• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia kêu cứu

Văn hoá 30/03/2017 08:09

(Tổ Quốc) - Nằm kề bên phá Tam Giang, làng Thủ Lễ thuộc xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế có tuổi đời hàng trăm năm. Tại đây vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của một làng quê xứ Huế, đặc biệt là Đình Thủ Lễ.

Làng cổ ở xứ Huế

Làng Thủ Lễ được hình thành vào khoảng giữa thời nhà Lê (1428 -1788). Theo tiếng Hán, tên làng “Thủ Lễ” có nghĩa là “giữ lễ”. Thủ Lễ vốn là một ngôi làng thuần nông, nhưng đây cũng là vùng đất văn vật với nhiều công trình văn hóa đặc sắc như đình, chùa, miếu thờ.. Về làng Thủ Lễ nhất định phải ghé thăm ngôi đình cổ của làng. Đây không chỉ là một công trình nghệ thuật của địa phương mà còn là một di tích nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu vùng ven đô của Huế với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn dân gian thế kỷ XIX.

Đến nay chưa có tài liệu nào ghi rõ thời gian xây dựng của Đình Thủ Lễ. Theo người dân làng, Đình Thủ Lễ đã trải qua 3 lần đại trùng tu, lần trùng tu thứ 3 là vào năm 1893 tức năm Thành Thái thứ 5.

Quang cảnh bên ngoài của ngôi đình cổ có tuổi đời hơn 200 năm.

Đình Thủ Lễ là một trong những kiến trúc nhà rường truyền thống tiêu biểu ở Thừa Thiên – Huế, có kiểu dáng, kỹ thuật, mỹ thuật mang tính đặc thù của thời Nguyễn.  Đình được xây dựng với kiến trúc có 5 gian, 2 chái kết cấu bằng gỗ vững chãi, hệ thống vì kèo được chạm trổ tinh xảo, mái đình lợp ngói âm dương.

Trên bờ nóc, bờ quyết trang trí hình tượng tứ linh, tạo điểm nhấn mỹ thuật và biểu trưng cho đời sống văn hóa tinh thần của cư dân vùng đồng bằng ven phá Tam Giang với mong ước cầu cho mưa thuận, gió hòa, thái bình và thịnh vượng.

Đình Thủ Lễ cũng là nơi thờ các vị Phúc thần, Nhân thần phù hộ, các vị thần linh Thủy tổ có công xây dựng nên làng Thủ Lễ. Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử, thời tiết nhưng những dấu ấn kiến trúc ban đầu cơ bản vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều di vật, hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa như: 57 đạo sắc phong của các đời Vua Nguyễn ban tặng cho làng và những người có công gây dựng, mở mang làng Thủ Lễ; các bức hoành sơn son thiếp vàng bằng chữ Hán; hệ thống câu đối, bia đá; một khánh đá dùng để làm hiệu lệnh để tập hợp dân làng,

Năm 1999, Đình Thủ Lễ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia.

Hằng năm, Đình Thủ Lễ còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa lễ hội của dân làng và các vùng lân cận, đặc biệt là “Lễ hội vật truyền thống làng Thủ Lễ” vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch. Vào ngày này, sới vật được mở ngay trước sân đình để cho trai tráng kéo về tranh tài, thử sức. Hiện nay ở Thừa Thiên – Huế, cùng với vật làng Sình chỉ có Thủ Lễ còn giữ được sới vật này trong ngày đầu xuân.

Phần cột kèo trong ngôi hữu tùng tự đang rơi vào tình trạng mục nát, chờ sập vì mái ngói xưa đã không còn.

 

Đình Thủ Lễ cần sớm được trùng tu

Đình Thủ Lễ là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân làng Thủ Lễ. Tuy nhiên, người dân làng Thủ Lễ cũng như người yêu văn hóa Huế đang cảm thấy lo ngại bởi qua thời gian nhiều hạng mục giá trị tại di tích này đang rơi vào tình trạng hư hỏng.

Nằm ngay mặt tiền Đình Thủ Lễ, giếng đình trước đây là nơi người dân sử dụng nguồn nước để sinh hoạt đang bị nứt gãy do sụt lún. Tại Đình Thủ Lễ có hai ngôi tùng tự thì ngôi tả tùng tự đã biến mất, thay vào đó là một ngôi nhà cấp 4 vốn dành cho người trong nom đình làng trước khi đình được xếp hạng Di tích Quốc gia.

Đình Thủ Lễ mang lối kiến trúc nhà rường của Huế.

Ngôi Hữu Tùng tự thì phần cột kèo đang rơi vào tình trạng mục nát, chờ sập vì mái ngói xưa đã không còn. Giàn gỗ rui mè đang bị phơi ra cùng mưa nắng khiến người dân không khỏi lo lắng. Đáng ngại hơn, một số phần gỗ ở ngôi đình chính, là phần giá trị nhất của Đình Thủ Lễ làng đang có dấu hiệu xuống cấp theo thời gian.

“Từ khi được công nhận là Di tích cấp Quốc gia từ năm 1999 đến nay, Đình Thủ Lễ chưa được trùng tu hay sửa chữa lần nào. Một số hạng mục của đình nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhất là phần ở ngôi Hữu Tùng tự. Về mùa hè thì không sao nhưng đến mùa mưa thì dột nát, bà con phải dùng bạt che đậy ở bên trong. Nếu không trùng tu kịp thời thì rất dễ mục nát hết bộ “giàn trò” mà ông cha đã để lại. Nhưng muốn làm thì cần xin phép, rồi kinh phí rất lớn. Tôi kính mong các ban ngành sớm quan tâm có biện pháp giúp đỡ để người dân làng Thủ Lễ được an tâm”, ông Hồ Đăng Dẫn (Ban quản lý Đình Thủ Lễ) bộc bạch.

Hiện Đình Thủ Lễ xuống cấp nghiêm trọng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ánh Cầu – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quảng Điền cho biết: “Đình Thủ Lễ là một Di tích cấp Quốc gia có nhiều giá trị về mặt văn hóa, lịch sử cũng như có ý nghĩa về mặt tinh thần đối với người dân địa phương. Vấn đề đình xuống cấp, chúng tôi cũng đã nắm được thông tin nhưng vấn đề khó khăn nhất chính là tài chính. Hiện phòng VHTT cũng đang làm kế hoạch dự toán để trình lên sở, ban ngành trung ương để xin kinh phí. Sắp tới đây, chúng tôi cũng sẽ cho trùng tu một phần ở Di tích Đình Thủ Lễ”.

Đình Thủ Lễ là một Di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu không chỉ của Huế mà của cả nước nói chung. Hy vọng trong thời gian tới nhiều hạng mục tại đây sẽ được quan tâm trùng tu kịp thời, bảo tồn được một công trình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Một số hình ảnh phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc ghi lại sự xuống cấp ở Di tích Đình Thủ Lễ:

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia – Đình Thủ Lễ.
Quang cảnh bên ngoài của ngôi đình cổ có tuổi đời hơn 200 năm.
Đình Thủ Lễ mang lối kiến trúc nhà rường của Huế. 
Kỹ thuật chạm khắc tinh xảo trong kiến trúc của Đình Thủ Lễ.
Khánh đá là một hiện vật giá trị còn được lưu giữ lại bên trong Đình Thủ Lễ. 
Đình Thủ Lễ được vua ban cho tất cả 57 bản sắc phong nhưng đến nay chỉ còn lưu giữ được 52 bản. 
Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa Đình Thủ Lễ.
Các vị cao niên dâng hương tại Đình Thủ Lễ. 
Giếng đình Thủ Lễ theo thời gian đã bị sụt lún, nứt gãy.
Ngôi hữu tùng tự trong khuôn viên Đình Thủ Lễ đang xuống cấp nghiêm trọng. 
Phần cột kèo trong ngôi hữu tùng tự đang rơi vào tình trạng mục nát, chờ sập vì mái ngói xưa đã không còn.
Một số phần gỗ ở ngôi đình chính, là phần giá trị nhất của Đình Thủ Lễ làng đang có dấu hiệu xuống cấp theo thời gian. 

 

Khánh Linh - Thế Trung

Khánh Linh - Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ