(Tổ Quốc) - Bác sĩ cho hay, có một bộ phận cơ thể bị viêm thì nên đến bệnh viện khám ngay đó là viêm dạ dày.
Viêm là một phản ứng miễn dịch do cơ thể con người tạo ra để loại bỏ các mô hoại tử và ngăn ngừa nhiễm trùng khi bị tổn thương. Tình trạng viêm nhiễm chưa hẳn đã nguy hiểm nhưng nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Báo cáo của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) - cơ quan thuộc WHO cho thấy cứ 6 ca ung thư trên thế giới thì có 1 ca có nguyên nhân do viêm.
Bác sĩ Wang Bojun trưởng khoa tiêu hóa của Bệnh viện trực thuộc trường Đại học Y khoa Ninh Ba, Trung Quốc) cho hay: Viêm mãn tính thường kéo dài trong nhiều năm, điều ấy gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống miễn dịch, có thể gây ra tổn thương DNA, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Bác sĩ cho hay, có một bộ phận cơ thể bị viêm thì nên đến bệnh viện khám ngay đó là viêm dạ dày. Nếu không được điều trị, viêm dạ dày có thể dẫn đến loét dạ dày và xuất huyết dạ dày. Bên cạnh đó, viêm dạ dày còn có thể do vi khuẩn Helicobacter pylori, một khi đã nhiễm loại vi khuẩn này thì khả năng hình thành ung thư dạ dày sẽ rất cao.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) vào danh sách các tác nhân gây ung thư loại 1, do đó bạn không nên chủ quan.
Từ viêm dạ dày đến ung thư dạ dày thường trải qua 4 bước
- Bước 1: Viêm dạ dày mãn tính
Viêm dạ dày là quá trình viêm và phù nề trên lớp niêm mạc dạ dày. Thông thường bác sĩ sẽ chẩn đoán thông qua việc nội soi.
Trên thực tế, viêm dạ dày mãn tính rất dễ khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm là chứng khó tiêu không loét, nhưng sự thật là niêm mạc dạ dày đã bị viêm mãn tính.
- Bước 2: Viêm teo dạ dày
Viêm teo dạ dày không có những triệu chứng cụ thể. Một số triệu chứng phổ biến nhất là đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, trào ngược axit, buồn nôn, chán ăn.
Viêm dạ dày teo là tổn thương tiền ung thư, sau khi trải qua nhiều giai đoạn và đột biến gen nó sẽ phát triển thành ung thư dạ dày.
- Bước 3: Siêu vi khuẩn đường ruột
Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương nhiều lần, những vi khuẩn thường chỉ có trong ruột đã phát triển trong dạ dày, dẫn tới viêm dạ dày đường ruột.
Nếu tình trạng ngày càng nặng thêm thì đây chính là giai đoạn đầu của ung thư dạ dày.
- Bước 4: Ung thư dạ dày
Sau 3 bước phát triển, ung thư dạ dày dần dần lộ ra những biểu hiện rõ rệt. Đây là một trong những khối u ác tính phổ biến nhất nhưng lại không có những triệu chứng ban đầu rõ ràng, điều này dẫn tới việc điều trị bị chậm trễ.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh ung thư dạ dày nhất?
1. Những người có thói quen sống không lành mạnh như uống bia rượu, hút thuốc lá, ít vận động trong thời gian dài.
2. Những người có vấn đề về dạ dày như bị nhiễm khuẩn HP, từng phẫu thuật hoặc bị viêm loét dạ dày.
3. Những người mắc bệnh thiếu máu ác tính.
4. Những người có tiền sử gia đình từng mắc khối u.
5. Những người thích ăn ngọt, ăn mặn, thực phẩm hun khói.
6. Đàn ông trên 40 tuổi.