(Tổ Quốc) -Chiều 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề còn khác nhau của dự thảo Luật Du lịch.
- 31.01.2017 “Hiến kế” để Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
- 06.02.2017 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì họp góp ý dự thảo Luật Du lịch sửa đổi
- 07.02.2017 Dự thảo Luật Du lịch chuẩn bị đưa ra xem xét tại Thường vụ Quốc hội
- 13.03.2017 Dự thảo Luật Du lịch tiếp tục được bàn thảo tại Thường vụ Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình đã báo cáo trước Ủy ban Thường vụ 20 vấn đề cần chỉnh lý dự thảo Luật .
Cần phải có Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch
Đa số các ý kiến đều đồng tình việc cần phải có Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho hay, theo dự thảo sẽ có 7 nguồn và động chạm tới nhiều luật khác như ngân sách, thuế, phí…
Ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thận trọng, phù hợp với pháp luật, tránh việc bảo vệ luật này mà không đồng bộ với luật khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì cho rằng, dự thảo cần làm rõ các đầu việc chi của Quỹ, chi theo mục đích gì, dự kiến thu được bao nhiêu và phát triển quỹ này như thế nào.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến vào dự thảo Luật Du lịch sửa đổi. Ảnh: Nam Nguyễn |
Đồng ý với các nội dung giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho hay, cần làm rõ cơ quan nào chỉ đạo Quỹ phát triển du lịch.
Về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, nguồn hình thành từ ngân sách, các doanh nghiệp và đóng góp từ phí visa, tham quan, phí lưu trú… “Đưa các điều khoản này vào, Quỹ sẽ vướng các luật khác nhưng nếu không có quy định cụ thể này thì việc hình thành Quỹ sẽ giống như quy định cách đây 10 năm và tới thời điểm này vẫn không hình thành quỹ vì không có nguồn” – Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Về điểm du lịch, khu du lịch… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, bộ phim Kong: Skull Island đang ra rạp đã đánh thức một phần của du lịch Việt Nam, nhưng vẫn còn nhiều phần khác chúng ta chưa đánh thức. Chủ tịch cho rằng, cần phải đầu tư xứng đáng hơn vào hạ tầng và dịch vụ du lịch để giữ chân khách.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Nam Nguyễn |
Với các địa phương, cần phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như Điện Biên cần có những vùng trồng hoa ban, Hà Giang có tam giác mạch, Nghệ An có hoa hướng dương. Cùng với việc đầu tư hạ tầng gắn với các sản phẩm du lịch khác như homestay, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, người dân cùng làm du lịch thì du khách sẽ tới.
Không lập văn phòng xúc tiến du lịch tại nước ngoài
Tại phiên họp này, các ý kiến cho rằng không nên lập văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm.
Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội, Văn phòng xúc tiến du lịch chỉ cần để trong các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.
Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đội ngũ tham tán Việt Nam tại các Đại sứ quán vừa qua làm được nhiều việc tốt. “Tôi từng tới dự các sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạnh, Bỉ tổ chức, các cán bộ phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức các sự kiện rất tốt”- Phó Chủ tịch nêu ví dụ.
Đồng thời Phó Chủ tịch gợi ý Bộ VHTTDL nên có một Thứ trưởng phụ trách công tác du lịch để tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề của dự thảo Luật Du lịch sửa đổi. Ảnh: Nam Nguyễn |
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, đại diện Ban soạn thảo dự thảo luật cho hay sẽ, nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ, du lịch là ngành kinh tế, dịch vụ tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Những vấn đề trong luật hay cơ chế, chính sách thì đều nằm ở các quy định khác nhau của các luật khác nhau và đây là điểm vô cùng khó khi cần đưa ra quy định cụ thể cho bất kể vấn đề nào.
Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự án Luật Du lịch sửa đổi.
Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cơ bản nhất trí với nội dung do Chính phủ trình; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.
Kết thúc buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã hoan nghênh Ban soạn thảo trong thời gian ngắn đã tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội và cập nhật những nội dung mới nhất trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cập nhật, tiếp thu các chủ trương mới mà Bộ Chính trị giao./.
Song Đào