Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết từ ngày 22/4 tới sẽ tiến hành mở cửa tham quan Đại Nội về đêm cho các du khách, thời gian từ 19-22 giờ, nhằm tạo thêm một điểm nhấn trong hành trình tham quan di sản miền Trung ở Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Giá vé vào ban đêm được tính như ban ngày (tức là 120.000 đồng/người đối với khách Việt Nam và 150.000 đồng/người đối với khách quốc tế).
Đến với chương trình "Đại Nội về đêm," du khách có nhiều cơ hội được trải nghiệm thú vị cùng Di sản Huế; đó là những trải nghiệm khó quên về cảnh sắc lung linh của Hoàng cung Huế xưa từ Ngọ Môn, cầu Trung Đạo, hồ Thái Dịch đến Thế Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh...; những trải nghiệm ấn tượng về các nghi thức cung đình xưa như lễ Đổi gác, trình tấu Đại nhạc, Tiểu nhạc…; trải nghiệm thú vị về các hoạt động diễn xướng như Cấm vệ quân luyện võ, các bài bản múa cung đình, các chương trình âm sắc hoàng cung cùng các trò chơi cung đình được tái hiện; những trải nghiệm văn hóa Huế qua các trưng bày ấn tượng về 5 di sản thế giới ở Huế cùng các trưng bày chuyên đề tại các di tích.
Đến với chương trình "Đại Nội về đêm," du khách còn được trải nghiệm về nghề truyền thống Huế, các hoạt động dịch vụ tại Phủ Nội vụ, cung Trường Sanh, cung Diên Thọ.
Trước đây, khai thác không gian Đại Nội Huế về đêm chỉ thực hiện vào các "Đêm hoàng cung" trong các dịp Festival. Gần đây nhất, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã thành công trong việc tổ chức dạ tiệc Đêm Hoàng cung, đón gần 1.000 du khách đến Huế bằng tàu biển Celebrity Centurry hạng sang của hãng Royal Caribbean Cruises Ltd (Malta) cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế).
Dạ tiệc nhằm giới thiệu đến du khách tàu biển một cách khái quát nhưng đầy ấn tượng về vẻ đặc sắc của văn hóa truyền thống Huế và sinh hoạt cung đình triều Nguyễn, các di sản kiến trúc có giá trị mỹ thuật cao, nghệ thuật biểu diễn cung đình và ẩm thực Huế đầy tinh tế.
Không gian Đêm Hoàng cung bắt đầu từ cửa Ngọ Môn đến sân điện Cần Chánh - địa điểm diễn ra dạ tiệc. Đây cũng là không gian lung linh trong ánh sáng nghệ thuật và sống động với nhiều hoạt động cung đình được mô phỏng như tổ chức các trò chơi cung đình, biểu diễn Nhã nhạc cùng nhiều tiết mục nghệ thuật truyền thống cung đình khác.
Việc tổ chức thành công Dạ tiệc Hoàng cung tạo cho chương trình kích cầu du lịch tại tỉnh Thừa Thiên-Huế nói chung và khu di sản Huế nói riêng dành cho thị trường khách tàu biển quốc tế cao cấp đến Việt Nam trong thời gian tới.
Là trung tâm chính trị của Triều Nguyễn, Hoàng Thành (Đại Nội) và các kiến trúc bên trong luôn là điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi tham quan Cố đô Huế trong nhiều năm qua. Năm 2017, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng kế hoạch mở cửa "Đại Nội về đêm" với mong muốn tạo thêm một điểm nhấn trong hành trình tham quan di sản miền Trung ở Việt Nam.
Với việc mở cửa "Đại Nội về đêm" cùng với nhiều giải pháp mạnh mẽ trong phát triển du lịch, dịch vụ đang được tỉnh Thừa Thiên-Huế nỗ lực thực hiện như tập trung thu hút các dự án lớn đầu tư các khu du lịch cao cấp, gắn với phát triển dịch vụ đồng bộ, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao; phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch di sản, thu hút du khách quốc tế...
Việc làm trên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế góp phần tạo nên sự hấp dẫn, mới lạ, phong phú cho du khách mỗi khi đến với Thừa Thiên-Huế, nhằm mục tiêu đến năm 2020 thu hút trên 5 triệu lượt khách; đến năm 2030 thu hút hơn 7 triệu lượt khách; phấn đấu đến năm 2020, đưa Thừa Thiên-Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực; đến năm 2030 xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa nổi tiếng thế giới.../.
(Nguồn: TTXVN)