắc chắn, thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ" - ông Bạch Ngọc Chiến chia sẻ./.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ