(Tổ Quốc) - Bài học kinh nghiệm được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện quan điểm “dân là gốc”, đồng thời bổ sung thêm cụm từ “dân thụ hưởng” trong việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thực sự khắc sâu quan điểm "dân là gốc"
Trong bài phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 27/1, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết, trong suốt quá trình lãnh đạo, với quan điểm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.
Theo đó, một trong những bài học quan trọng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử là bài học "Lấy dân làm gốc", phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và nguồn lực của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây là tư tưởng xuyên suốt góp phần cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vượt qua mọi khó khăn và đạt được nhiều thắng lợi.
Xuyên suốt trong các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là báo cáo do Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trình bày đã đề cập rất sâu sắc và toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, bài học kinh nghiệm quán triệt quan điểm "dân là gốc" và bổ sung thêm cụm từ "dân thụ hưởng" trong việc thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Trao đổi bên hành lang Đại hội, Đại tá Lê Khắc Thuyết - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc bổ sung thêm cụm từ "dân thụ hưởng" thể hiện nguyện vọng, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước tới nhân dân, thực sự khắc sâu quan điểm "dân là gốc".
Cũng theo Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, chúng ta đã xác định những mục tiêu, định hướng lớn trong thời gian tới. Những quan điểm chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng…đều hướng tới mục tiêu vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân.
Mục tiêu phát triển nhằm mục đích do dân và vì dân
Cùng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Lê Tiến Châu - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, việc nêu yếu tố "dân thụ hưởng" trong văn kiện Đại hội là một bước phát triển trong nhận thức và quan điểm phát triển của đất nước ta.
"Chúng ta vẫn thường nhắc tới quá trình "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát", đó chính là quá trình dân đóng góp. Từ quá trình đóng góp đó thì nhân dân phải được thụ hưởng. Đây chính là quá trình phát triển về mặt nhận thức, quan tâm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Người dân xứng đáng được hưởng điều đó" - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nói.
Theo ông Lê Tiến Châu, sau Đại hội XIII của Đảng sẽ có Nghị quyết Đại hội và hệ thống các văn kiện rất bài bản và phù hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là chúng ta phải tổ chức thực hiện những điều đã đặt ra trong văn kiện thật tốt hướng tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Nhắc lại phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu", đại biểu Nguyễn Văn Hoà - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum cho rằng, việc bổ sung thêm cụm từ "dân thụ hưởng" trong các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng chứng tỏ rằng Đảng đã đưa ra các mục tiêu phát triển đó là nhằm mục đích do dân và vì dân.