• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mong muốn Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ đề cập thẳng thắn những vấn đề tồn tại, tìm ra nguyên nhân và giải pháp phù hợp

Văn hoá 24/11/2021 09:09

(Tổ Quốc)- Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11 tại Hà Nội, kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành, được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam... Ngay trước thềm Hội nghị phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc đã ghi nhận những tâm tư, kỳ vọng của một số văn nghệ sĩ, chuyên gia.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia: Công nghiệp văn hóa cũng là nền kinh tế mũi nhọn

Bảo tồn di tích, di sản văn hóa là thực hiện quyền văn hóa của con người. Tức là quyền tiếp cận, quyền hưởng thụ, quyền tham gia hoạt động sáng tạo. Di sản văn hóa là thông tin, thông điệp văn hóa mà thế hệ cha ông gửi cho chúng ta. Mà thông tin ấy, thông điệp văn hóa ấy được vật chất hóa vào các di sản văn hóa. Cái chúng ta cần là giá trị phi vật thể, nhưng phần vỏ không còn thì thông tin cũng biến mất. Nhưng cái chính chúng ta cần truyền tải là thông tin, giá trị tinh thần. Bản thân lưu trữ chúng ta hiện nay vẫn là giá trị vật thể: bản chụp, hình ảnh… dễ mất mát, hư hỏng, hỏa hoạn. Lưu trữ bằng công nghệ số sẽ giảm bớt. Phần tích, xử lý, triết xuất lượng thông tin lớn, nhiều lĩnh vực khác nhau. Đọc hồ sơ nào biết hồ sơ đó. Phân tích, lưu trữ, khả năng khai thác lớn. Đặc biệt, tài nguyên du lịch cho phép tiếp cận di tích từ nhà mình, lựa chọn nó nằm ở đâu, đến đó thăm cái gì, chính là tạo quyền dân chủ, tự do lựa chọn của du khách. Tạo cơ hội học tập suốt đời, không qua thầy giáo, hướng dẫn viên mà họ tự học, tự rút ra kết luận, tự nhận thức, sẽ nhớ lâu hơn, tích cực hơn.

Mong muốn Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ đề cập thẳng thắn những vấn đề tồn tại, tìm ra nguyên nhân và giải pháp phù hợp - Ảnh 2.

PGS.TS Đặng Văn Bài

Công cụ kỹ thuật là cánh tay nối dài, tăng hiệu quả bảo tồn, con người phải tư liệu hóa di sản đó, chuyển tư liệu ấy sang dạng số. Xuất hiện khái niệm mới là di sản số, di sản số là những giá trị lịch sử văn hóa những thông tin tư liệu đã được số hóa thành hệ thống được lưu trữ dưới dạng big data và được kết nối mạng toàn thế giới. Biến di sản thành tư liệu hóa di sản, biến tư liệu hóa di sản thành di sản số. là mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số trong di sản. Giúp tiếp cận dễ dàng, hưởng thụ tốt hơn, không bị cản trở bởi không gian, thời gian chỉ cần một chiếc smartphone.

Kỳ vọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ chú trọng đến công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, việc khai thác tích cực, chủ động, sử dụng công nghệ số trong công nghiệp văn hóa thì giá trị sẽ tăng lên rất nhiều, tạo ra nguồn lực để phát triển đất nước. Công nghiệp văn hóa cũng là nền kinh tế mũi nhọn trong đó tiêu biểu nhất là du lịch văn hóa, du lịch di sản là ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia. Nước ta, tổng thu du lịch 2010 là 95 nghìn tỉ nhưng 2019 là 720 nghìn tỉ. Nếu có sự góp của công nghệ số vào sẽ tăng rất nhiều. Nếu công nghiệp điện ảnh, như Anh, Mỹ, Hàn Quốc đã thành thương hiệu, người ta sử dụng điện ảnh để quảng bá di sản, du lịch, mỹ phẩm.

Chúng ta cần có định hướng phát triển văn hóa, có đổi mới. Chúng ta nhớ từ sau năm 1986, nhiều lĩnh vực thay da đổi thịt, chúng ta hội nhập và giao lưu văn hóa rất tốt. Trước đây chúng ta quan tâm đổi mới kinh tế, chính trị, nhưng lần này, dưới sự quan tâm của Tổng Bí thư, tôi tin chúng ta có những đổi mới đột phá hơn, đặc biệt là đổi mới về tư duy, tư duy phải đi trước một bước rồi từ đó đổi mới hành động thực tiễn mới tạo hiệu quả xã hội. Văn hóa phải là lực lượng vật chất chứ không chỉ là tinh thần.

Phát huy nguồn lực nội sinh văn hoá, con người Việt Nam

Khi được hỏi về Hội nghị Văn hóa toàn quốc đang diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn (Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế) nhận định, đây là sự kiện lớn, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Điều đó cho thấy tính thời sự, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng văn hóa hiện nay.

Hội nghị diễn ra sẽ góp phần rất quan trọng định hướng cho sự phát triển văn hóa nước nhà trong thời gian tới, thực hiện đúng theo tư tưởng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, theo đúng định hướng nội dung phát triển văn hóa giai đoạn 2021-2030, đó là: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước".

Người dân kỳ vọng tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - Ảnh 3.

Ảnh minh họa (Lê Chung)

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng mừng về văn hóa. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề tồn tại.

Khẳng định sự đúng đắn của định hướng nội dung phát triển văn hóa, giai đoạn 2021-2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Nguyễn Anh Tuấn đóng góp ý kiến, để xây dựng và phát triển đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chúng ta nhất định phải dựa vào, phải phát huy được hết nguồn lực tiềm tàng vốn có - nguồn lực nội sinh văn hoá, con người Việt Nam.

"Trong lịch sử, các tiền nhân đi trước đã đúc kết và có lòng tự hào về văn hóa dân tộc. Đơn cử trong Bình Ngô đại cáo, cụ Nguyễn Trãi có câu: "Như nước Đại Việt ta từ trước/ vốn xưng nền văn hiến đã lâu". Nền văn hóa đó được đúc kết qua nhiều thế hệ dân tộc, trải qua biết bao lần "thanh lọc" để bây giờ còn lưu giữ lại những gì được coi là tinh túy nhất.

Tôi kỳ vọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này sẽ một lần nữa xác định và bảo tồn lại những giá trị văn hóa được coi là cô đọng và tinh túy nhất. Qua đó, nhân rộng để tạo thành một nếp sống, cách cư xử chuẩn mực và đúng chuẩn nhất", ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Ca sĩ Quang Hào (Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng): Mong muốn Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ đề cập thẳng thắn những vấn đề tồn tại, tìm ra nguyên nhân và giải pháp phù hợp

Là một nghệ sĩ, đồng thời là lãnh đạo của một đơn vị nghệ thuật, tôi rất quan tâm đến sự kiện quan trọng này và thật vui mừng khi việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam được đặt ra.

Tôi kỳ vọng "Hội nghị Diên Hồng" về văn hóa lần này là dịp để nhìn nhận đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa; từ đó có thể đầu tư xứng tầm cho văn hóa, đầu tư chất lượng hoạt động văn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực làm văn hóa, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa…

Thực tế, những ồn ào của showbiz Việt trong thời gian qua xoay quanh việc làm từ thiện, quảng cáo; chuyện khán giả có "nuôi" nghệ sĩ hay không; rồi nhiều nghệ sĩ bị xử phạt vì phát tán tin giả, tin sai lệch về Covid-19… khiến không ít khán giả thất vọng, hoài nghi về các giá trị chân - thiện - mỹ.

Mong muốn Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ đề cập thẳng thắn những vấn đề tồn tại, tìm ra nguyên nhân và giải pháp phù hợp - Ảnh 3.

Ca sĩ Quang Hào

Vậy thì làm sao để showbiz Việt không còn là nơi dung dưỡng cho những scandal như vậy? Phải chăng sự tự do thái quá trên môi trường mạng khiến người nổi tiếng có cách hành xử thiếu văn hóa, phát ngôn thiếu cẩn trọng, làm ảnh hưởng đến giới nghệ sĩ nói chung và tác động tiêu cực đến công chúng trẻ?

Thiết nghĩ, đó là những vấn đề cần được đặt ra trong việc xây dựng con người văn hóa, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề cập: "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại".

Trong khi đó, việc làm nghệ thuật ở địa phương chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Chẳng hạn, những năm gần đây, các nhà hát trên địa bàn TP Đà Nẵng (trong đó có Nhà hát Trưng Vương) đã tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều nghệ sĩ được đào tạo bài bản, có năng lực, kỹ năng biểu diễn, từng đoạt giải cao tại các cuộc thi được giao vị trí quan trọng trên sân khấu, góp phần mang lại làn gió mới. Chúng tôi đã tập luyện nhiều chương trình nghệ thuật mới, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài và các đơn vị lữ hành trong nước để biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Tuy nhiên, thật khó để duy trì lâu dài những chương trình như vậy. Chưa kể dù được lãnh đạo TP Đà Nẵng quan tâm, đầu tư, nhưng chúng tôi gặp khó khăn chưa từng có khi phải đóng cửa hai năm nay do ảnh hưởng Covid-19.

Vì vậy, tôi mong muốn Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ đề cập thẳng thắn những vấn đề tồn tại, tìm ra nguyên nhân và giải pháp phù hợp; từ đó thực sự tạo lực đẩy cho văn hóa, để các nghệ sĩ có năng lực ở các địa phương có thể dành hết tâm sức cho hoạt động nghệ thuật và sống được với nghề - Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng bày tỏ.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng): Hội nghị cần bàn về công tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống

Vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc ngày càng trở nên quan trọng đối với các quốc gia - dân tộc. Âm nhạc truyền thống, cũng như mọi giá trị đặc trưng khác của dân tộc, là vốn liếng lớn nhất để bồi đắp tâm hồn và nhân cách của mỗi người.

Ở nước ta, vấn đề đặt ra là cơ chế tự chủ khiến các đơn vị nghệ thuật nói chung và các đơn vị nghệ thuật truyền thống nói riêng khó có thể duy trì hoạt động nếu chỉ trông chờ vào doanh thu biểu diễn, huống gì trong bối cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng Covid-19 và trong lúc người dân dễ dàng tiếp cận với rất nhiều loại hình giải trí.

Sau khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng) từ ngày 1-1-1997, đoàn Cải lương Sông Hàn và đoàn Kịch nói Quảng Nam - Đà Nẵng giải thể, đoàn Dân ca kịch chuyển vào tỉnh Quảng Nam. Hiện chỉ còn một đoàn nghệ thuật truyền thống thuộc TP Đà Nẵng là đoàn Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Mong muốn Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ đề cập thẳng thắn những vấn đề tồn tại, tìm ra nguyên nhân và giải pháp phù hợp - Ảnh 4.

Từ đầu năm đến nay, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chỉ biểu diễn 24 buổi, còn phần lớn đóng cửa theo quy định để phòng, chống Covid-19. Nhà hát đã phải hủy toàn bộ suất diễn theo đơn đặt hàng của ngành du lịch, các lễ hội truyền thống và cũng không thể thực hiện kế hoạch lưu diễn phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa - NSƯT Trần Ngọc Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, các nghệ sĩ Nhà hát vẫn duy trì lịch tập các chương trình, hoàn thiện vở diễn để sẵn sàng phục vụ người dân, du khách và tham gia các liên hoan, hội diễn tuồng toàn quốc... Đó cũng là cách để các nghệ sĩ giữ lửa nghề trong lúc chúng ta vẫn loay hoay với bài toán: Bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng cách nào?

Thiết nghĩ, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này cần bàn về công tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Chẳng hạn, làm sao để tuồng tiếp cận công chúng khi loại hình này rất kén khán giả? Nếu chúng ta không thật sự suy nghĩ đau đáu vấn đề này thì nghệ thuật truyền thống (trong đó có nghệ thuật tuồng) sẽ có nguy cơ bị mai một. Chúng ta không thể trách giới trẻ quay lưng với nghệ thuật truyền thống nếu chính người lớn thờ ơ...

Mong muốn Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ đề cập thẳng thắn những vấn đề tồn tại, tìm ra nguyên nhân và giải pháp phù hợp - Ảnh 5.

Một vở diễn Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh

Tiếp cận nghệ thuật trước hết phải bằng cảm xúc, rồi mới đến hiểu biết, nên càng được nghe nhiều thì sẽ cảm nhiều và sẽ càng bồi đắp thẩm mỹ. Đó là lý do mà Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh từng đưa tuồng xuống phố và đưa tuồng vào trường học. Chúng tôi mong muốn các em nhỏ biết bộ môn tuồng hay, đẹp như thế nào; các động tác tuồng và cách thức hóa trang tuồng cho các nhân vật ra sao… Tiếc là do ảnh hưởng dịch bệnh nên dự án đành gác lại gần 2 năm nay. Và cũng tiếc là các nghệ sĩ tuồng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống (đa số đang hưởng lương viên chức hạng B, hệ số lương 1,86 đến 4,06, diễn viên nghệ thuật truyền thống ít có cơ hội đi làm thêm…), nên họ khó toàn tâm toàn ý với nghề.

Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại". Vậy thì chúng ta nhất định phải phát huy nguồn lực nội sinh văn hóa, con người Việt Nam.

Để bảo tồn nghệ thuật truyền thống, rất cần các nhà hoạch định chính sách có tầm nhìn lớn và có cái tâm thiết tha với văn hóa dân tộc, muốn xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) bày tỏ.


Nhóm PV thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ